Bảo tồn rạn san hô rất cần những quyết sách dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Câu chuyện hệ sinh thái rạn san hô suy giảm nghiêm trọng ở quanh đảo Hòn Mun, vùng lõi Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã gây nhiều nuối tiếc cho người yêu thiên nhiên. Không riêng vịnh Nha Trang, các rạn san hô ở khắp nơi trên cả nước đều đang đối mặt với nguy cơ suy thoái trầm trọng.
Các rạn san hô ở quần đảo Cát Bà đang có dấu hiệu phục hồi tốt. Ảnh: VQG Cát Bà cung cấp.
Các rạn san hô ở quần đảo Cát Bà đang có dấu hiệu phục hồi tốt. Ảnh: VQG Cát Bà cung cấp.

Phải giám sát để bảo tồn tại Cát Bà

Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới vào năm 2004, trong đó Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà tại TP Hải Phòng là vùng lõi của khu DTSQ thế giới quần đảo Cát Bà. Sinh vật biển đảo Cát Bà phong phú và đa dạng vào bậc nhất của các vùng đảo miền Bắc. Đây không chỉ là nơi lưu giữ và phát tán nguồn gen lớn của vịnh Bắc Bộ mà còn có nhiều loài quí hiếm.

Trong đó, hệ sinh thái rạn san hô có tầm quan trọng vô cùng to lớn đối với con người và môi trường biển. Không chỉ là môi trường sinh sống của các nhóm loài sinh vật biển, rạn san hô còn cung cấp nguồn vật chất hữu cơ, nơi trú ẩn, ương dưỡng cho các sinh vật, tạo nên hệ sinh thái quan trọng duy trì và tái tạo nguồn lợi biển.

Ông Nguyễn Văn Thịu – Giám đốc VQG Cát Bà cho hay: “Rạn san hô ở quần đảo Cát Bà nói riêng và hệ sinh thái biển nói chung hiện nay đang có nguy cơ suy thoái rất nghiêm trọng. Theo nghiên cứu 10 năm gần đây đối với sự suy giảm các rạn san hô ở quần đảo Cát Bà, có những nơi độ che phủ chỉ còn 41%. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hiện trạng này như biến đổi khí hậu, hoạt động của con người về săn bắt, đánh lưới đối với rạn san hô, đặc biệt là hoạt động du lịch”.

Ông Nguyễn Văn Thịu – Giám đốc VQG Cát Bà.

Ông Nguyễn Văn Thịu – Giám đốc VQG Cát Bà.

Cụ thể, từ năm 2014 đến 2019, VQG Cát Bà đã xây dựng một kế hoạch giám sát các rạn san hô tại quần đảo Cát Bà, trong diện tích VQG Cát Bà quản lý. Trong 5 năm, các nghiên cứu đã đánh giá sự suy giảm san hô là có thật. Trên cơ sở đó, ngay lập tức, các nhà quản lý đã áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế sự suy giảm này. Đơn cử, tổ chức, xây dựng các phao để cảnh giới các tàu bè đi lại; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra và ngăn chặn các hành vi vi phạm tại các khu vực đã thả neo; đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan trên mọi mặt… Những tín hiệu khả quan đã xuất hiện, nhiều khu vực rạn san tại VQG Cát Bà đang trên đà phục hồi và phát triển tương đối tốt.

Tuy vậy, thực trạng suy thoái nghiêm trọng của các rạn san hô vẫn đang tiếp tục diễn ra tại quần đảo Cát Bà. Ông Đào Ngọc Hiếu – Phó trưởng phòng bảo tồn biển và đất ngập nước (VQG Cát Bà) bổ sung, từ những khảo sát gần đây, một số rạn san hô tại quần đảo Cát Bà đã bị huỷ hoại hoàn toàn do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong khi đó khả năng phục hồi tự nhiên của các rạn san hô này lại rất hạn chế.

Chính vì thế, năm 2021, VQG Cát Bà đề xuất xây dựng và thực hiện chương trình “Giám sát rạn san hô nhằm đề xuất một số giải pháp quản lý và bảo tồn hiệu quả rạn san hô tại VQG Cát Bà”. Đây là hoạt động do VQG Cát Bà và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thực hiện, được tài trợ bởi Công ty Cổ phần chuỗi thực phẩm TH (THFC) thông qua Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E). Mục đích của chương trình là khảo sát, giám sát rạn san hô tại một số điểm thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt VQG Cát Bà làm cơ sở khoa học phục vụ công tác quản lý bảo vệ và bảo tồn rạn san hô.

Cụ thể, đợt 1 sẽ thực hiện khảo sát, đánh giá và giám sát độ phủ rạn san hộ tại ba khu vực Giỏ Cùng, Vạn Tà và Ba Đình. Đợt 2, bổ sung đánh giá các tác động đến rạn san hô tại ba khu vực nêu trên như rác thải dưới rạn san hô, hoạt động dịch vụ và du lịch, hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản, chất nổ,… Sau khi kết thúc đợt 2, chương trình sẽ đưa ra đề xuất một số giải pháp quản lý và bảo tồn rạn san hô tại VQG Cát Bà để thực hiện cho năm 2023.

Bài toán “đi đường dài”

Có thể thấy hoạt động bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô tại VQG Cát Bà đã và đang được thực hiện cẩn trọng và bài bản. Đây có thể sẽ là một mô hình đáng xem xét và học tập đối với công tác bảo tồn rạn san hô từ Bắc vào Nam tại nước ta.

Việc thường xuyên giám sát, kiểm tra các tác động đến sức khoẻ của các rạn san hô là cơ sở quan trọng để đưa ra các biện pháp giải quyết, ứng phó kịp thời. Nhưng quan trọng hơn hết, công tác bảo tồn phải được thực hiện dài hạn và liên tục, tránh trường hợp thiên nhiên mới trong giai đoạn phục hồi nhưng nhà quản lý đã đưa ngay vào khai thác lợi ích kinh tế, khiến tác động tàn phá trầm trọng hơn.

Mặt khác, cũng có nhiều khó khăn đối với công tác bảo tồn các rạn san hô. Ông Nguyễn Văn Thịu chỉ ra, đó chính là sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế địa phương, một số người dân còn cố tình thả lưới, thả neo vào khu vực bị cấm... Ngoài ra, các hoạt động quảng cáo về dịch vụ lặn biển ngắm san hô ở Cát Bà đã truyền thông tin sai lệch cho người dân, du khách. Ông Thịu khẳng định, các hoạt động cho du khách lặn biển ngắm san hô tại Cát Bà hiện đều bị cấm. Như vậy, những cá nhân nào cố ý tổ chức hoạt động này cho du khách đều vi phạm pháp luật và sẽ phải đối mặt với chế tài xử phạt của pháp luật hiện hành.

Các loài san hô được Chính phủ đưa vào Danh mục các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm I ,Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; chỉ được khai thác cho các mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo giống và hợp tác quốc tế. Việc khai thác trái phép hoặc hủy hoại rạn san hô sẽ bị xử phạt theo qui định tại Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Đọc thêm