Bảo tồn đa dạng sinh học khó chồng khó

(PLVN) - Chặng đường trước mắt ở Việt Nam để bảo tồn sự đa dạng sinh học là khó chồng khó. Bên cạnh các giải pháp dựa trên thiên nhiên đối với các vấn đề môi trường (lũ lụt, khan hiếm nước, xói mòn đất...) cần được quan tâm và ưu tiên áp dụng, thay đổi nhận thức của người dân Việt Nam về sự tôn trọng, gìn giữ thiên nhiên cũng rất quan trọng. Đúng như tinh thần thông điệp của Công ước về Đa dạng sinh học năm 1992: “Con người là một phần của thiên nhiên chứ không tách rời khỏi thiên nhiên”. 
Loài voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà. Ảnh Phạm Văn Phùng
Loài voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà. Ảnh Phạm Văn Phùng

Tín hiệu vui

Năm 2020 là một dấu mốc quan trọng thực hiện các mục tiêu chung về đa dạng sinh học theo Kế hoạch chiến lược về đa dạng sinh học giai đoạn 2011-2020. Trong suốt một thập kỷ, Việt Nam đã nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu về bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, loài sinh vật và các nguồn gen phong phú, đặc hữu, quý, hiếm và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Theo Báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học lần thứ 6, hiện có khoảng 51.400 loài sinh vật đã được xác định, bao gồm khoảng 7.500 chủng vi sinh vật, khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, khoảng loài 10.900 động vật trên cạn, khoảng 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, hơn 11.000 loài sinh vật biển khác. Hàng năm, các loài mới tiếp tục được ghi nhận và công bố. 

Từ năm 2014 đến tháng 9/2018 có 344 loài sinh vật mới được mô tả và công bố trong các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới và tạp chí Sinh học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Công tác điều tra, giám sát đa dạng sinh học, cứu hộ, bảo tồn tại chỗ các loài hoang dã đã đóng góp quan trọng cho bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, góp phần giảm nguy cơ tuyệt chủng của các loài nguy cấp.

Đến nay, diện tích rừng ở Việt Nam đạt trên 13,8 triệu ha, tỷ lệ che phủ là 41,89%. Cả nước có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2.500 ha gồm 33 vườn quốc gia, 66 khu dự trữ thiên nhiên, 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh và 56 khu bảo vệ cảnh quan.

Nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và khu vực đã được công nhận các danh hiệu quốc tế như 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 khu di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, 9 khu Ramsar (đất ngập nước), 10 khu vườn di sản ASEAN”.

Ngoài nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên, môi trường phải kể đến đóng góp của nhiều tổ chức vì môi trường, vi như tổ chức phi lợi nhuận Green Việt (bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng) đã phát động những chương trình bảo tồn chà vá chân đen, chà vá chân nâu, chà vá chân xám… và kêu gọi nhiều người dân cùng tham gia. Được biết, loài động vật này đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam nếu không có sự quan tâm, bảo tồn của con người....

Coi bảo tồn đa dạng sinh học là một vấn đề đạo đức 

Khởi động thập kỷ mới về bảo tồn đa dạng sinh học, chúng ta có thể thấy ngay những “lời nguyền” của “mẹ thiên nhiên” đối với con người qua những thảm hoạ mà người dân thế giới cũng như người dân Việt Nam đang hứng chịu. Đó là biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên trên đất liền, vùng đất ngập nước và vùng biển, ô nhiễm môi trường làm gia tăng dịch bệnh và gần đây nhất là đại dịch Covid-19. 

Do đó, theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã đến lúc chúng ta bên cạnh việc sử dụng các công cụ chính sách và pháp luật thì cần phải coi bảo tồn đa dạng sinh học là một vấn đề đạo đức, trước hết ở cấp lãnh đạo cho đến tất cả mọi người dân. 

Đồng quan điểm, bà Sitara Syed - Phó Trưởng đại diện thường trú Cơ quan phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, Việt Nam xếp thứ 16/25 quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới, tuy nhiên đa dạng sinh học đang chịu áp lực ngày càng tăng do các hoạt động của cuộc sống và biến đổi khí hậu. Để bảo tồn hiệu quả cần sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan và cộng đồng.

Là người có nhiều tâm huyết với môi trường, thiên nhiên Việt Nam, GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh - người được phong là Anh hùng về đa dạng sinh học ASEAN năm 2017, nêu quan điểm đã đến lúc chúng ta cần có tư duy mạnh mẽ hơn, thực tế hơn cả về chính sách và hành động nhằm bảo tồn loài hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học, chính là bảo vệ cuộc sống bình yên của chúng ta hiện nay.  

Không chỉ các nhà khoa học, mỗi người dân cũng đã bắt đầu có nhận thức về việc đa dạng sinh học đang trong tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng do những hậu quả và hành động của con người. Do đó, khi Bộ TN&MT phát động cuộc thi Ảnh “Đa dạng sinh học Việt Nam năm 2020 đã thu hút hơn 2000 tác phẩm từ các nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên, thông qua các tác phẩm của họ để chuyển tải thông điệp bảo vệ hệ sinh thái tới cộng đồng. 

Anh Phạm Văn Phùng, tác giả của tác phẩm “Voọc chà vá chân nâu bán đảo Sơn Trà” đoạt giải nhất cuộc thi cho biết: “Trước khi đến với nhiếp ảnh, tôi cũng nghe nói nhiều về loài Voọc – một loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ. Từ thông tin đó, tôi đã không ngại mưa ngại nắng để đi lên núi Sơn Trà nhiều lần để chụp hình, có lúc lên núi xuống núi 2 - 3 lần trong ngày.

Trong quá trình tìm hiểu, tôi cũng được biết trong địa phương (Đà Nẵng) có rất nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động tích cực để giữ gìn đa dạng sinh học nói chung, tại bán đảo Sơn Trà nói riêng, đơn cử là tổ chức Green Việt. Tôi thấy vui và cũng muốn góp sức mình trong việc đó”.

Tóm lại, có thể nói chặng đường trước mắt ở Việt Nam để bảo tồn sự đa dạng sinh học là khó chồng khó. Do vậy, bên cạnh các giải pháp dựa trên thiên nhiên đối với các vấn đề môi trường (lũ lụt, khan hiếm nước, xói mòn đất…) cần được quan tâm và ưu tiên áp dụng, thì thay đổi nhận thức của người dân Việt Nam về sự tôn trọng, gìn giữ thiên nhiên cũng rất quan trọng.

Đúng như tinh thần thông điệp của Công ước về Đa dạng sinh học năm 1992: “Con người là một phần của thiên nhiên chứ không tách rời khỏi thiên nhiên”. 

Vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn

Bộ TN&MT vừa phát động “Chương trình Vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã từ 2010 - 2020”. Theo đó, 5 cá nhân và 10 tổ chức có thành tích xuất sắc nhất cho công tác bảo tồn loài hoang dã sẽ được lựa chọn để vinh danh, vào dịp kỷ niệm Ngày quốc tế về đa dạng sinh học năm 2021.

Chương trình cũng nhằm khích lệ tinh thần đóng góp, nghiên cứu đa dạng sinh học cũng như đánh thức niềm tự hào về đa dạng sinh học Việt Nam trong cộng đồng, tiến tới đưa bảo tồn đa dạng sinh học thành nhiệm vụ toàn xã hội.

Đọc thêm