Học sinh chửi bới giáo viên ở Tuyên Quang: Nghiêm trọng và không thể chấp nhận được

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạo lực xảy ra trong trường nhưng là vấn đề xã hội và giáo dục học sinh không chỉ trong gia đình, nhà trường mà là toàn xã hội.
Hình ảnh tại họp báo.
Hình ảnh tại họp báo.

Chiều 6/12, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, trả lời về việc nhóm học sinh dồn, ép cô giáo vào tường và chửi bậy ở Tuyên Quang, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, ngay trong ngày hôm qua (5/12) Bộ đã có văn bản gửi UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu phải tiếp tục chỉ đạo, xác minh, làm rõ.

Ông Sơn nói việc xảy ra đã cho thấy mức độ nghiêm trọng và việc này không thể chấp nhận được. Do đó, Bộ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở, nhà trường làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan.

“Sự việc chúng ta đều bức xúc nhưng vẫn phải làm rõ nguyên nhân và tìm hiểu vấn đề một cách khách quan, thấu đáo, đầy đủ. Trên cơ sở đó phải có các biện pháp xử lý nghiêm. Ở đây cần làm rõ, xem xét tổng thể trách nhiệm nếu của giáo viên, liên quan đến nhà trường, lãnh đạo nhà trường và trách nhiệm của học sinh, phụ huynh để có các biện pháp xử lý trước mắt, cần thiết chấn chỉnh. Từ việc xử lý nghiêm cũng phải rút kinh nghiêm sâu sắc việc này”, ông Sơn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo cũng cho hay, bên cạnh sự việc này thời gian qua xảy ra nhiều sự việc trong đó, có những sự việc giống nhau về hiện tượng nhưng có việc khác nhau. Song vấn đề bạo lực học đường là vấn đề chung, cần quan tâm. Biện pháp giáo dục là căn cơ, lâu dài.

Về các giải pháp, ông Sơn cho rằng, đầu tiên chính là giáo dục và thứ hai liên quan công tác quản lý.

Về biện pháp kỷ luật là đối với vụ việc cụ thể còn căn cơ, lâu dài cần quan tâm biện pháp giáo dục. Trong đó, phải xem đội ngũ giáo viên. Dù ngành luôn quan tâm bảo vệ đội ngũ nhà giáo nhưng đầu tiên phải nhìn lại đội ngũ giáo viên.

Cụ thể là từ quy trình từ đào tạo, bồi dưỡng nhưng quá trình sử dụng cần có đánh giá chuyên môn, phẩm chất, kỹ năng trong việc xử lý.

Ông Sơn nói rằng, giáo viên không chỉ môn học này mà giáo viên các môn khác, giáo viên chủ nhiệm thì công tác giáo dục, tuyên truyền ở lớp với học sinh như thế nào, trong nhà trường thực hiện thế nào thì cần rà soát, đánh giá.

Bên cạnh đó, cần đánh giá việc dạy và học, nhất là giáo dục đạo đức ở từng trường, lớp học. Việc học sinh chấp hành như thế nào, theo dõi thường xuyên đối với học sinh cũng cần xem xét.

“Để xảy ra một vụ việc như vậy dẫn tới rất nhiều hậu quả. Vì vậy, phải tìm hiểu các nguyên nhân sâu xa trong quan hệ giữa thầy trò, các tư tưởng, đạo đức, diễn biến tâm lý trong lớp, trong trường như thế nào, quản lý nhà trường, lớp nhằm ngăn chặn từ sớm, không để xảy ra”, ông Sơn nói thêm.

Đối với phụ huynh, ông Sơn cho biết, giáo dục không chỉ trong nhà trường mà có mối quan hệ chặt chẽ với phụ huynh, gia đình. Vì vậy, trong từng trường hợp cụ thể thì sự phối hợp với gia đình rất quan trọng. Cùng với đó, bạo lực xảy ra trong trường nhưng là vấn đề xã hội và giáo dục học sinh không chỉ trong gia đình, nhà trường mà là toàn xã hội.

Đọc thêm