Bảo vệ bản thân trước 'gạch đá' dư luận

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù đã có quy định pháp luật nhưng những hành vi vu khống, bôi nhọ người khác trên mạng xã hội ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Làm thế nào để những người bị hại mạnh dạn bảo vệ bản thân trước làn sóng tiêu cực trên không gian mạng?
Bảo vệ bản thân trước 'gạch đá' dư luận

Khi nghệ sĩ khởi kiện

Hai vụ kiện liên quan đến người nổi tiếng đang được nhiều người quan tâm hiện nay là vụ việc nữ nghệ sĩ M khởi kiện hai trang mạng đưa thông tin bôi nhọ, xúc phạm mình và vụ nữ ca sĩ H.T gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo việc bị một số cá nhân dựng chuyện, đặt điều.

Theo đó, nữ nghệ sĩ M đã gửi đơn khiếu nại đến Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Hồ Chí Minh đề nghị xử lý Fanpage This is Mặt Nạ và kênh Tiktok Chưa biết_01. Kênh TikTok Chưa biết_01 đăng tải clip với tựa đề "Sự thật về M" thu hút hơn 2,6 triệu lượt xem, video "Quá khứ của của thần tiên tỷ tỷ" hút 3,5 triệu lượt xem. Theo M, trong các clip, các kênh này đã đưa ra rất nhiều thông tin lệch lạc, hoàn toàn sai sự thật, xúc phạm, bôi nhọ cô. Về phần H.T, nữ ca sĩ lập vi bằng các kênh mạng xã hội, trang thông tin điện tử đưa thông tin sai lệch về mình, gửi cùng đơn tố cáo đến Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh và Công an TP Thủ Đức. Trong danh sách tố cáo của Hương Tràm có 22 tài khoản cá nhân, trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử đã dùng hình ảnh H.T với hai bé sơ sinh để dựng lên nhiều câu chuyện như cô có thai tại Mỹ, sinh con cho đại gia, khiến cô bị dư luận hiểu lầm, lên án, khán giả quay lưng...

Mạng xã hội thời qua xuất hiện nhiều cuộc tấn công, “ném đá” hướng đến các nghệ sĩ, núp bóng các hội “bóc phốt”, “anti”. Trong các hội kín này thường đưa ra nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, lệch lạc, cảm tính chủ quan đối với nghệ sĩ, góp phần “vẽ” nên những hình ảnh xấu xa, tệ hại về nghệ sĩ trong lòng công chúng. Có những hội “anti” hoạt động dai dẳng, bôi xấu nghệ sĩ miệt mài, khiến nhiều nghệ sĩ bất bình mà không làm gì được, thậm chí nhiều người bị áp lực đến nỗi gia đình tan vỡ, bỏ nghề...

Chính vì vậy, việc nhiều nghệ sĩ quyết tâm khởi kiện, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật nói trên là hành xử hoàn toàn chính đáng. Nếu như trước đây, một số nghệ sĩ bị cô lập, chế giễu khi dùng đến pháp luật để xử lý những hội “anti” sai trái, những đối tượng bôi nhọ mình thì nay nhiều người đã bày tỏ sự ủng hộ trước những hành động quyết liệt này, cho đó là hành xử cần thiết của nghệ sĩ để tự bảo vệ hình ảnh, nhân phẩm, quyền lợi của mình.

Mạnh dạn bảo vệ mình

Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội dường như trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày, mang lại nhiều tiện ích và cơ hội kết nối. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển này là tình trạng vu khống và bôi nhọ người khác tràn lan trên các nền tảng trực tuyến. Những lời lẽ xúc phạm, thông tin sai lệch và hành vi ác ý không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của cá nhân bị hại mà còn làm xói mòn niềm tin của xã hội.

Người dân cần tự bảo vệ mình trước sự tấn công tiêu cực trên mạng. (Ảnh minh họa - Nguồn: DAD)

Người dân cần tự bảo vệ mình trước sự tấn công tiêu cực trên mạng. (Ảnh minh họa - Nguồn: DAD)

Có thể nói, chưa bao giờ làn sóng tấn công, bôi nhọ, nói xấu, xúc phạm người khác trên mạng xã hội lại mạnh mẽ như thời gian vừa qua. Không chỉ người nổi tiếng mà bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân trên mạng. Chỉ vì một lỗi lầm, một sự hiểu lầm, một lời nói quá đà, thậm chí một hành vi chưa rõ đúng, sai... nhiều nạn nhân không chỉ bị bêu xấu, “ném đá”, mà còn bị cư dân mạng vào trang cá nhân của người thân, con cái, bạn bè để xúc phạm, bôi nhọ.

Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về việc danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Theo đó, người thực hiện hành vi bôi nhọ danh dự, uy tín của cá nhân khác chính là thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín của khác tùy từng mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc phạt tù.

Pháp luật bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân và có chế tài đối với hành vi xâm phạm, tuy nhiên, đối với nhiều người dân, việc làm sao để tố cáo, tố cáo ở đâu, thu thập bằng chứng như thế nào... là điều khá khó khăn, bởi nỗi lo “được vạ má đã sưng”, bởi sự thiếu hiểu biết, thiếu kĩ năng vận dụng pháp luật. Để người dân có thể mạnh dạn nhờ đến pháp luật bảo vệ mình, thì đồng thời chính cơ quan chức năng cũng cần chủ động “ra tay” bảo vệ người dân, cũng như thụ lý, xử lý đến nơi đến chốn những vụ việc xúc phạm, bôi nhọ danh dự người khác.