Theo Bộ Tài chính, sau 10 năm thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới quy định tại Nghị định số 103/2008/NĐ-CP và Nghị định số 214/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 103/2008/NĐ-CP, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng bộc lộ những tồn tại, vướng mắc cả về chính sách, chế độ và công tác tổ chức, triển khai thực hiện.
Vì thế, để khắc phục, hoàn thiện hơn nữa chế độ hiện hành, Bộ Tài chính trình Chính phủ chấp thuận việc xây dựng Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thay thế các nghị định nói trên.
Cụ thể, về phí bảo hiểm và mức trách nhiệm bảo hiểm, để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, linh hoạt trong tổ chức thực hiện, dự thảo đề xuất quy định giao Bộ Tài chính công bố mức phí bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm cụ thể trong từng thời kỳ.
Căn cứ vào mức phí bảo hiểm do Bộ Tài chính công bố, cho phép doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) điều chỉnh tăng tối đa 15% phí bảo hiểm tùy theo mức độ rủi ro của xe cơ giới, chủ xe, lái xe (lịch sử tai nạn giao thông).
Bộ Tài chính cũng đề xuất quy định linh hoạt hơn về thời hạn bảo hiểm, theo hướng cho phép giao kết hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) có thời hạn dài hơn 1 năm đối với các loại xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy nhằm mục tiêu thúc đẩy việc triển khai bảo hiểm TNDS đối với xe mô tô.
Dự thảo đề xuất tăng mức bồi thường trong trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về bên thứ ba lên đến 70% mức bồi thường theo quy định, nhằm phát huy tính chất nhân đạo của chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới (đặc biệt đối với thiệt hại về tính mạng, thân thể).
Đồng thời, để bảo đảm việc tạm ứng bồi thường được triển khai thuận lợi trong thực tiễn, bảo đảm nạn nhân tai nạn có thể tiếp cận nhanh chóng nguồn lực tài chính, kịp thời chữa trị, chi trả chi phí y tế, quy định rõ DNBH phải thực hiện tạm ứng bồi thường thiệt hại về thân thể, tính mạng trong các vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng - làm chết người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ít nhất một người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên.
Dự thảo cũng quy định rõ thời hạn cho từng bước giải quyết bồi thường (từ thông báo tai nạn, thu thập hồ sơ, giám định hiện trường cho đến thông báo giải quyết bồi thường và thực hiện chi trả bồi thường) nhằm bảo đảm minh bạch và tăng cường giám sát công tác giải quyết bồi thường của DNBH.
Cùng với đó, dự thảo đề xuất quy định rõ quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp (trước hết giải quyết trên cơ sở thương lượng theo thỏa thuận tại HĐBH trước khi đưa ra giải quyết tại Tòa án) để hạn chế tranh chấp kéo dài gây thiệt hại cho tất cả các bên có liên quan.