Theo Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA), một cơn bão địa từ (hay còn gọi là bão mặt trời) cực mạnh hiếm gặp đã tấn công Trái đất vào 16 giờ ngày 10/5 (theo giờ địa phương), sớm hơn nhiều giờ so với dự đoán.
Trước đây, trung tâm của NOAA ban hành bản cảnh báo đầu tiên về cơn bão địa từ G4 - cấp độ mạnh thứ hai trên thang điểm từ G1 đến G5 - trong gần 20 năm. Sau đó cơ quan này đã nâng cấp cường độ của cơn bão lên G5 vào ngày 10/5.
Trung tâm dự đoán đã báo cáo trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng "các điều kiện địa từ cực đoan (G5)" đã được "quan sát" thấy lần đầu tiên kể từ cơn bão địa từ tháng 10/2003, Aljazeera đưa tin.
Theo trung tâm dự báo, cơn bão địa từ cấp G5 năm 2003 đã gây mất điện ở Thụy Điển và làm hỏng máy biến áp ở Nam Phi.
NOAA cho biết trong một tuyên bố trước đây: “Bão địa từ có thể tác động đến cơ sở hạ tầng trên quỹ đạo gần Trái đất và trên bề mặt Trái đất, có khả năng làm gián đoạn thông tin liên lạc, lưới điện, điều hướng, hoạt động vô tuyến và vệ tinh".
Mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh cực quang ngoạn mục ở nhiều khu vực trên thế giới. Hình ảnh cực quang với các dải lụa phát sáng màu xanh và màu lam, được nhìn thấy từ Anh đến Tasmania, dự kiến sẽ tiếp tục xảy ra trong vài ngày tới.
Một số hình ảnh cực quang được người dân chia sẻ trên mạng xã hội:
Cực quang được quan sát tại Vương quốc Anh, ngày 10/5. Ảnh: Adam Vaughan/EPA. |
Cực quang được nhìn thấy ở Úc vào ngày 10/5. Ảnh: Sanka Vidagama/ AFP. |
Bắc cực quang tỏa sáng trên bầu trời đêm ở Đức vào ngày 10/5. Ảnh: Christian Grube/IMAGO. |
Cực quang được nhìn thấy ở bang Washington, Mỹ, ngày 10/5. Ảnh: Ted S. Warren/ AP. |