Bảo vệ thương hiệu Việt khi bị nước ngoài đăng ký: Chính phủ không thể làm thay doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trao đổi với PLVN quanh chuyện gạo ST25 bị đăng ký thương hiệu tại Mỹ, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp và chỉ có doanh nghiệp mới có thể bảo vệ tài sản của mình. Chính phủ, các bộ, ban ngành không thể làm thay được vì sẽ vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới. 
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại.

Thưa ông, việc các thương hiệu Việt Nam bị đăng ký sở hữu bởi một doanh nghiệp (DN) ở các quốc gia khác không mới nhưng tại sao tình trạng này vẫn cứ tiếp tục diễn ra?

- Bộ Công Thương với vai trò của mình vẫn liên tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về SHTT, đăng ký thương hiệu cho các DN. Các thông tin này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các hội thảo, trong các cuộc xúc tiến thương mại. Thương hiệu, xét cho cùng là tài sản của DN, của chủ sở hữu, chúng tôi cũng chỉ có thể làm hết trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho DN trong vấn đề này, không thể làm thay DN. 

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu gạo ST25 được cấp SHTT cho một DN Mỹ, thưa ông? 

- Qua kiểm tra ban đầu của Hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ cho thấy hiện có 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở trạng thái "đang kiểm tra" của 4 DN. Do đó, thương hiệu gạo ST25 chưa bị mất tại thị trường Mỹ, nhưng nếu thời gian tới DN không làm gì, không có động thái kịp thời để bảo vệ, bảo hộ thương hiệu thì có thể bị đăng ký sở hữu.

Trường hợp thương hiệu gạo ST25 bị DN Mỹ đăng ký bản quyền trước thì khi Việt Nam xuất khẩu 2 loại gạo này sang Mỹ có thể sẽ không được mang nhãn hiệu ST25 nữa hoặc phải trả phí cho đơn vị đã được cấp quyền sở hữu thương hiệu này để được nhập khẩu vào Mỹ, nếu không sẽ vi phạm về sở hữu trí tuệ (SHTT). Nếu họ đã đăng ký thành công thì DN Việt Nam phải thuê luật sư để đòi lại. Để giữ được thương hiệu, DN phải cung cấp bằng chứng, chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của gạo ST25 trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường, mang sản phẩm đi tham dự. Bên cạnh đó, DN cần phải có nguồn lực thông thạo luật pháp ở bên Mỹ hoặc thuê luật sư đăng ký SHTT cho thương hiệu này. 

Điều quan trọng DN phải ý thức được ý nghĩa vai trò của thương hiệu trong sản xuất kinh doanh đầu tư bởi hiện nay, nhiều người vẫn còn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc sở hữu thương hiệu. ST25 chỉ là một trường hợp cụ thể. Mở rộng ra, bất kỳ một thương hiệu nào của Việt Nam chưa để ý đến việc đăng ký SHTT ở các thị trường trọng điểm hoàn toàn có thể bị mất. 

Có thể có cách nào đó từ cấp quốc gia để bảo hộ những thương hiệu của Việt Nam, thưa ông?

- Như tôi đã nói, thương hiệu là tài sản của DN, DN phải có trách nhiệm giữ gìn. Cơ quan nhà nước chỉ có thể cung cấp thông tin, hướng dẫn chứ không can thiệp được trong các trường hợp này. Chính phủ, các bộ, ban ngành chỉ có thể tuyên truyền nâng cao nhận thức cho DN, giới thiệu các chuyên gia có năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn hỗ trợ cho DN đăng ký sở hữu thương hiệu ở các thị trường trọng điểm trên thế giới. Nếu Chính phủ mà làm thay DN thì sẽ vi phạm quy định WTO về phòng chống trợ cấp. Hơn nữa, Chính phủ cũng không có đủ tiềm lực để làm việc này vì chúng ta có quá nhiều thương hiệu. 

Mỗi đăng ký nhãn hiệu sản phẩm ở Mỹ mất khoảng 10.000 USD. Do đó, có thể cũng có nhiều trường hợp DN muốn làm nhưng lực bất tòng tâm. Đây sẽ là bài học hữu ích cho các DN sau này dù có thể cuối cùng ST25 sẽ không được phép đăng ký sở hữu ở Mỹ. Tuy nhiên, việc các nhãn hiệu nổi tiếng bị đăng ký kiểu này cũng là tất yếu của kinh tế thị trường.

Điều này nhắc nhở các DN, nếu không thể một mình tiến hành đăng ký SHTT được thì liên kết với các nhà khác hoặc cùng đàm phán với các đối tác, phân chia lợi nhuận trong việc đồng sở hữu thương hiệu. Bởi điều quan trọng nhất vẫn là phải cùng có ý thức cao trong việc gìn giữ tài sản vô hình (thương hiệu của sản phẩm) của mỗi một DN. 

Đọc thêm