Bảo hiểm tiền gửi chưa giúp người gửi tiền ngân hàng an tâm

Được ví như chiếc “van an toàn” cho hệ thống tài chính - tiền tệ quốc gia, thế nhưng suốt hơn 10 năm qua, Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Việt Nam (VN) vẫn hoạt động dựa trên cơ sở pháp lý chưa tương xứng và duy trì một hạn mức chi trả bảo hiểm quá “hẻo” dành cho người gửi tiền...

Được ví như chiếc “van an toàn” cho hệ thống tài chính - tiền tệ quốc gia, thế nhưng hơn 10 năm qua, Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Việt Nam (VN) vẫn hoạt động dựa trên cơ sở pháp lý chưa tương xứng và duy trì một hạn mức chi trả bảo hiểm quá “hẻo” dành cho người gửi tiền...

Cở sở pháp lý chưa tương xứng

Được thành lập theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg ngày 09/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức hoạt động từ ngày 07/7/2000, cho đến nay, văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động BHTG vẫn là Nghị định 89/1999/NĐ-CP ngày 1/9/1999 và Nghị định 109/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/1999/NĐ-CP ngày 1/9/1999 của Chính phủ về BHTG. 

bank.jpg

Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, Luật BHTG hay Luật bảo vệ người gửi tiền đều được ban hành trước khi thành lập tổ chức BHTG. Theo đánh giá TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ sở hạ tầng pháp lý điều chỉnh hoạt động BHTG của Việt Nam hiện chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG Việ Nam (chưa có Luật BHTG) và chưa đồng bộ với pháp luật điều chỉnh về hoạt động ngân hàng (Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các Tổ chức tín dụng). Chính sách BHTG còn nhiều bất cập ví dụ như hạn mức chi trả tiền gửi còn thấp, chức năng, mô hình tổ chức BHTG, sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan giám sát tài chính chưa rõ ràng…

TS Bùi Khắc Sơn, Tổng giám đốc BHTG Việt Nam cho biết, việc xây dựng Luật BHTG cũng đã đặt ra từ cách đây mấy năm, Chính phủ cũng đã có Quyết định thành lập Ban soạn thảo xây dựng Luật từ năm 2007... 

Luật BHTG đã được chính thức đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2011 của Quốc hội. Phát biểu tại lễ công bố cuộc thi “Tìm hiểu về BHTG và hoạt động của BHTG VN” diễn ra sáng qua – 22/6 tại Hà Nội, Phó Thổng đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, “BHTG không những góp phần quan trọng củng cố niền tin của người dân vào TCTD  mà còn giúp các các TCTD phát triển lành mạnh...”, ông Bình khẳng định.

Hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi quá “hẻo”

Mục đích của BHTG là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, hạn mức chi trả BHTG vẫn được duy trì 50 triệu VND/người gửi tiền (theo Nghị định 109/2005/NĐ-CP). Số tiền này được trả cho tất cả các khoản bao gồm gốc và lãi của người gửi tiền. Nếu số tiền gửi gồm cả gốc và lãi vượt quá mức 50 triệu VND, khách hàng sẽ nhận được phần tài sản còn lại trong quá trình thanh lý tài sản của ngân hàng.

Thực tế, trong bối cảnh lạm phát hiện nay, 50 triệu VND không phải là con số lớn đối với một gia đình trung lưu thành thị. Đó là chưa kể do thị trường chứng khoán, bất động sản đang tạm lắng, chính sách đối với kinh doanh vàng chưa ổn định, không ít nhà đầu tư đã chuyển sang gửi tiết kiệm ngân hàng với con số lên tới hàng trăm triệu đồng hoặc hơn.

Mặt khác, chính sách BHTG hiện hành quy định không bảo hiểm đối với tiền gửi là ngoại tệ. Điều này đồng nghĩa với việc một bộ phận không nhỏ người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG chưa được bảo vệ lợi ích khi tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ.

Bên cạnh đó, việc vẫn đang áp dụng chính sách phí BHTG đồng hạng (0,15% trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm) đối với  tất cả các ngân hàng mà không dựa trên cơ sở mức độ rủi ro của mỗi ngân hàng cũng xem là một bất cập hiện nay. Bản thân người gửi tiền cũng khó có sự phân biệt độ tin cậy giữa các ngân hàng khi các ngân hàng áp dụng một mức phí như nhau.

Tất cả những điều đó ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách BHTG, ảnh hưởng đến niềm tin công chúng đối với hệ thống tài chính, ngân hàng....


Thanh Lan

Đọc thêm