[links()]20h hôm nay (21/6), tại Hà Nội, lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII (năm 2012) được tổ chức để vinh danh những người cầm bút, cầm máy trong làng báo Việt Nam. Giải B và C mà PLVN đạt được từ “sân chơi” chuyên nghiệp này là sự kết tinh công sức của những người làm báo Báo PLVN và sự chia sẻ thông tin, cổ vũ tinh thần rất lớn từ bạn đọc.
Tác phẩm “Hàng loạt vụ hy sinh trong thi hành công vụ: Bị khước từ danh hiệu vì chưa... dũng cảm!” của nhóm tác giả Vân Anh - Bảo Hằng (Giải B): ĐỊNH RÕ MỘT KHÁI NIỆM MONG MANH
Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi chọn vấn đề bất cập về xét công nhận danh hiệu liệt sĩ đối với người có công để triển khai thành “Tâm điểm dư luận” trên PLVN.
Trước đó, khi chúng tôi và một số báo bạn phản ánh Bộ Lao động Thương binh và Xã hội từ chối xét tặng danh hiệu liệt sĩ cho một kiểm lâm viên ở Thái Nguyên hy sinh khi đối đầu với bọn buôn gỗ lậu, đã thấy “gờn gợn” những điều khó hiểu. Vì hành động hy sinh của cán bộ này rõ ràng dũng cảm, xứng đáng được tôn vinh nhưng cơ quan làm chính sách vẫn nhất quyết rằng, sự hy sinh như vậy chưa dũng cảm.
Chỉ tới khi hai bạn đọc - một người cha già và một thiếu phụ ở tận Bình Phước xa xôi tìm đến Tòa soạn phản ánh suốt 5 năm, kể từ ngày con và chồng họ hy sinh nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn từ chối công nhận liệt sỹ vì cho rằng người đã khuất “chưa dũng cảm” - khiến chúng tôi động lòng và quyết định phải lên tiếng. Loạt bài: “Hàng loạt vụ hy sinh trong thi hành công vụ: Bị khước từ danh hiệu vì chưa... dũng cảm!” ra đời trong nỗi niềm trăn trở đó.
Quá trình thu thập tài liệu cho bài viết, chúng tôi phát hiện một chi tiết quan trọng, đó là dù yêu cầu phải có yếu tố dũng cảm trong hy sinh khi thực thi công vụ song không hề một khái niệm thế nào là hành động dũng cảm được định nghĩa cụ thể từ phía cơ quan chức năng. Ngay các Nghị định, Thông tư hướng dẫn lúc bấy giờ cũng chẳng có điều luật nào giải thích vấn đề này.
Thực tế đó, khiến cho hai từ “dũng cảm” trở thành một khái niệm hết sức mong manh và khó phân định mỗi khi có người ngã xuống vì việc công. Hậu quả của sự không rõ ràng này dẫn đến việc hiểu, vận dụng các quy định của pháp luật khi xét tặng danh hiệu liệt sỹ đã có sự khác biệt, lúng túng, đôi khi còn thiên về cảm tính và thiếu chính xác.
Đại diện Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) khi đối thoại với phóng viên cũng thừa nhận, cách đặt vấn đề và quan điểm của PLVN xung quanh việc này là hợp lý, đồng thời khẳng định sẽ cụ thể hoá khái niệm này tại một văn bản pháp quy. Cần biết rằng, khi chúng tôi thực hiện loạt bài trên, một vài tờ báo bạn cũng đưa tin về các trường hợp bị từ chối công nhận liệt sỹ. Nhưng, liều lượng thông tin chỉ dừng ở việc tường thuật, phản ánh sự vụ. Việc đi sâu phân tích, chỉ rõ những nguyên nhân bất cập và đề xuất giải pháp tháo gỡ, chỉ có trên PLVN.
Cuối năm 2012, chúng tôi nhận được tin báo, Bộ LĐTB&XH đã công nhận liệt sỹ cho anh Phạm Đức Ninh- Công an viên xã Phú Trung, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước (một trường hợp cụ thể được PLVN phản ánh). Không thể nói hết được niềm vui, sự xúc động của thân nhân anh Ninh và của cả những người đã đeo đuổi sự việc như chúng tôi.
Ngay sau đó, Chính phủ khi ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, đã dành một Điều luật để giải thích từ ngữ và lần đầu tiên khái niệm về “hành động dũng cảm” đã được định nghĩa rõ ràng. Có nghĩa là sau hơn 3 tháng kể từ ngày bài báo đầu tiên trong loạt bài này khởi đăng, sự hy sinh của một Công an viên đã được vinh danh, tấm bằng Tổ quốc ghi công đã về với thân nhân của người đã hy sinh sự sống của mình để đổi lấy sự bình yên cho cộng đồng xã hội.
* Tác phẩm “Chứng minh nhân dân mẫu mới: Chưa “ra lò” đã phiền toái” của nhóm tác giả Tuấn Anh - Thanh Quý (Giải C): SỨC MẠNH CỦA PHẢN BIỆN
Đúng một tháng trời, chúng tôi “lăn lộn” với đề tài chứng minh nhân dân (CMND) mẫu mới gây phiền toái. Giờ, lật ra xem lại, nghĩ lại vẫn thấy “lạnh sống lưng” vì lượng thông tin quá dày, nóng và liên tiếp chỉ trong chừng ấy thời gian.
Chúng tôi đã được lãnh đạo Ban Biên tập và Ban ưu ái về chỉ tiêu bài vở, để tập trung thông tin về vấn đề CMND. Còn nhớ, khi cầm tờ thống kê nhuận bút của tháng đó trên tay, anh em trong Ban đùa nhau: “Tháng này ăn mỳ tôm nha!”. Dù vậy, sự hào hứng có trên từng khuôn mặt của các đồng nghiệp sau mỗi số báo ra.
Trong một tháng ấy, chúng tôi rời Tòa soạn khá muộn nhưng tới Tòa soạn rất sớm để cà phê sáng cùng đồng nghiệp, để nghe ngóng họ “tán” loạt bài ra sao. “Được lắm”; “ Phải viết thế”; “Còn gì “tung” tiếp nữa không?”… các đồng nghiệp đã cổ vũ ngay từ những kỳ báo đầu tiên như thế.
Tới kỳ thứ tư, khi chúng tôi đăng bài “Đã quản vân tay lại “đòi” thêm gì nữa?”, chứng minh việc quản lý công dân không cần phải có tên cha, mẹ trên căn cước đã tạo nên sức mạnh phản biện cho loạt bài, thì lúc đó, nhiều đồng nghiệp báo bạn gọi điện chia sẻ, hưởng ứng, nhiều bạn đọc đã gọi điện về Tòa soạn bày tỏ ý kiến đồng tình
Tuy nhiên, phía sau mỗi bài báo, đặc biệt là những bài báo mang tính phản biện xã hội cao như thế đã vấp phải không ít gian truân, vất vả; có những chuyện thật khó chia sẻ cùng cùng đồng nghiệp và bạn đọc...
Chúng tôi nhớ như in, khoảng 9 giờ sáng ngày bài báo đầu tiên xuất bản, đang trên đường tới Tòa soạn thì một nhân vật được đề cập trong bài hốt hoảng gọi điện: “Báo viết gì mà tôi đang bị sếp “triệu” lên làm báo cáo, giải trình vậy?”.
Ngay hôm đó, chúng tôi phóng xe cầm theo tờ báo đến tận nơi để họ xem người này bị “sếp triệu tập” vì lẽ gì. Chính “sếp” của nhân vật này cũng liên lạc với chúng tôi đề nghị được “chỉnh” lại lời mà thuộc cấp của anh ta đã phát ngôn với báo ngày hôm trước, để cứu cả đơn vị khỏi việc tày đình là đã nói ngược với quan điểm, chủ trương của ngành về câu chuyện CMND tại thời điểm đó.
Trước cuộc trao đổi và lời đề nghị bất ngờ này, chúng tôi linh cảm chủ trương CMND mẫu mới không hẳn chỉ có người dân phản đối. Ngay ngày hôm sau, những thông tin phản hồi “đặc biệt” trên đã được đăng tải, nhưng những cảm nhận có được từ cuộc trao đổi hôm lại chính là động lực dẫn chúng tôi theo đuổi tới tận cùng vấn đề này.
Có người nói, “át chủ bài” của loạt bài này chính là ý kiến của lãnh đạo một đơn vị thuộc Bộ Công an vì đã thẳng thắn đề nghị không nên đưa tên cha, mẹ vào CMND vì cho rằng không phục vụ được gì nhiều cho nghiệp vụ điều tra, quản lý công dân - đã chứng minh một cách thuyết phục rằng, ngay trong ngành này cũng không thuận với chủ trương trên.
Điều đáng nói, là lúc đầu không một ai trong số những người mà chúng tôi gặp gỡ, phỏng vấn (từ người những người mẹ đơn thân đến một số vị Đại biểu Quốc hội, chuyên gia, giới luật sư…) biết được chủ trương đưa tên cha, mẹ vào CMND. Thái độ ngạc nhiên và câu trả lời của họ đều giống nhau: “Có chủ trương như thế à? Làm sao lại có thể như vậy được?”.
Thái độ phản ứng đó càng chứng tỏ cho chúng tôi thấy, chủ trương này là bất ổn, vì nó không chỉ “phơi” thông tin riêng tư của mỗi cá nhân trên tấm căn cước mà còn chưa chuẩn về quy trình trưng cầu dân ý về một vấn đề nhưng lại liên quan đến hàng chục triệu người Việt Nam. Sự bất ngờ về thông tin đó dường như khiến cho họ quan tâm hơn về đề tài mà chúng tôi đang thực hiện, và sau đó họ đã góp tiếng nói dưới nhiều góc độ khác nhau.
Theo đó, rất nhiều chuyên gia có uy tín, tâm huyết đã xuất hiện trên PLVN để lên tiếng bảo vệ quyền trẻ em, quyền bí mật đời tư công dân, cũng như trình tự ban hành văn bản pháp quy, cũng như nghiệp vụ quản lý tàng thư và điều tra tội phạm… , đồng thời đều khẳng định cần bãi bỏ quy định ghi tên cha, mẹ trên CMND…
Ngay khi biết tin “chiến thắng” của loạt bài, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nói với chúng tôi: “Chỉ tính riêng việc mời được nhiều chuyên gia, luật sư, Đại biểu Quốc hội… cùng tham gia trao đổi, phản biện về chủ này đủ cho thấy loạt bài được tổ chức thực hiện khá công phu và có mức độ ảnh hưởng lớn đến xã hội.”.
* TS.Đào Văn Hội, Tổng biên tập Báo PLVN: “Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của những người làm báo của Báo PLVN. Chúng tôi suy nghĩ rất giản dị, báo chí nói chung và PLVN nói riêng trong quá trình thực hiện sứ mệnh cao cả của mình điều đầu tiên là phải tiếp nhận, phản ánh và phúc đáp kịp thời, chính xác những yêu cầu của bạn đọc, của cuộc sống. Hai loạt bài đoạt giải của PLVN năm nay được thực hiện trên tinh thần đó.” * Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: “Nhiều tác phẩm dự giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII (năm 2012) có tính phát hiện vấn đề, tính định hướng dư luận, có tầm ảnh hưởng xã hội cao và được thể hiện một cách chuyên nghiệp và hấp dẫn…” |
Nhóm PV