Bảo vệ sức khỏe khi mùa hè đến

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày đầu tháng 5 cũng là lúc khoảng thời gian giao mùa giữa mùa xuân và mùa hè kết thúc. Thời tiết đã vào hè, đây cũng là lúc nắng nóng khắc nghiệt, vi khuẩn sinh sản nhiều, các bệnh truyền nhiễm phát sinh,... Vì vậy việc bảo vệ sức khỏe trong mùa hè rất quan trọng. Vậy làm thế nào để có thể bảo vệ sức khỏe khi mùa hè đến?
Hình ảnh kêu gọi phòng chống dịch bệnh mùa hè.
Hình ảnh kêu gọi phòng chống dịch bệnh mùa hè. 

Các vấn đề hay gặp phải vào mùa hè

Miền Bắc đang bắt đầu trải qua những ngày đầu hè với thời tiết khắc nghiệt. Nắng nóng kéo dài không những gây cảm giác khó chịu mà còn khiến cơ thể chúng ta dễ mắc bệnh, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ em. Bởi cơ thể luôn biết cách điều chỉnh thân nhiệt sao cho thích ứng với mọi điều kiện của thời tiết. Thế nhưng, khi thời tiết trở nên quá nắng nóng sẽ gây ra nhiều bất lợi cho cơ thể.

Đầu tiên phải kể đến, đó là những phản ứng của cơ thể khi phải tiếp xúc với thời tiết nóng quá lâu. Khi nhiệt độ lên đến 38 – 39°C, hiện tượng thường hay gặp nhất là cảm nắng ở cả người lớn và trẻ em. Cơ thể bị mất nước nhiều vì tiết mồ hôi, thân nhiệt cơ thể không điều hòa được khi bị ánh nắng mặt trời gay gắt chiếu vào người. Nắng mùa hè còn chứa nhiều tia UV cùng với nhiệt độ cao làm tăng áp lực lên sọ, dẫn đến căng thẳng, giãn mạch não gây nhức đầu, mỏi mắt, nặng hơn có thể buồn nôn, nôn, chóng mặt, toát mồ hôi, mê man, sốt hoặc co giật vì ức chế vỏ não.

Các bệnh về da cũng phát triển mạnh mẽ vào mùa hè. Tia UV trong ánh nắng là nguyên nhân chính khiến cho làn da bị lão hoá và gây ung thư da. Bên cạnh đó khi thời tiết oi bức, tuyến mồ hôi và tuyến nhầy trong cơ thể sẽ tăng cường hoạt động để thải nhiệt, gây ra tình trạng ẩm ướt tại các vùng như lưng, trán, cổ và những vùng khó thoát mồ hôi như kẽ tay, chân, bẹn... Nếu không chú ý vệ sinh, sẽ gây viêm da và nấm da. Một số bệnh thường gặp là rôm sảy, viêm kẽ, viêm nang lông hay bệnh chốc, nấm chân, nấm bẹn và thân.

Và cả những bệnh về tiêu hoá, đặc biệt là những bệnh như tiêu chảy, tiêu chảy cấp còn gọi là tả, lỵ, thương hàn,… Ngoài ra, nhiễm độc thức ăn gây ngộ độc hàng loạt cũng thường xảy ra trong mùa hè. Nguyên nhân là do thời tiết nóng ẩm của mùa hè rất thuận lợi cho ruồi nhặng và vi khuẩn sinh sôi khiến thức ăn bị bẩn và ôi thiu nhanh. Cộng với sự ô nhiễm môi trường, bụi bặm nhiều hơn làm cho gia tăng các bệnh dịch trên. Trời quá nóng, hệ tiêu hóa cũng hoạt động kém đi nên gây chán ăn, đầy bụng, khó tiêu khiến cơ thể mệt mỏi, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Mùa hè với việc sử dụng quạt và máy lạnh liên tục kéo theo những căn bệnh về hô hấp như viêm mũi họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi,… Nguyên nhân, nắng nóng làm cơ thể bị mất nước khiến niêm mạc mũi, họng bị khô. Việc sử dụng quạt và máy lạnh liên tục cũng làm cho vùng này khô thêm, dễ trầy xước nên vi khuẩn, virus có thể xâm nhập sâu vào gây bệnh. Để giảm bớt cái nóng, mọi người thường uống nước đá, ăn kem và tắm nước lạnh nhiều cũng dễ dẫn đến viêm họng, viêm thanh quản, bị mất tiếng,…

Cuối cùng và hết sức nguy hiểm đó là những căn bệnh truyền nhiễm xuất hiện vào giai đoạn giao mùa và vào hè. Trong giai đoạn chuyển mùa, điều kiện môi trường rất thuận lợi cho các loại siêu vi phát triển. Các căn bệnh truyền nhiễm có nhiều loại gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Từ sốt xuất huyết, tả, lỵ, thương hàn, đau mắt đỏ, viêm não do virus, thủy đậu, tay – chân – miệng,… Các bệnh này rất dễ lây lan qua đường ăn uống, hô hấp và tiếp xúc bằng tay. Đặc biệt với thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cho tình trạng nhiều người, phần lớn là trẻ em nhập viện tăng cao.

Đặc biệt trong đó là căn bệnh sốt xuất huyết, với thời gian xuất hiện kéo dài, từ tháng 7 cho đến hết năm. Đã có những năm, bùng dịch sốt xuất huyết trên diện rộng, khiến cho nhiều bệnh viện bị quá tải, không có đủ giường nằm cho người bệnh. Đây cũng là bệnh nguy hiểm gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh sốt xuất huyết dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng,... Nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời dễ dẫn đến sốt xuất huyết dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột và tử vong.

Hình ảnh về phòng chống sốt xuất huyết.
Hình ảnh về phòng chống sốt xuất huyết. 

Những lưu ý giúp bảo vệ sức khỏe

Những căn bệnh thường gặp phải khi mùa hè đến, dù ở nông thôn hay thành thị, từ người lớn hay trẻ nhỏ đều rất dễ mắc phải. Người ta vẫn thường nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chính vì vậy để phòng chống những căn bệnh mùa nắng nóng này, cần lưu ý những việc sau để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình.

Việc trước tiên cần làm để phòng bệnh đó là trang bị cho mình một sức khỏe thật tốt. Cách trang bị đó là các bạn có những thói quen hàng ngày tốt cho sức khỏe như ăn nhiều rau xanh và hoa quả để đảm bảo đủ vitamin giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Sinh hoạt giờ giấc hợp lý, tập thể dục điều độ hàng ngày giúp cho cơ thể dẻo dai, có nhiều năng lượng và khỏe mạnh.

Cùng với đó là uống ít nhất 2 lít nước/ngày và có thể nhiều hơn trong những ngày nắng nóng, oi bức. Hạn chế đồ uống lạnh có thể khiến mạch máu thành trước dạ dày co lại, ảnh hưởng mạch máu, tim co giật, tim đau thắt. Mọi người nên uống nước hoa quả tươi, nước dưa hấu, chè đỗ xanh, đỗ đen, trà xanh,... Những loại nước này rất thích hợp cho khí huyết, thuận theo mùa hè.

Bên cạnh việc có sức khỏe tốt thì với mỗi vấn đề gặp phải như cảm nắng, bệnh tiêu hoá,… đều cần có những cách phòng tránh rõ ràng. Ví dụ như cảm nắng, say nắng, bạn cần tránh ra ngoài trời vào những giờ nắng nhất (thường từ 12 giờ trưa đến khoảng 3 giờ chiều). Và mỗi khi ra ngoài nên đội mũ và mặc quần áo dài để tránh ánh nắng trực tiếp lên cơ thể.

Đối với các bệnh ngoài da, tuy ít nguy hiểm nhưng những bệnh này khiến cơ thể ngứa ngáy hoặc đau rát, rất khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc hàng ngày. Cách phòng tránh cũng hết sức đơn giản, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không dùng chung đồ dùng cá nhân. Dọn vệ sinh môi trường sống, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các nguồn nước bẩn, nước tù đọng lâu ngày. Nếu như không may bị bệnh thì hạn chế gãi vì sẽ gây trầy xước da và lây lan vùng da nhiễm bệnh, khiến bệnh tình càng nặng hơn.

Các bệnh về đường tiêu hoá bên cạnh việc uống đủ nước, ăn đồ dinh dưỡng thì cần thực hiện ăn chín uống sôi, ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực phẩm mua phải còn tươi nguyên, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chế biến ngay, bảo quản thức ăn đã chế biến trong điều kiện thích hợp và không để quá lâu, không ăn thực phẩm ôi thiu... Cũng như hạn chế làm việc quá sức, luôn giữ cho tinh thần được thư giãn, giảm căng thẳng sẽ giúp dạ dày và hệ miễn dịch hoạt động khỏe mạnh.

Cũng rất nguy hiểm là bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là cần phòng tránh ở trẻ nhỏ và người già hoặc người có nhiều bệnh lý đi kèm. Bởi khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể với sự thay đổi nhiệt độ ở những đối tượng này kém hơn. Cần tránh tiếp xúc quá lâu với quạt mạnh hay điều hoà nhiệt độ thấp. Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, những nơi có môi trường ô nhiễm,… Cần mang khẩu trang mỗi khi ra đường, nhất là trong thời gian dịch Covid-19 đang hoành hành hiện nay.

Và với các căn bệnh truyền nhiễm có tính lây lan cao, cần tuân thủ nghiêm ngặt những biện pháp phòng ngừa để đảm bảo sức khỏe. Đối với các bệnh do côn trùng đốt, do muỗi truyền (sốt xuất huyết) cần ăn ở hợp vệ sinh, ngủ màn tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng, bọ gậy. Không để tồn tại những vũng nước mưa, loại bỏ những dụng cụ đựng nước mưa để không cho muỗi tồn tại và phát triển. Các bệnh do virus nên dùng vắc xin tiêm phòng.

Có thể thấy, mùa hè không chỉ mang đến cái nắng chói chang, không khí nóng nực hay những ngày mệt thở không ra hơi vì thời tiết khắc nghiệt mà còn mang theo nhiều tác nhân khiến cho chúng ta dễ mắc bệnh. Chính vì vậy mỗi người cần phải nâng cao sức đề kháng và chủ động phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình vào mùa hè này.