Sứ mệnh của người nghệ sĩ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thông qua hoạt động nghệ thuật, người nghệ sĩ không chỉ đem đến cho công chúng những giá trị chân, thiện, mỹ, mà cần luôn chú trọng giữ gìn bản sắc, văn hóa dân tộc.
Người nghệ sĩ cần chú trọng lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc đến công chúng trong nước cũng như quốc tế. (Ảnh minh họa - Nguồn: Báo TN)
Người nghệ sĩ cần chú trọng lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc đến công chúng trong nước cũng như quốc tế. (Ảnh minh họa - Nguồn: Báo TN)

Quảng bá văn hóa dân tộc

Mới đây, một tiết mục nghệ thuật chào năm mới được phát trên truyền hình với 3 nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn đã gây tranh cãi cho người xem. Trong tiết mục, các nghệ sĩ mặc áo dài truyền thống Việt Nam, nhảy trên nền nhạc chào xuân, nhưng khi kết thúc lại đưa tay chào theo cách truyền thống của nước ngoài.

Không ít khán giả cho rằng, nghệ sĩ mặc trang phục cổ truyền Việt, biểu diễn tiết mục chúc mừng Tết cổ truyền của dân tộc, nhưng lại chào năm mới theo truyền thống nước khác là chưa phù hợp. Thay vào đó, người Việt ta xưa nay có lối chào truyền thống rất khiêm cung, thanh lịch, nên sử dụng cách chào ấy cho tiết mục được trọn vẹn văn hoá Việt.

Về cách chào hỏi của người Việt, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức trong bài viết của mình đã phân tích: “… Người Trung Quốc (Thanh) bao nắm khi chào, người Việt thì đan chéo hai tay, người Hàn để 2 tay úp lên nhau, người Nhật thì khép tay vào hông hoặc vế đùi. Cách cúi chào cũng vậy mà cách bái lạy, cách tế lễ và nhiều cách hành lễ khác cũng để tay tương tự, tạo nên sự đại đồng mà tiểu dị, vừa thống nhất mà lại vừa đặc trưng riêng biệt trong văn hóa phương Đông, rất độc đáo. Cần lưu ý, cách chắp tay vái lạy của người Việt không phải kiểu bao quyền như người Trung Hoa hay đặt úp hai bàn tay lên nhau như người Hàn. Người Việt đan các ngón tay vào nhau rồi hành lễ….”.

Nhiều khán giả bày tỏ, họ đưa ra những ý kiến nói trên không phải để “xét nét”, soi mói hay bắt lỗi nghệ sĩ, mà góp thêm một góc nhìn, mong các nghệ sĩ và những người sản xuất chương trình nghệ thuật, với mọi hoạt động sáng tạo liên quan đến bản sắc dân tộc cần có sự chú tâm, tìm hiểu kĩ lưỡng để có thể góp phần phát huy, quảng bá văn hoá dân tộc trọn vẹn.

Thời gian qua, cũng có một số nghệ sĩ gây tranh cãi khi biểu diễn trong phục trang áo dài Việt nhưng biến tấu giống trang phục truyền thống nước khác, hoặc đưa những họa tiết không phù hợp với văn hoá dân tộc vào trang phục dân tộc.

Lan tỏa giá trị truyền thống tốt đẹp

Từng có thời điểm trào lưu ăn mặc, làm sản phẩm nghệ thuật theo kiểu cổ trang nước ngoài “chiếm lĩnh” thị trường nghệ thuật Việt. Nhiều nghệ sĩ biểu diễn với trang phục đậm chất cổ trang các quốc gia khác. Từ đó, các yếu tố bản sắc dân tộc nước bạn được lan mạnh trong đời sống và được một bộ phận khán giả trẻ mê chuộng.

Trong kỉ nguyên số hiện nay, sự giao lưu văn hoá càng mạnh mẽ hơn. Điều này mở ra những cánh cửa cơ hội cho nghệ sĩ và công chúng tiếp cận nhiều cái hay, cái đẹp từ văn hoá thế giới. Tuy nhiên, mặt trái của nó là nguy cơ một bộ phận giới trẻ bị ảnh hưởng “quên” mất bản sắc văn hoá dân tộc. Điều này rất cần các nghệ sĩ, những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá luôn thấm nhuần vai trò của mình, trong hoạt động sáng tạo luôn chú trọng lan toả những giá trị hay, đẹp của văn hoá dân tộc đến công chúng cũng như khán giả quốc tế, để bản sắc văn hoá Việt không chỉ được gìn giữ, phát huy trong phạm vi quốc gia.

Nhiều năm qua, nhiều nghệ sĩ ở các thế hệ đã nỗ lực bảo tồn, quảng bá văn hoá đất nước. Đó là những nghệ sĩ tôn vinh áo dài Việt trên khắp năm châu, những nghệ sĩ trẻ sáng tạo ra những sản phẩm âm nhạc lồng ghép các yếu tố nghệ thuật dân tộc, kết hợp giữa cổ truyền và hiện đại, giúp khán giả hiểu thêm về nhiều nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ mai một. Đó là những người làm phim đem các giá trị văn hoá đẹp như cải lương, hát bội vào điện ảnh, phục dựng các làng nghề truyền thống, khơi dậy tình yêu với nghệ thuật dân tộc.

Tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2023 (25/7/1948 - 25/7/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu về nhiệm vụ xã hội của văn nghệ sĩ. “Tài năng và nhiệt huyết của anh chị em đóng góp xứng đáng vào việc hình thành hệ giá trị mới, xây dựng nền văn hoá, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam mới - yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo. Đó là gắn bó với các giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng, khẳng định các giá trị đạo đức, nhân văn của dân tộc. Chính tình hình tư tưởng, tình cảm của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ hiện nay đã góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị của xã hội, sự phát triển của đất nước”. Những điều được Tổng Bí thư dặn dò cũng là điều mỗi nghệ sĩ cần thấm nhuần, xác định như trọng trách của bản thân đối với đất nước, với xã hội, với khán giả của mình.