Người tiêu dùng mạng trẻ em gia tăng
Trong một thập kỷ qua, việc mua sắm và cho trẻ em sử dụng điện thoại thông minh luôn là vấn đề dấy nên tranh cãi đối với các bậc cha mẹ. Trẻ em Việt Nam ngày nay sử dụng thiết bị số và Internet như một phần quen thuộc trong đời sống hàng ngày, được cho là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số, giúp giới trẻ sớm hoà nhập vào xu hướng sống hiện đại của thế hệ trẻ toàn cầu. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều phụ huynh e ngại những nguy cơ, tác động tiêu cực của Internet và mạng xã hội đến với trẻ em.
Năm 2015, khảo sát xã hội “Thực trạng sử dụng thiết bị thông minh ở trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh” của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa giáo dục và đời sống xã hội, trực thuộc Hội Dân tộc học - nhân học TP HCM đã cho thấy những số liệu đáng suy ngẫm về tình trạng trẻ em sử dụng thiết bị thông minh. Trong khoảng trên 4.300 trẻ tại các TP Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ, số lượng trẻ em tại các thành phố lớn của Việt Nam tiếp cận với thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng… từ rất sớm. Cụ thể, dưới 3 tuổi chiếm đến 19%; 3 - 5 tuổi chiếm 59%, 6 - 9 tuổi chiếm 20% và trẻ từ 10 - 12 tuổi chiếm 2%.
Thời lượng trẻ được sử dụng thiết bị thông minh trung bình từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ mỗi ngày, đặc biệt trong những ngày nghỉ lễ, Tết, thời gian sử dụng có thể lên tới trên 4 giờ đồng hồ mỗi ngày. Nhiều phụ huynh thú nhận rằng đây là một cách “giữ trẻ” khi họ không thể vui chơi, trò chuyện cùng con cái. Điều đáng lưu ý là những chương trình do phụ huynh tải về cho trẻ hay có xu hướng về học tập, giáo dục; ngược lại những chương trình do trẻ tự tải về thường là trò chơi và giải trí. Ở cả hai nhóm tuổi, nội dung học tập đều ít được trẻ tải về nhất, trong khi học tập và đọc sách đều được phụ huynh tải và cài đặt nhiều nhất.
Trong đó, có rất nhiều ứng dụng, trang web mà trẻ em sử dụng để giải trí như đọc truyện, xem phim, chơi games là những nền tảng có trả phí, khiến trẻ trở thành những người tiêu dùng của thương mại điện tử. Thậm chí, đã có nhiều trường hợp trẻ em tham gia vào các kênh livestream bán hàng trên mạng xã hội, hay nói cách khác thực hiện các hoạt động kinh doanh, buôn bán thông qua mạng xã hội.
Trước đây, trên mạng xã hội nổi tiếng một nickname Facebook là “Bé Bột Vlog” của một nữ sinh lớp 6 ở tỉnh Hà Tĩnh chuyên bán hàng online như quần áo, mỹ phẩm… Mỗi video bán hàng của em đã từng thu hút tới hàng chục nghìn người vào theo dõi, chia sẻ và bình luận. Chưa rõ hiệu quả thực sự như thế nào nhưng bên dưới video xuất hiện hàng loạt bình luận thô tục, phản cảm của những người xem, trong đó có cả những link quảng cáo, đề xuất tới các website khiêu dâm, thậm chí đăng video cắt ghép hình ảnh của em với ý đồ lăng mạ, phỉ báng, khiến chính chủ Vlog cảm thấy xấu hổ, bực bội.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại rằng, pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể về các hình thức bán hàng online của trẻ em. Tuy nhiên, việc để trẻ em bán những món hàng không phù hợp với lứa tuổi và gián tiếp để đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo, dọa dẫm, dùng từ ngữ khiêu dâm và phỉ báng trẻ em có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thế nhưng, các biện pháp bảo vệ những đối tượng trẻ em khi tham gia vào các thị trường mua bán trên Internet và mạng xã hội vẫn còn tương đối hạn chế.
|
Nhiều nền tảng game online trên điện thoại cho trẻ em là nền tảng có trả phí. (Ảnh: AP) |
“Trôi nổi” nhiều nền tảng độc hại với trẻ em
Cách đây vài năm, xu hướng đọc truyện “ngôn tình”, “đam mỹ” trên mạng trở nên phổ biến, cả truyện tranh và truyện chữ, trong đó có rất nhiều đối tượng độc giả là trẻ em. Bên cạnh các trang blog cá nhân hoặc của một nhóm người dịch tự lập ra, nhiều người sử dụng các nền tảng như WordPress, Tumblr và Blogspot hoặc các ứng dụng như Wattpad, Google play... để đăng tải truyện. Trung bình một diễn đàn chuyên đăng tải truyện ngôn tình có thể thu hút từ 10.000 tới trên 100.000 thành viên. Đáng nói, những truyện viết theo hướng mô tả các cảnh quan hệ tình dục thô tục, bạo lực và không hiếm các yếu tố loạn luân, thường được phân loại là truyện “sắc”, truyện “người lớn”,… ngày càng tăng lên về số lượng trên mạng. Độ phổ biến của loại truyện này đến mức xuất hiện cả những nền tảng đóng góp tiền, trả phí, đơn cử như LustAveland, truyengihot, truyenyy…
Chưa kể, những website này thường dùng hình ảnh và những quảng cáo khiêu dâm để thu hút người đọc. Điều đáng lo ngại là nội dung của những sản phẩm này không chịu sự kiểm soát nào và vượt xa những gì phụ huynh có thể tưởng tượng. Nếu một trang web bị đánh sập thì vài ngày sau, một trang web khác có nội dung tương tự sẽ xuất hiện. Với đối tượng độc giả trẻ tuổi, chưa đủ trải nghiệm, chưa đủ vốn sống, họ dễ dàng bị tiêm nhiễm những tư tưởng sai trái, những suy nghĩ phiến diện đầy nguy hiểm về tình dục và tình yêu. Chỉ cần đọc những bình luận cuối các truyện, không khó để thấy những bình luận tự xưng là ở độ tuổi 2003 – 2004 hoặc trẻ hơn dùng những ngôn từ phản cảm.
Một tình trạng nhức nhối khác là trẻ em nghiện game, chơi game trong giờ học khi được trao quyền sử dụng các thiết bị công nghệ, đặc biệt trong thời điểm đại dịch, trẻ em học online ở nhà. Nhiều phụ huynh đã phản ánh tình trạng chung của nhiều trẻ em có xu hướng chơi game online nhiều hơn.
Một báo cáo năm 2016 của công ty chuyên nghiên cứu thị trường SuperAwesome (Anh) đã chỉ ra rằng, trẻ em từ 6-14 tuổi ở khu vực Đông Nam Á đang dẫn đầu thế giới về tỷ lệ sử dụng smartphone, cao hơn tới 20% so với một cường quốc công nghệ như Mỹ sau khi thực hiện cuộc khảo sát với hơn 1.800 trẻ em trong khu vực, bao gồm các quốc gia là Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia. Thống kê cũng chỉ ra rằng, hơn 70% trẻ em Đông Nam Á dùng smartphone để chơi game.
Ngoài ra, 8/10 ứng dụng được trẻ em Việt Nam yêu thích là mobile game, chứ không phải những ứng dụng có tính chất xã hội, cung cấp tri thức. Thực trạng này đòi hỏi các công ty sản xuất nội dung phải có chiến lược phát triển sản phẩm dành cho giới trẻ với độ an toàn cao. Tuy vậy, trên thực tế, nhiều game online có số lượng trẻ em chơi đông đảo vẫn dùng những yếu tố khiêu dâm để thu hút người chơi, thông qua thiết kế đồ hoạ các nhân vật trong game, quảng cáo đi kèm với game,…
Tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ em
Có thể thấy, trẻ em cũng là một bộ phận người tiêu dùng trong thị trường thương mại điện tử hiện nay bởi hiện tượng trẻ em sở hữu và sử dụng thiết bị thông minh ngày càng phổ biến. Vấn đề được các bậc phụ huynh và xã hội quan tâm là phải có những biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng mà không làm ảnh hưởng đến các quyền được truy cập, tiếp cận thông tin và năng lực hội nhập trong thời đại công nghệ số của trẻ em.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, có tới 70 - 80% số trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích game online, trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 - 15%. Cơ quan này cũng công nhận chứng nghiện game là một bệnh lý trong danh sách phân loại bệnh quốc tế. Khi nghiện game, học sinh sẽ tìm đến trò chơi kể cả trong và ngoài giờ học, thậm chí chơi game mất kiểm soát. Có rất nhiều trường hợp trẻ em đã lấy tiền của bố mẹ để mua thẻ game hay các phụ kiện được chào bán trong game để thoả mãn niềm đam mê game. Hiện tượng này cũng đang ngày càng phổ biến khi trẻ em sử dụng các nền tảng dịch vụ online khác như xem phim, nghe nhạc, đọc truyện online,…
Thực trạng này đòi hỏi gia đình, nhà trường cần có những biện pháp kiểm soát, phối hợp để hạn chế rủi ro khi cho trẻ em sử dụng thiết bị điện tử. Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần có những quy định cụ thể đối với các nền tảng mạng xã hội, website về việc cung cấp dịch vụ trực tuyến, quảng cáo phù hợp với từng lứa tuổi trẻ em.