Bất chấp để nổi tiếng, 'sao' trẻ trở thành 'con rối'

(PLO) - Nhiều nghệ sĩ trẻ bước vào làng giải trí Việt còn non tuổi đời, tuổi nghề dễ dàng trở thành những “con rối”, bị thao túng bởi những nhà quản lý, nhà đầu tư, công chúng và dư luận. Chính vì sự thiếu hụt kiến thức chung về xã hội, đạo đức nghề nghiệp, thậm chí cả về chuyên môn chưa vững vàng, họ dễ dàng sa đà vào “con đường mòn” chiêu trò để nổi tiếng.
Nhiều ngôi sao trẻ vẫn chưa có bản sắc.
Nhiều ngôi sao trẻ vẫn chưa có bản sắc.

Những trò hề…

Mới đây, vụ lùm xùm diễn viên Trương Phương tố NSND Quốc Anh vì lý do “cô hay lên báo khoe ngực” mà từ chối ghi hình cùng cô trong chương trình “Vui khỏe có ích” đã gợi lên nhiều phản hồi trái chiều từ dư luận.

Dù có những ý kiến trách móc NSND Quốc Anh và ekip chương trình “chèn ép” nghệ sĩ trẻ, nhiều khán giả khác lại cho rằng cô diễn viên trẻ “không ăn được thì đạp đổ”, “tạo scandal để được chú ý”…

Về phía ekip chương trình đã xác nhận không hề có việc “chê bai khoe ngực” và NSND Quốc Anh cũng khẳng định “Tôi từ chối với ekip vì tôi già rồi, mời quay với người nào đó đừng quá chênh lệch tuổi để nói về sức khoẻ đầu xuân thì tôi thấy hợp lý hơn”.

Làng giải trí Việt đang chứng kiến một sự “hỗn loạn” bởi những chiêu trò, mánh khóe, đặc biệt đến từ những nghệ sĩ trẻ muốn nhanh chóng được dư luận biết đến. Từ việc chọn nghệ danh, bắt chước phong cách, đạo nhái, dựa hơi người nổi tiếng, phát ngôn gây sốc đến việc tạo scandal tai tiếng, PR lố, tiết lộ đời tư, khoe khoang cơ thể, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra để “mua” sự nổi tiếng, không ngần ngại bán “đạo đức nghề nghiệp” của mình. 

Những tai tiếng làm rúng động dư luận có thể nhắc tới một số tên tuổi như giọng ca Phan Ngọc Luân và “mối tình thầy trò” với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng; mối tình tay ba giữa Trường Giang, Nhã Phương và Nam Em; cô mẫu Cao Thiên Trang uống nước xịt khoáng để quảng cáo mỹ phẩm; nhạc sĩ Dương Khắc Linh bị ca sĩ, nhạc sĩ Trịnh Thăng Bình tố “đạo” bài nhạc hit của anh; rồi đến chuyện mập mờ tình ái giữa Kiều Minh Tuấn – An Nguy – Cát Phượng; hay vụ hot girl Chipu cởi đồ để PR sản phẩm làm dư luận không khỏi nhớ đến hình ảnh cô người mẫu Ngọc Trinh cũng từng cởi… để quảng cáo mì gói.

Đánh bóng tên tuổi theo hướng tiêu cực, vô tình khiến nhiều cá nhân đang hoạt động trong làng giải trí Việt tự biến mình thành những con rối với trò hề mà theo nhiều người nó mang nặng nghĩa “muối mặt”.

Và những “con rối gỗ”

Nhiều nghệ sĩ trẻ bước vào làng giải trí Việt còn non tuổi đời, tuổi nghề còn nhiều thiếu hụt kiến thức chung về xã hội, về đạo đức nghề nghiệp, thậm chí chuyên môn cũng chưa vững vàng, dễ bị “dẫn dắt”, sa đà vào “con đường mòn” chiêu trò để mong muốn nhanh chóng được chú ý.

Những sản phẩm nghệ thuật hời hợt, thậm chí nhảm nhí, phản cảm thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với chính bản thân tác giả, thiếu tôn trọng nghệ thuật, nghề nghiệp, thiếu tôn trọng với đồng nghiệp và đặc biệt thiếu tôn trọng đối với khán giả. Nhưng cuối cùng, phải chăng họ cũng chỉ là những “con rối gỗ”, bị thao túng bởi những nhà quản lý, nhà đầu tư, công chúng và dư luận? 

Nói về điều này, Á quân Giọng hát Việt 2013, Vũ Cát Tường từng chia sẻ: “Năm 23 tuổi tôi đã nghĩ mình bị trầm cảm, không có bạn, không có ê-kip và không có bất cứ ai để chia sẻ. Vào thời điểm ấy, tôi không ra được sản phẩm nào cũng không có bất kỳ hoạt động nào”.

Cô ca sĩ trẻ đã chỉ ra khi một nghệ sĩ trẻ khi phải “tự thân vận động”, không có người định hướng, mới thấy được thực tế xã hội khắc nghiệt như thế nào, mình còn thiếu sót ra sao, cô đã có một quãng thời gian chững lại khi sự nghiệp đang lên cao, bởi những “vấp ngã” đau đớn tưởng chừng không đứng dậy được.

Cũng giống như một “con rối gỗ” được người khác “đẽo gọt” thành hình và mang lên trình diễn trước khán giả, làm cô nhầm tưởng chính mình thật tài giỏi hơn người. Nhưng đến khi những người “đẽo gọt” đó đi mất, “con rối gỗ” mới nhận ra bản thân mình không có giá trị gì, mình không hề nổi bật bởi những người tạo cho cô những giá trị, tạo cho cô cơ hội nổi tiếng đã không còn ở đây.

Nhiều ca sĩ trẻ cho rằng một ca sĩ chỉ cần tài năng ca hát là đủ thuyết phục được quần chúng, nhưng trên thực tế, một ca sĩ không chỉ biết hát còn phải biết biểu cảm, biết diễn xuất, kể cả biết nhảy múa, ngoài ra phải có kiến thức chung về xã hội, về văn hóa nghệ thuật nói chung để ứng xử phù hợp trước truyền thông và khán giả.

Nhưng họ sẽ ít phải đối mặt với tất cả những điều trên khi đã có ê-kíp chuẩn bị hết mọi thứ, từ cách lựa chọn hình ảnh trước quần chúng, lựa chọn show đến việc ăn nói, ứng xử ra sao. Chưa nói tới, nhiều ca sĩ trẻ hát còn chưa ra hơi thì lại được “định hướng” theo kiểu câu kéo dư luận bằng chiêu trò như đạo nhái, khoe đời tư, câu bám nghệ sĩ đã nổi để lên theo, thậm chí làm từ thiện “ảo”… để bị công chúng “ném đá” dữ dội.

Chọn nẻo đường không thỏa hiệp

Theo đuổi nghệ thuật là một quá trình cống hiến lâu dài. Để thuyết phục được khán giả, người nghệ sĩ luôn phải không ngừng trau dồi bản thân để có thể làm tốt hơn phục vụ khán giả một cách trọn vẹn hơn.

Như giọng ca bolero “Những khúc nhạc buồn” Nathan Lee từng chia sẻ: “Tôi chọn lối sống khép kín, không scandal vì tôi không thỏa hiệp với những thứ xấu, rẻ tiền. Tôi làm nghệ thuật không phải để nổi tiếng hay để kiếm tiền, đơn giản vì tôi yêu ca hát và sân khấu và tôi cần nó để nuôi dưỡng cảm xúc”. Giọng ca Thanh Lam cũng từng khẳng định sẽ “không thỏa hiệp với sự bình dân”.