"Bảo hiểm nông nghiệp mới có thể tiếp cận hộ giàu"

"Các đối tượng, quy trình sản xuất trong trồng trọt và chăn nuôi quy định trong loại hình bảo hiểm mới này vẫn chưa sát với thực tế và chưa quan tâm, chưa tính đến các hộ nghèo. Kể cả sau này, khi BHNN được triển khai trên diện rộng, đi vào thực tế, cũng chỉ có thể tiếp cận được với các hộ sản xuất nông nghiệp khá, giầu có", Ông Nguyễn Duy Lượng – Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, cho biết. 

Bắt đầu từ 1/7/2011, bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) được triển khai thí điểm trên phạm vi 21 địa phương được lựa chọn. Nhưng tới nay, người dân vẫn chưa hiểu về BHNN như thế nào, thậm chí kể cả những địa phương được chọn thí điểm cũng chưa có hoặc có nhưng các cán bộ chuyên trách năng lực vẫn còn yếu và thiếu nhiều. Các DN được chỉ định tham gia BHNN vẫn “án binh bất động”, chưa có các động thái triển khai...

Ông Nguyễn Duy Lượng – Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam – cho biết:

"Bảo hiểm nông nghiệp mới có thể tiếp cận hộ giàu" ảnh 1
 

- Có thể khẳng định rằng, Chính phủ cho phép triển khai BHNN ở nước ta là một chính sách rất tốt và hợp với lòng dân. BHNN hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do hậu quả của thiên tai gây ra, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Đây cũng là biện pháp tích cực giúp nông dân bảo đảm được sản xuất và cuộc sống mỗi khi gặp thiên tai và dịch bệnh.

Có nhiều ý kiến cho rằng BHNN các tỉnh triển khai còn chậm, các tỉnh được triển khai còn ít, đối tượng chưa rõ ràng, ông có suy nghĩ gì về điều này?

- Tại thời điểm này, BHNN mới được triển khai thí điểm và Thủ tướng mới cho phép thí điểm tại 21 địa phương. Trong đó có 5 tỉnh về trồng lúa, 9 tỉnh về chăn nuôi gia súc, gia cầm và 7 tỉnh về thủy sản. Đúng là việc triển khai BHNN đang có dấu hiệu bị chậm. Tuy nhiên, nó có các nguyên nhân vì mới được triển khai từ 1/7/2011, đến nay mới được hai tháng; bộ máy và nhân lực tại 21 địa phương được phép tiến hành thí điểm BHNN vừa thiếu lại vừa yếu.

Hầu hết các địa phương đã thành lập được ban chỉ đạo nhưng lại chưa đầy đủ và cán bộ chuyện trách về vấn đề BHNN vẫn chưa được tập huấn, đào tạo. Chính vì thế chưa triển khai được tới người dân. Hiện người dân cũng chưa nắm được các thủ tục, chưa hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của họ trong việc tham gia vào loại hình bảo hiểm này.

Các DN được chỉ định tham gia loại hình bảo hiểm này là TCty Bảo hiểm Việt Nam, TCty CP Bảo Minh và TCty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam cũng chưa nắm bắt kịp thời và tổ chức triển khai, chưa vào cuộc mạnh mẽ. Cho nên, dù đã có thông tư hướng dẫn nhưng chưa có cán bộ hướng dẫn đến người dân và các đơn vị DN được phép triển khai vẫn chưa có các động thái thực hiện.

Với những diễn biến như vậy, có thể từ nay đến cuối năm, BHNN vẫn chưa đi vào thực tế. Nhiều địa phương đến nay cũng chưa quan tâm đến loại hình bảo hiểm rất mới này.

Các quy định về BHNN nói đến quy trình sản xuất nông nghiệp nhưng yêu cầu quá cao, chưa sát thực tế, liệu người nông dân nghèo có đáp ứng các yêu cầu đặt ra không thưa ông?

- Đúng là các đối tượng, quy trình sản xuất trong trồng trọt và chăn nuôi quy định trong loại hình bảo hiểm mới này vẫn chưa sát với thực tế và chưa quan tâm, chưa tính đến các hộ nghèo. Kể cả sau này, khi BHNN được triển khai trên diện rộng, đi vào thực tế, cũng chỉ có thể tiếp cận được với các hộ sản xuất nông nghiệp khá, giầu có. Lẽ ra, trong điều kiện thí điểm là phải đưa loại hình bảo hiểm này tới mọi hộ nông dân, diện rộng hơn.

Hơn nữa, khi triển khai loại hình bảo hiểm này cũng đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách hợp lý, bảo đảm cho hạ tầng của nông nghiệp như quy hoạch vùng trồng cây, động vật nuôi; đẩy mạnh áp dụng các mô hình, tiêu chuẩn sản xuất sạch trong nông nghiệp; phải xác định được kinh tế của mỗi vùng khác nhau ra sao.

Bên cạnh đó là cần trang bị tại cơ sở về công tác thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông, khuyến ngư. Hoặc như hệ thống cảnh báo thiên tai có liên quan nhiều đến sản xuất nông nghiệp của người nông dân nhưng đến nay cũng chưa chuẩn bị, chủ động được. Trong khi đó BHNN có tính đến bảo hiểm đối với rủi ro về thiên tai trong nông nghiệp, và khi chưa chủ động được điều đó thì việc tính toán để bảo hiểm là rất khó khăn. Nếu chủ động được, nâng cao sức mạnh của những lực lượng nói trên sẽ là cơ sở cho việc tính toán, đền bù thiệt hại nếu xảy ra rủi ro và có các phương pháp tính chính xác, khoa học nhất.

Điều đó đòi hỏi việc xác định được vị trí, vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân trong vấn đề BHNN ra sao? Các địa phương phải lựa chọn được địa bàn thí điểm hợp lý, có tính khả thi cao để sau này khi làm điểm có thể sẽ nhân rộng được. Các điểm phải là những vùng tập trung, có điều kiện thuận lợi, để không phân tán và có hiệu quả đối với người dân.

Cho đến nay BHNN đi vào triển khai nhưng các quy định vẫn chờ hướng dẫn, vậy bao giờ người nông dân mới được hưởng BHNN?

- Tôi nghĩ rằng, nếu tình hình tổ chức thực hiện như hiện nay, có khi đến hết năm 2011, quyết định này cũng chưa đến được với đồng đảo người dân. Bởi thực tế sau khi có Quyết định 315/QĐ-TTg ban hành ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về BHNN và các bộ là Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông đã có hướng dẫn; các doanh nghiệp tham gia vào loại hình bảo hiểm này cũng đã được chỉ định nhưng cần phải tổ chức triển khai, phối hợp với BCĐ của 21 địa phương được lựa chọn thí điểm tiến hành tập huấn, hướng dẫn thực hiện.

Thời gian để thực hiện tập huấn và hướng dẫn chắc chắn cũng phải mất vài tháng chính vì thế, đòi hỏi cơ quan chức năng trong đó có Bộ Tài chính và Bộ Ngông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra hướng dẫn thực hiện phải cử cán bộ phối hợp với các doanh nghiệp được chỉ định, và các ban chỉ đạo ở địa phương tổ chức khẩn trương và tập huấn triển khai, sớm đưa loại hình BHNN rất ưu việt với người nông dân đi vào hiện thực cuộc sống,

Xin cảm ơn ông!

Hồng Anh

Đọc thêm