Nhận diện hậu quả của tin giả, tin xấu độc
Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ dân số sử dụng mạng Internet cao và tăng nhanh. So với năm 2021, số người sử dụng mạng Internet tại Việt Nam đã tăng thêm 5 triệu người vào năm 2022. Số liệu thống kê cũng cho biết Việt Nam có gần 80 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm hơn 78% dân số, trong đó có tới 97,6% số người tham gia có sử dụng Facebook. Chính vì vậy, việc bảo đảm các thông tin được lan truyền trên mạng xã hội luôn xác thực là công việc có ý nghĩa rất quan trọng.
Tuy nhiên, thực tiễn vận hành của mạng Internet và các mạng xã hội hiện nay cho thấy, bên cạnh những thông tin có giá trị, hữu ích cũng có không ít thông tin sai sự thật, thông tin gian dối, thông tin xấu độc được lan truyền. Có không ít người, do hạn chế trong nhận thức hoặc do các động cơ cá nhân có chủ đích đã phát tán hoặc tiếp tay cho việc lan truyền. Điều này không chỉ gây hậu quả xấu cho những người tiếp nhận, gây hại cho uy tín của cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức bị phản ánh sai sự thật, mà trong không ít trường hợp còn có hại cho việc bảo đảm an ninh, trật tự, xã hội, xâm hại tới yêu cầu bảo đảm thượng tôn pháp luật trên không gian mạng.
Điển hình, tối 10/7/2022, một số tài khoản mạng xã hội đăng tin Chủ tịch một tập đoàn bị cấm xuất cảnh. Tin đồn này tung ra trong bối cảnh các cơ quan chức năng ở Việt Nam đang siết chặt xử lý các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp tư nhân khiến dư luận nửa tin, nửa ngờ. Ngay trong ngày 11/7/2022, đại diện Bộ Công an đã lên tiếng khẳng định đó là tin sai sự thật. Kết quả, người tung tin giả bị phạt hành chính 7,5 triệu đồng và yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai sự thật. Tuy nhiên, những hậu quả mà thông tin sai gây ra là khôn lường.
Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8/2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội đáng báo động và đang diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng. Các đối tượng triệt để lợi dụng các tính năng của mạng xã hội để tuyên truyền, vu cáo, ý đồ kích động chống Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, gây rối loạn về thông tin...
Thủ đoạn phổ biến là tạo lập các tài khoản cá nhân mạng xã hội mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu chính quyền các cấp, mạo danh người nổi tiếng; chỉnh sửa các thông số kỹ thuật của tập tin thời gian để đăng tải tin giả, tin sai sự thật nhằm dẫn dắt dư luận; lợi dụng các sự kiện nóng, các vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội để tạo dựng thông tin giả mạo, đánh lừa dư luận.
Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác theo dõi, rà quét thông tin trên mạng xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trên địa bàn có hành vi phát tán các tin giả, phản động, xấu độc, vi phạm pháp luật. Bộ Công an cũng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) triển khai nhiều giải pháp đấu tranh đồng bộ về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam; qua đó kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình, Bộ TT&TT đã phát hành Cẩm nang phòng, chống tin giả. Bên cạnh việc liệt kê các tác hại của tin giả, tin xấu độc như làm rạn nứt các mối quan hệ; gây ra những phiền toái, phân biệt đối xử, cô lập, xa lánh cho người liên quan; ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bản thân và của người khác…, Cẩm nang phòng, chống tin giả của Bộ TT&TT cũng dẫn một nghiên cứu chỉ ra rằng, việc ngăn chặn tin tức giả mạo, thông tin sai lệch và lời khuyên có hại trên mạng xã hội có thể cứu sống nhiều mạng người.
Cần nhiều giải pháp mạnh mẽ
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả công tác đấu tranh với hành vi đưa tin không chính xác, phát tán các video phản cảm, độc hại trên mạng Internet vẫn chưa tương xứng với thực trạng. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khi trả lời chất vấn trước Quốc hội đã đề nghị Chính phủ đưa mức xử phạt lên mức răn đe, ít nhất ngang mức trung bình các nước trong khu vực. Bởi hiện nay, dù chúng ta đã tăng mức xử phạt lên 3 lần, nhưng so với các nước khu vực thì mức phạt chỉ bằng 1/10. Rõ ràng, nâng chế tài xử phạt người đăng thông tin xấu độc trên môi trường mạng là cần thiết.
Nhưng việc xử phạt răn đe này không nên trở thành kênh PR cho một số đối tượng vi phạm. Chúng ta có thể nâng mức xử phạt lên đến 50 triệu đồng, thậm chí 100 triệu đồng cho hành vi vi phạm, nhưng nhiều người muốn nổi tiếng thì mức phạt cao hơn cũng không là gì. Có những “anh hùng mạng” sẵn sàng làm mọi việc để được nổi tiếng và nguồn lợi thu được vì “có tiếng” trên mạng là không nhỏ. Do vậy, nên xử thật nghiêm và khi đăng thông tin xử phạt những trường hợp ấy thì tuyệt đối không nhắc đến tên, tuổi, địa chỉ của họ, trừ trường hợp xử lý hình sự để làm gương.
Bên cạnh đó, việc gỡ, xóa tài khoản, trang thông tin xấu độc cũng rất quan trọng. Chúng ta đã nỗ lực và làm được nhiều việc theo hướng này. Nhưng nếu như chỉ tập trung vào giải pháp xóa, gỡ thông tin xấu độc là chưa đủ. Bởi để gỡ bài hoặc khóa tài khoản trên mạng xã hội thì mất rất nhiều công sức; bên cạnh đó, để chứng minh họ đưa thông tin sai, vi phạm đủ cơ sở xử lý còn vất vả hơn. Thời gian kéo dài như vậy, thông tin xấu độc đã lan rất xa.
Do đó, đã đến lúc phải xử lý thông tin xấu độc theo phương châm từ sớm, từ xa, làm trên thế mạnh, thế chủ động. Chẳng hạn, cần phải đề cập thẳng vào những thông tin công chúng có nhu cầu tìm hiểu, không nên ngại thông tin “nhạy cảm”. Khi công chúng đọc những thông tin trái chiều trên mạng thì báo chí cũng phải kịp thời đăng những thông tin chính thống để họ có kênh kiểm chứng. Điều quan trọng ở đây là chúng ta phải làm báo chí mạnh lên, khuyến khích báo chí đi thẳng những vấn đề nóng, tiếp cận được bạn đọc để qua đó định hướng dư luận.
Xét dưới góc độ pháp luật, trong điều kiện người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước “sống và làm việc” nhiều hơn trên không gian mạng; điều rất quan trọng là cần bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Nên coi thượng tôn pháp luật là nền tảng, là văn hóa khi sử dụng, thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng. Mọi tổ chức, cá nhân phải tuân thủ pháp luật khi sử dụng mạng xã hội; những trường hợp lợi dụng môi trường mạng đưa thông tin sai, tin xấu độc thì cần có chế tài đủ sức răn đe để xử lý.
Nhìn ra thế giới, trong những năm gần đây, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều bằng hình thức này hay hình thức khác ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật hiện hành để ngăn chặn, xử lý các hành vi phát tán, lan truyền các thông tin sai lệch, thông tin gian dối, thông tin xấu độc trên không gian mạng. Trong khu vực ASEAN, năm 2018, Malaysia đã ban hành Luật Chống tin giả (Anti-Fake News); năm 2019, Singapore cũng đã ban hành Luật về sự bảo vệ (cá nhân, tổ chức) khỏi các thông tin sai lạc, xuyên tạc trong môi trường trực tuyến (Protection from Online Falsehoods and Manipulation Act).
Các động thái hoàn thiện pháp luật liên quan tới chống tin giả cũng diễn ra ở Indonesia và Philippines trong thời gian gần đây. Chế tài cho sự cố ý phát tán, lan truyền thông tin sai lạc, giả mạo không chỉ là phạt tiền mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt thậm chí lên tới 10 năm tù. Đây là những kinh nghiệm quốc tế rất đáng lưu ý trong quá trình hoàn thiện pháp luật để góp phần duy trì trật tự pháp lý lành mạnh, bảo đảm thượng tôn pháp luật trên không gian mạng mà Việt Nam rất nên tham khảo.
Nếu chúng ta có văn bản quy phạm pháp luật riêng trong phòng, chống tin giả sẽ góp phần phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức ở Việt Nam. Đồng thời, Luật riêng này cũng giúp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục được các hậu quả thiệt hại do tin giả gây ra; phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ tác nhân tiến hành tung tin giả; triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tin giả trong hệ thống cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Ngoài ra, một văn bản quy phạm pháp luật riêng biệt về phòng, chống tin giả được ban hành sẽ đặt nền móng cho việc triển khai công tác nghiên cứu, dự báo, phát triển các giải pháp phòng, chống tin giả trong tương lai, giúp xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin về tình hình tin giả giữa các bộ, ngành, địa phương để chủ động trong công tác phòng, chống tin giả. Tất nhiên, việc ban hành một luật riêng về phòng, chống tin giả ở Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu về lý luận và thực tiễn, phù hợp với các thông tin lệ quốc tế và quan trọng nhất, là phải ngăn chặn, xử lý hiệu quả vấn nạn này.