Thực trạng nhiều bất cập
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới; điều đó đặt ra một thách thức lớn cho công tác bảo tồn. Theo thống kê của Bộ TN&MT, hiện cả nước có 173 Khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2.500 ha, gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan (tăng 7 Khu bảo tồn so với năm 2015 với tổng diện tích tăng thêm gần 73.260 ha).
Gần đây nhất là việc thành lập 2 Khu bảo tồn đất ngập nước là Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) và Phá Tam giang - Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Việt Nam còn có 9 khu Ramsar thế giới với tổng diện tích hơn 120.000 ha; có 10 Khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích gần 188.000 ha; có 9 khu vực được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích hơn 4,2 triệu ha. Đến năm 2019, Ban Thư ký ASEAN công nhận tổng cộng 10 Vườn di sản ASEAN của Việt Nam.
Hiện nay hầu hết các vườn quốc gia, khu bảo tồn trên toàn quốc đều tổ chức kinh doanh du lịch nhằm mục đích hỗ trợ thu nhập kinh tế, việc làm cho người dân địa phương, nâng cao hiểu biết, ý thức của cộng đồng và khách du lịch về bảo vệ tài nguyên, môi trường…
Trong báo cáo thường niên Living Planet Indux của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Toàn cầu (WWF) được công bố trung tuần tháng 9/2020 cho thấy, các quần thể động vật, chim cá, lưỡng cư trên toàn cầu đã giảm hơn 75% chỉ trong chưa tới 50 năm do tình trạng khai thác quá mức của con người.
Tuy nhiên, Nhà nước chưa có những quy định, mô hình cụ thể về quản lý hoạt động du lịch trong những khu bảo tồn, vườn quốc gia, dẫn đến hiện trạng thiếu thống nhất trong quản lý. Cụ thể, một số vườn quốc gia được quản lý bởi chính ban quản lý của vườn quốc gia nhưng một số khác lại do các cơ quan địa phương quản lý. Do đó, việc khai thác xô bồ, thiếu đồng bộ đã gây ra nhiều bất cập, ảnh hưởng tới chính công tác bảo tồn tại những địa điểm này.
Mặt khác, một bộ phận người dân không “mặn mà” tham gia tích cực bảo vệ rừng, sử dụng bền vững cũng như bảo tồn các nguồn tài nguyên chứa đựng tính đa dạng sinh học của rừng. Thậm chí, một số người sẵn sàng vi phạm pháp luật, khai thác các nguồn gen quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng: các loại gỗ (pơ-mu, trắc, thủy tùng, dổi...), các loại động vật (các loài linh trưởng, nai, bò rừng, bò tót....).
Thiên nhiên đa dạng tại ĐBSCL. |
Một vấn đề tồn đọng từ lâu là vấn nạn khai thác quá mức các loài động, thực vật đặc hữu tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn nhằm phục vụ cho nhu cầu thưởng thức, mua về của khách du lịch dẫn đến đe dọa tuyệt chủng loài.
Các vườn quốc gia có diện tích khá lớn, khiến lực lực lượng kiểm lâm không thể bao quát toàn bộ tình trạng săn bắt, khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ và buôn bán động vật hoang dã. Đơn cử, tại vườn quốc gia Pù Mát, các loài thú lớn trong tình trạng nguy cấp như hổ, gấu, bò tót, chà vá chân đỏ bị săn bắn và đánh bẫy, bị đẩy đến bờ tuyệt chủng.
Bài toán cân bằng phát triển và bảo tồn
Liệu có giải pháp nào cân bằng được sự phát triển của xã hội và công tác bảo tồn? Bất ngờ thay, đại dịch Covid-19 đã và đang là “cơn ác mộng” của nhân loại nhưng lại được coi là dấu mốc mang tính lịch sử, nhắc nhở con người nhiều bài học về ứng xử với môi trường, về lối sống và cách khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững.
Điển hình tại các điểm đến phụ thuộc vào thiên nhiên để thu hút du khách như Cù Lao Chàm (Hội An), dù đìu hiu vắng khách bởi dịch bệnh, người dân địa phương vẫn duy trì sinh kế từ những nghề truyền thống. Nhờ vậy, hệ sinh thái cũng dần được cải thiện.
Cù Lao Chàm là một điểm đến mới nổi có sức thu hút đông đảo du khách bởi lợi thế quần đảo gần bờ, sinh cảnh hoang sơ, lại là khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ sinh thái, rừng biển gần như nguyên vẹn. Người dân và chính quyền địa phương đều chủ động, tích cực trong công tác gìn giữ sự đa dạng về loài và nguồn gen, đặc biệt là bảo tồn các loài quý hiếm và hệ sinh thái biển gồm 950 loài thuỷ sinh.
Chính vì thế, giá trị bảo tồn thiên nhiên, môi trường khiến Cù Lao Chàm trở thành khu sinh quyển riêng biệt để phát triển du lịch. Người dân địa phương lấy chính nếp sinh hoạt, ngành nghề biển của mình làm sản phẩm du lịch độc đáo.
Khi dịch bệnh bùng phát, ngành du lịch nội địa và quốc tế đều lao đao, thậm chí “đóng băng”, người dân nơi đây vẫn duy trì kế sinh nhai là nghề biển, nghề truyền thống để nuôi dưỡng gia đình. Một chủ cơ sở lưu trú tại Cù Lao Chàm chia sẻ, trong giai đoạn vắng khách du lịch, anh vẫn có thể đánh bắt cá và đem bán tại chợ địa phương, giao thương với các hộ gia đình khác, nhờ vậy kinh tế gia đình vẫn ổn định, chỉ là không “bội thu” như khi khách đông.
Với vấn đề bảo vệ động vật hoang dã trong du lịch, có nhiều giải pháp trên thế giới đã nhấn mạnh vai trò của cộng đồng, đặc biệt là khách du lịch. Điển hình là chương trình “Tìm kiếm cá rồng biển” (Dragon search) được khởi xướng bởi chính phủ Úc, thu hút sự tham gia của đông đảo các cá nhân, tổ chức trên khắp đất nước này.
Dự án quốc gia này khuyến khích cộng đồng cung cấp thông tin về việc bắt gặp, nhìn thấy cá rồng (kể cả khi chúng còn sống hay chết) trong các quá trình lặn biển, tham quan, du lịch bãi biển…
Cá rồng biển yêu cầu một môi trường sống khắt khe, nếu bị loại bỏ ra khỏi quần thể hoang dã, chúng rất dễ chết. Chưa kể hoạt động xuất khẩu bất hợp pháp gia tăng từ năm 1991 khiến chính phủ Úc lo ngại loại động vật này sẽ đối mặt nguy cơ tuyệt chủng.
Con người là nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học. |
Do vậy, thông tin được cộng đồng đóng góp và gửi tới được nhập vào một cơ sở dữ liệu kín, cung cấp thông tin cho việc nghiên cứu, thúc đẩy việc thành lập các khu bảo tồn biển. Chương trình này cũng góp phần nâng cao nhận thức thông qua sự tham gia của cộng đồng địa phương và du khách, khuyến khích tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo vệ sự nguyên vẹn của môi trường sống của các loài động vật hoang dã.
Một giải pháp khác là thông qua du lịch golf để tuyên truyền, nhấn mạnh các mối quan tâm về phát triển bền vững và đa dạng sinh học. Ví dụ điển hình là Câu lạc bộ Golf Ljunghusen ở Thụy Điển. Ljunghusens nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên ven biển. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, các nhà quản lý sân golf liên tục đưa ra nhiều sáng kiến với công tác cải thiện cảnh quan, phục hồi đa dạng sinh học bởi tác động khai thác của con người.
Kể từ năm 1980 việc sử dụng phân bón đã giảm hơn 80%, không có loài cỏ ngoại lai nào được sử dụng trên sân (tất cả sinh vật đều được nuôi trồng trên khí hậu, địa chất bản địa). Các loại rác thải nguy hại từ hoạt động du lịch được giảm tới mức tối thiểu, quá trình tái chế được ưu tiên hàng đầu.
Năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch giảm hơn 90%, các toà nhà, cơ sở vật chất chủ yếu sử dụng năng lượng tái tạo, nhằm hạn chế phát thải ra môi trường sống của động vật hoang dã, gây mất cân bằng sinh thái.
Công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo vệ động vật hoang dã nói riêng đều đang đối mặt với nhiều thách thức. Cần có những giải pháp, sáng kiến, hành động quyết liệt hơn nữa để làm chậm lại và thậm chí đảo ngược những dấu chân sinh học mà chúng ta để lại lên môi trường tự nhiên.
Bài học từ dịch bệnh cho thấy, chính quyền và người dân địa phương không thể phụ thuộc hoàn toàn vào du lịch mà làm mất bản sắc chính mình. Bản chất của du lịch bền vững chính là bảo tồn lưu giữ được những giá trị sẵn có của địa phương bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống cộng đồng.