Bản tin lúc 14h30 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, hồi 13 giờ (28/10), vị trí tâm bão ở trên đất liền Quảng Nam, Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 50km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 01 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cảnh báo: Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên. Nguy cơ ngập lụt sâu, diện rộng vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, đặc biệt tại các huyện: Thừa Thiên Huế: Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền; TP Đà Nẵng: Liên Chiểu, Thanh Khê; Quảng Nam: Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, thành phố Hội An; Quảng Ngãi: Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Trà Bồng, Bình Sơn, TP. Quảng Ngãi; Bình Định: Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, thành phố Quy Nhơn; Kon Tum: Đắk Hà, Ngọc Hồi, Đắk Tô, Konplong, thành phố Kon Tum; Gia Lai: Ayunpa, Iapa, Phú Thiện, Krôngpa, Chư Prông.
14h, Tại Quảng Nam gió vẫn chưa giảm, tuy nhiên đã xuất hiện mưa lớn theo từng đợt. Đặc biệt ở các huyện miền núi Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã xuất hiện tình trạng sạt lở đất.
Huyện Bắc Trà My gió giật mạnh chưa từng có, điện và giao thông bị tê liệt; nhiều nhà dân bị tốc mái. Trước đó, để phòng bão số 9, hHuyện Bắc Trà My đã di dời khẩn cấp người dân trong vùng có nguy cơ bị sạt lở đất đến nơi an toàn.
Đến 13h20, theo ghi nhận của phóng viên Đình Sang, tại Đà Nẵng, sóng vỗ mạnh, sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15, cường độ gió bắt đầu tăng mạnh từng giờ, lượng mưa giảm dần. Do ảnh hưởng của bão nên nhiều khu vực trên địa bàn Quận Sơn Trà bị mất điện.
13h06', tại Phú Yên, các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Tuy An, gió to khiến một số cây xanh trồng dọc các tuyến đường liên xã bị ngã đổ, chính quyền các địa phương đang huy động lực lượng, phương tiện giải tỏa, thông đường, tạo thuận lợi cho người dân lưu thông. Ở Sông Cầu có 31 ngôi nhà bị sập, tốc mái, hàng chục đìa tôm bị thiệt hại. Tỉnh Phú Yên hiện có 40/100 xã, phường, thị trấn đang bị mất điện do bão số 9.
Trưa 28/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo tiền phương, đặt tại TP Đà Nẵng, trong lúc bão số 9 đang ở ngay trên vùng bờ biển các tỉnh/thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh bão mới chớm vào và sẽ tiếp tục đi sâu vào đất liền, nếu không quyết liệt ứng phó thì vô cùng nguy hiểm. Tình hình rất khẩn cấp, các địa phương phải tập trung tối đa cho công tác chỉ đạo ứng phó, giảm thiệt thiệt hại do bão.
Lúc này, chính quyền các tỉnh/TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đều đã sẵn sàng huy động lực lượng quân đội để ứng cứu dân khi cần thiết.
Bản tin 12h của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 9, giật cấp 12, tại Hoài Hải (Bình Định) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9, tại An Khê (Gia Lai) có gió cấp 8, giật cấp 10, tại Duy Hải (Quảng Nam) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9, tại Play Cu có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/h.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, sáng 28/10, các quan trắc viên khí tượng thủy văn tại đảo Lý Sơn đã được lệnh rút xuống hầm tránh bão. Vào khoảng 10 giờ ngày 28/10, Trạm ra đa tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định và Trạm ra đa tại núi Vũng Chua (thành phố Quy Nhơn) đã bị gió thổi bay nóc, nước tràn vào trạm, các quan trắc viên tại hai trạm này hiện tại vừa gia cố, phòng chống bão vừa đảm bảo việc quan trắc được liên tục.
Lúc 10h30 phút hôm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã điều xe bọc thép từ lực lượng quân đội để đưa một người đang trú tại khách sạn Sông Trà đi cấp cứu do bị tăng huyết áp đột ngột. Đây là trọng tài boxing đang làm nhiệm vụ tại Quảng Ngãi .
Tin của phóng viên Ngọc Châu cho biết, sáng nay, UBND thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp khẩn do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo ứng phó bão số 9.
Trước dự báo khu vực phía Bắc tỉnh Bình Định là nơi tâm bão đi qua, hiện tại Bình Định đang triển khai gấp rút các biện pháp phòng, chống cơn bão số 9, khẩn trương di dời hàng nghìn hộ dân.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung Ương, từ nay đến ngày 29/10, ở khu vực tỉnh Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa khu vực (An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Hoài Nhơn) lượng mưa phổ biến từ 200-300mm/đợt, cá biệt có nơi cao hơn; các huyện (Phù Mỹ, Phù Cát, Tx An Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn) từ 150 -250mm/đợt; các huyện còn lại (Vân Canh, Tây Sơn) phổ biến từ 100-200mm/đợt, có nơi trên.
Hiện Bình Định mưa lớn, gió giật tung mái nhà, làm bật gốc cây, gây ngập cục bộ ở Thị xã Hoài Nhơn.
Nhiều cây xanh bị bật gốc |
Phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định mưa lớn gây ngập nhiều tuyến đường |
Nhiều nhà bị gió thôi bay ngói. Ảnh: Danh Tạo - Đình Sang |
Gió cũng đang giật mạnh liên hồi tại khu vực xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, nhiều nơi trên địa bàn Quảng Nam mất điện. Tỉnh Quảng Nam tiếp tục khuyến cáo người dân không được ra khỏi nhà trong thời điểm hiện nay. Tỉnh yêu cầu các địa phương, các điểm sơ tán dân tập trung phải bố trí lực lượng công an, dân quân hướng dẫn dân cách phòng tránh an toàn, tuyệt đối không được để dân về lại nhà khi bão hoành hành.
10h hôm nay, 28/10, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 180km, cách Quảng Nam 110 km, cách Quảng Ngãi 60 km, cách Bình Định 120km; cách Phú Yên 200 km. Sức gió mạnh nhất: cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/h.
Phóng viên Vũ Vân Anh báo Pháp luật Việt Nam tại Đà Nẵng ghi nhận, dù bão được xác định chưa đổ bộ vào đất liền, nhưng Đà Nẵng đã ghi nhận mưa to, gió rất lớn từ sáng. Đặc biệt, khoảng 9h sáng, gió bắt đầu quần thảo mạnh.
Cây trên các tuyến đường nhiều quận ngã đổ nhiều; 1 trụ điện chiếu sáng tại khu vực đường 3/2 và Đống Đa bị đổ. Các lực lượng chức năng cũng có mặt để giải phóng. Sân khâu BNF khu vực biển đông (Sơn Trà) cũng ghi nhận bị gió quật gây nhiều thiệt hại.
Nhiều mái tôn trên địa bàn TP Đà Nẵng bị sập do gió của bão số 9. |
Lực lượng chức năng nhanh chóng xử lý cột điện chiếu sáng có gắn camera tự động tại khu vực đường 3/2 và Đống Đa (TP Đà Nẵng) bị đổ do ảnh hưởng của gió bão. |
Bản tin lúc 9h của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, sáng nay, sau khi đi vào vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định, bão số 9 đã giảm đi 1 cấp. Do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu (Quảng Ngãi) đã đo được gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Hoài Nhơn (Bình Định) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9. Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đã có mưa to với lượng mưa phổ biến 100-210mm.
Trên đất liền Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi gió giật mạnh, người dân không dám ra đường vì rất nguy hiểm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra bờ kè tại đường Nguyễn Tất Thành, TP Đà Nẵng. Ảnh: VGP. |
Do ảnh hưởng của bão số 9, đến 8 giờ sáng tại Phú Yên có mưa to, nhiều nơi mưa rất to, gió giật mạnh. Tại các tuyến phố chính của thành phố Tuy Hòa như Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng, Nguyễn Công Trứ, nhiều cây xanh đã bị bật gốc, một số mái tôn, biển hiệu quảng cáo, lều bạt của người dân bị gió thổi bay.
Tại các địa phương như huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Tuy An, do gió to một số cây xanh trồng dọc các tuyến đường liên xã bị ngã đỗ, chính quyền các địa phương đang huy động lực lượng phương tiện giải tỏa, khắc phục thông đường tạo thuận lợi cho người dân lưu thông.
Phú Yên có có gần 82.000 khách hàng bị mất điện tại các huyện Tuy An, thị xã Sông Cầu, Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa. Hiện điện lực Phú Yên đã khôi phục sự cố mất điện cho 23.773 khách hàng, hiện còn 40/100 xã, phường, thị trấn với 58.200 khách hàng đang mất điện.
Đường dây 22kV các khu vực bị sự cố đi qua vùng đồi núi, có mưa to, gió mạnh nên ngành điện chưa tiếp cận được hiện trường để kiểm tra và xử lý.
Tại TP Tuy Hòa, phóng viên Minh Hòa phản ánh, nhiều cây xanh ngã đổ trên đường, các công trình xây dựng bị gió bão làm hư hỏng... Lực lượng chức năng đang tiến hành khắc phục.
Biển hiệu của một quán giải khát bị bão làm hư hỏng |
Lực lượng chức năng khắc phục hậu quả kịp thời |
Nhiều cây xanh ở TP Tuy Hòa bị quật ngã. |
Xe bọc thép được điều động ứng phó bão |
Sáng sớm 28/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng họp gấp với các lực lượng phòng chống bão số 9. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh dù bão số 9 đã giảm cấp theo dự báo nhưng còn rất mạnh, ảnh hưởng rộng, mưa rất lớn. Các địa phương phải tận dụng tối đa thời gian để bảo vệ tính mạng, tài sản của của người dân, tiếp tục kiêm tra, rà soát các tàu thuyền trên biển, đặc biệt là 42 tàu còn đang ở trong khu vực nguy hiểm; các khu vực neo đậu; “cưỡng chế di dời tất cả những người còn ở trên tàu thuyền tại khu neo đâu, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản”.
Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra lại một lần nữa tình hình sơ tán, không để bất kỳ người dân nào ở lại khu vực nguy hiểm, nước ngập sâu, gió giật mạnh. Tất cả những nơi tránh trú bão, đón người dân sơ tán phải kiểm tra, gia cố lại chắc chắn.
Phó Thủ tướng đặc biệt yêu cầu các địa phương sẵn sàng ứng phó với các sự cố mưa lũ, sạt lở đất tại khu vực miền núi.
Những hồ đập trọng yếu, có nguy cơ sự cố lớn, ảnh hưởng đến hạ du phải được theo dõi chặt chẽ để vận hành an toàn, ứng phó, xử lý kịp thời.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 4, Quân khu 5 và các đơn vị đứng chân trên địa bàn có trách nhiệm cùng chuẩn bị lực lượng, vật tư, trang thiết bị chủ động ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp khi có sự cố xảy ra.
Bộ Quốc phòng, Bộ NN&PTNT bàn kỹ phương án tìm kiếm cứu nạn 2 tàu cá với 26 thuyền viên trên biển. Hiện nay đã có 2 tàu kiểm ngư xuất phát đến khu vực 2 tàu cá đang cần cứu hộ, cứu nạn. “Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tìm kiếm, cứu nạn”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Ngay sau cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến kiểm tra công tác sơ tán người dân, đảm bảo an toàn nơi tránh trú bão số 9 tại trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương bảo đảm đồ ăn, nước uống đầy đủ cho người dân tại nơi tránh trú bão. “Các điểm tránh trú, người dân không được chủ quan, phải giữ tuyệt đối an toàn, không để xảy ra tai nạn, sự cố khi bão đổ bộ".
Lúc 8h sáng, khu vực Quảng Ngãi đã có mưa to với lượng mưa trong 6 giờ qua phổ biến 60-120 mm. Có nơi mưa rất to trên 200mm như tại Trà Hiệp (Quảng Ngãi) lượng mưa đo được là 253mm, Trà Thanh (Quảng Ngãi) là 242mm.
Lý Sơn là địa phương đầu tiên bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 9. Đến thời điểm hiện nay, Lý Sơn đang có gió rất mạnh rít từng cơn kèm theo mưa lớn, sóng biển cao từ 4-6m. Mưa lớn và gió mạnh đã làm tốc một số mái nhà của người dân và trụ sở cơ quan như: Nhà thi đấu trung tâm Thể thao văn hóa thông tin và trụ sở cơ quan thi hành án của huyện. Hiện nay, toàn bộ huyện đảo đã bị mất điện.
Khoảng 3 giờ 30 sáng nay, mưa gió cũng đã làm chập điện và gây cháy một gian hàng ở chợ Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi. Tuy nhiên, lực lượng phòng cháy chữa cháy đã có mặt kịp thời khống chế ngọn lửa và không để lây lan sang các gian hàng khác.
Theo VOV, mưa to đã khiến nhiều khu vực ở Hoài Nhơn (Bình Định) bị ngập cục bộ. Nhiều tấm tôn lợp nhà đã bị gió cuốn bay khi bão số 9 tiến sát vào đất liền.
Ảnh: Thành Long/VOV |
Sáng nay, tại tỉnh Quảng Nam, gió bắt đầu mạnh dần lên. Tuy nhiên, trong vòng 2 giờ qua, tại Quảng Nam lượng mưa giảm. Tại huyện Núi Thành có gió cấp 6, cấp mạnh và đang mạnh dần lên. Do ảnh hưởng của bão, đến 8 giờ sáng nay (28/10), có 17 xã ở các huyện Nam Trà My, Núi Thanh, Tiên Phước và thành phố Hội An bị mất điện. Gió bão cũng đã làm một số cây xanh ngã đổ.
Đêm qua và sáng nay, triều cường tiếp tục xâm thực gây sạt lở tại bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An. Chính quyền địa phương huy động lực lượng dùng bao tải đựng cát và rọ đá bọc thép ngăn sóng đánh, hạn chế sạt lở.
Báo cáo nhanh của Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi đã có 1 người chết là anh Nguyễn Văn Hiệp (SN 1981, ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành) bị ngã tử vong vào chiều 27/10 khi chằng chống nhà ở; 1 người bị thương ở huyện Nghĩa Hành.
Hiện nay, dung tích các hồ đạt trung bình khoảng 61,5% dung tích thiết kế. Trong đó, hồ chứa nước có tràn xả lũ tự do: 67,6% dung tích thiết kế, hồ chứa nước có cửa van điều tiết: 60,3% dung tích thiết kế.
Riêng hồ chứa nước Nước Trong đạt 63,6% dung tích thiết kế. Tại các hồ thủy điện, dung tích trữ của các hồ chứa: Đakđrinh lac 84,5%, Hà Nang: 54,1%, ĐăkRe: 86,8%.