Trước thực tế này, ngày 22/11, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức Hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh”. Đây là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII đang diễn ra tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng.
Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, cần có nhiều giải pháp đồng bộ như: hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ tác quyền đối với tác giả, cá nhân, công chúng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, thực thi quyền tác giả và xử lý các hành vi xâm phạm trên không gian mạng.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đoàn Văn Việt cho rằng, môi trường số đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan. Hội thảo lần này nhằm xác định những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện việc bảo hộ bản quyền, qua đó từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo thống kê của Bộ VH,TT&DL, ngành Điện ảnh Việt Nam giai đoạn từ năm 2018 - 2022 có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ. Trong giai đoạn này, đối với ngành Điện ảnh, giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm, giá trị gia tăng đóng góp vào nền kinh tế bình quân tăng 7,94%/năm; nguồn lực lao động tăng 8,05%, số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tăng 8,39%. Doanh thu điện ảnh chiếu rạp trong năm 2018 đạt khoảng 3,4 nghìn tỷ đồng và đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của COVID-19, doanh thu toàn ngành có sự sụt giảm đáng kể (đạt 750 tỷ đồng), năm 2021 đạt 1,156 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành đã phục hồi tốt, đạt khoảng 70% so với năm 2019.