Bạo lực học đường: Kỷ luật cần thiết nhưng chỉ là trước mắt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày vừa qua, video quay cảnh một nhóm học sinh xúc phạm cô giáo xảy ra ở một trường học thuộc tỉnh Tuyên Quang đang gây xôn xao dư luận. Sự việc đang được xác minh, làm rõ và cần sự đánh giá khách quan, nhiều chiều. Tuy nhiên, dù ở góc độ nào thì đây cũng là những hình ảnh xấu xí trong môi trường giáo dục.
Quang cảnh một Hội thảo có chủ đề “Hiệu trưởng - Người ươm mầm hạnh phúc” nhằm xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng, giáo dục toàn diện cho học sinh. (Ảnh: BTC)
Quang cảnh một Hội thảo có chủ đề “Hiệu trưởng - Người ươm mầm hạnh phúc” nhằm xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng, giáo dục toàn diện cho học sinh. (Ảnh: BTC)

Có câu: “Không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”, nhưng hiện nay, nghề giáo viên đang phải đối mặt với nhiều áp lực. Phải thẳng thắn rằng, trong nhiều vụ việc, có một bộ phận trong cả ba đối tượng thầy - trò - phụ huynh đều chưa hành xử đúng chuẩn mực.

Với sự cởi mở của giáo dục hiện nay, các em học sinh có quyền bình đẳng trong lớp học khi được đưa ra ý kiến, lựa chọn tổ hợp môn học yêu thích, giảm tải gánh nặng thi cử… Tiếng nói của các em đang ngày càng giá trị hơn, rất nhiều học sinh mới mười lăm, mười sáu tuổi đã có những sáng kiến, hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, mặt khác, vẫn còn một bộ phận không nhỏ những em học sinh trở nên “lệch chuẩn”, méo mó, xấu xí với các hành động như đánh hội đồng, gian lận trong thi cử, đua xe gây tai nạn, tệ hơn cả là đánh mắng cả thầy, cô giáo, cha mẹ, ông bà của mình.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) từng chia sẻ, hiện nay, giáo dục Việt Nam đang coi trọng việc dạy kiến thức hơn dạy làm người. Cụ thể, chương trình giáo dục hiện nay ở Việt Nam quá chú trọng đến dạy chữ. Môn học có hơi hướng giáo dục đạo đức, rèn luyện tư duy và kĩ năng sống cho học sinh bị lệch sang văn hóa giáo dục kiến thức. Việc dạy kĩ năng sống, dạy cách làm người để học sinh biết cư xử đúng mực, biết rõ những chuẩn mực đạo đức xã hội thì trong các trường phổ thông hiện nay chưa được đề cao. Điều này đáng báo động là trong giáo dục học đường, chỉ quan tâm đến giáo dục kiến thức văn hóa cho học sinh, sinh viên mà xem nhẹ giáo dục đạo đức, lối sống và sống trách nhiệm cho các em.

Nói đến giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh phải đến từ hai phía, thứ nhất từ nhà trường, thứ hai, từ chính các gia đình. Hiện nay, việc mỗi gia đình có 1 - 2 con, khiến phụ huynh đặt con mình lên trên hết, yêu chiều, cho con cái “tôi” quá cao. Đồng thời, các bậc cha mẹ không còn đánh giá năng lực của người giáo viên qua sự tiến bộ nhân cách con cái nữa. Mà thông qua bảng điểm trên trường để kết luận giáo viên tốt hay kém. Cho nên, nhiều môn phụ bị gia đình học sinh và chính các em coi thường. Thậm chí, chỉ những giáo viên dạy Toán - Văn - Anh giỏi mới có “uy” đối với học sinh. Điều này gián tiếp cho những em học sinh mười tuổi, mười ba, mười bốn có hành động coi thường người lớn, đánh hội đồng thầy, cô giáo...

Việc xem nhẹ giáo dục nhân cách cũng khiến nhiều em học sinh trở nên vô cảm, lạnh lùng và ích kỷ. Theo nghiên cứu của ThS Hoàng Việt Hùng, Cử nhân Trần Vĩnh Thịnh, giảng viên Bộ môn Tâm lý - Trường Đại học Cảnh sát nhân dân với 400 học sinh tại 3 trường phổ thông trung học trên địa bàn quận 4 và quận 7 Thành phố Hồ Chí Minh vào vài năm trước đây, cho ra số liệu đáng buồn. Khi chứng kiến bạo lực học đường, số em có thái độ mặc kệ là 91/400, chiếm tỷ lệ 22,75%, thậm chí có em còn lựa chọn quay video, con số này là 14/400, chiếm tỷ lệ 3,5%.

Một nghiên cứu khảo sát tình trạng sức khỏe tâm thần của giáo viên THCS tại Quảng Trị, Huế và TP HCM cho thấy có 41,1% số giáo viên bắt đầu có những dấu hiệu đáng lưu ý, 22% giáo viên có nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần cao và khoảng 6,1% giáo viên có sức khỏe tâm thần không tốt.

Một trường học hạnh phúc là khi giáo viên, học sinh đều hạnh phúc. Trước hết đó phải là môi trường an toàn, thân thiện, với thầy cô và học sinh. Để làm được điều đó ngoài những căn cứ pháp lý chặt chẽ, thì chính nhà trường, phụ huynh cần phải chú trọng đến giáo dục nhân cách, để mỗi em học sinh sẽ có những hành động nhân văn đẹp đẽ.

Trả lời câu hỏi của báo giới chiều 6/12 tại họp báo Chính phủ thường kỳ về vụ việc học sinh xúc phạm, dồn giáo viên vào góc tường xảy ra ở Tuyên Quang mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, ngày 5/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi về UBND tỉnh Tuyên Quang đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo để xác định rõ vụ việc.

Theo ông Hoàng Minh Sơn, bạo lực học đường đang là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Biện pháp xử lý kỷ luật đối với một vụ việc là cần thiết nhưng chỉ là trước mắt, căn cơ hơn là biện pháp giáo dục và công tác quản lý. Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường hướng dẫn chỉ đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục để làm tốt công tác giảng dạy, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đặc biệt về tư tưởng đạo đức và công tác quản lý để phối hợp với phụ huynh.

Đọc thêm