Bảo vệ con trước nạn bạo hành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều trường hợp con trẻ là nạn nhân của bạo hành, bạo lực nơi trường học nhưng phụ huynh không hề hay biết. Đến khi nhận ra, có thể đã quá muộn màng.
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Những “trận đòn” giấu kín

Mới đây, vụ việc một người giữ trẻ tại TP HCM bạo hành gây tử vong cho bé gái 17 tháng tuổi đã gây phẫn nộ dư luận. Cha đứa trẻ, một người cha đơn thân đã gửi con cho người giữ trẻ nuôi dưỡng với giá 5 triệu đồng. Vì người cha chậm trả tiền công và cũng vì cháu bé quấy khóc, người giữ trẻ đã thường xuyên có hành động bạo hành với cháu bé, từ việc lấy tay, lấy cán chổi đánh vào mặt, tay, chân cháu gây thương tích, dùng bình sữa đập vào đầu cháu. Cho đến khi, sau một cuộc bạo hành, cháu bé bất hạnh qua đời thì sự việc mới được đưa ra ánh sáng.

Người ta bày tỏ sự xót xa cho cháu bé, cho người cha bất hạnh, nhưng câu hỏi cũng được đặt ra: dẫu biết cuộc mưu sinh khó nhọc, nhưng giá mà người cha quan tâm hơn đến trạng thái sức khoẻ, để ý hơn đến những thương tích trên cơ thể con gái nhỏ, có lẽ bi kịch đã không xảy ra.

Những năm vừa qua, xã hội cũng không ít lần rúng động trước những sự việc cô giáo giữ trẻ có hành vi bạo lực nghiêm trọng, tổn thương đến thể chất, tinh thần trẻ. Thế nhưng, không ít trường hợp phụ huynh không hề hay biết, cho đến khi những hậu quả nghiêm trọng hơn xảy đến với trẻ thì mọi việc mới vỡ lở.

Còn nhiều sự việc trẻ bị bạo hành, bị đánh đập, chèn ép, khủng hoảng về thể xác và tinh thần từ trường học, từ bạn bè. Có những trường hợp trẻ bị bắt nạt kéo dài từ năm này sang năm khác, nhưng phụ huynh không hay biết. Chỉ đến khi con có những hành vi nổi loạn, chống đối, bỏ học, hoặc bị hành hung gây thương tích, nhà trường mời phụ huynh thì cha mẹ mới biết chuyện. Hoặc khi con xuất hiện trong những clip được lan truyền trên mạng với vai trò nạn nhân của một vụ bạo lực học đường, bị đánh đập, bị bôi xấu, chà đạp nhân phẩm, khi ấy cha mẹ mới “ngã ngửa” cuống cuồng tìm hiểu. Lúc ấy, dường như mọi thứ đã bắt đầu muộn màng.

Em N.A.T., học sinh lớp 10 một trường PTTH trên địa bàn TP Thủ Đức (TP HCM) chia sẻ: “Em nghĩ học sinh đi học bị bắt nạt, chịu bạo hành rất nhiều. Em còn nhớ có năm học cấp 2, em bị bạn cùng bàn đánh và cướp tất cả thức ăn, đồ dùng học tập mỗi khi đem lên lớp. Nhưng khi về thì không dám nói với ba mẹ, sợ ba mẹ la mắng thêm, sợ ba mẹ lên trường nói chuyện thì ồn ào, bạn bè xa lánh. Thế nên chỉ biết giấu kín, chịu cảnh bị bắt nạt suốt cả năm học”.

Quan tâm hơn đến con trẻ

Có nhiều lý do khiến việc trẻ bị bạo hành được giấu kín, diễn ra một thời gian dài mà phụ huynh không biết. Với những trẻ nhỏ, lý do đơn giản là trẻ chưa có nhận thức rõ ràng, chưa biết diễn đạt, thổ lộ những gì mình phải chịu đựng với cha mẹ. Với những trẻ lớn hơn, đã là học sinh thì chính sự doạ nạt, gây áp lực tâm lý của những đối tượng bạo hành đã khiến trẻ không dám nói ra. Đồng thời, tâm lý sợ cha mẹ không thông cảm, sợ bị mắng mỏ thêm cũng khiến con giấu kín chuyện mình là nạn nhân bạo hành.

Nhưng trên tất cả, có lẽ nguyên nhân lớn nhất khiến việc trẻ bị bạo hành không được biết đến, đó là sự thiếu sâu sát, quan tâm đúng mức của cha mẹ. Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ bị hành hung, bạo hành thường có dấu hiệu hay sợ hãi, giật mình, cảnh giác với tiếng động mạnh hay những điều bất ngờ. Trẻ trở nên nhạy cảm hơn, tự ti, thích một mình và ít tiếp xúc, ít mở lòng hơn. Nhiều trẻ sẽ trở nên sợ việc đến trường, chống đối, từ chối đến trường. Những dấu hiệu ấy khá dễ dàng để nhận ra nếu phụ huynh chịu khó quan sát, để ý đến sự thay đổi của con mình.

Như sự việc cháu bé hơn 2 tuổi bị người đàn ông lạ mặt hành hung ở khu vui chơi trẻ em cách đây vài tháng. Cha mẹ cháu bé không chứng kiến sự việc xảy ra, nhưng khi về nhà, thấy con có biểu hiện khác lạ, họ đã gặng hỏi và tìm đến khu vui chơi xin trích xuất camera, từ đó phát hiện nguyên nhân sự việc để xử lý.

Phát hiện con là nạn nhân của bạo lực càng sớm càng có thể nhanh chóng chặn đứng hành vi bạo hành, không để gây ra những hậu quả thương tâm. Đồng thời, việc phát hiện sớm cũng giúp ngăn chặn những sang chấn tâm lý cho trẻ, tránh để lại những hậu quả lâu dài, nặng nề đến tinh thần và thể chất cho trẻ.

Đọc thêm