Bất động sản công nghiệp vẫn là kênh hút vốn FDI

(PLVN) - Trong bối cảnh tình hình kinh tế đang có nhiều bất ổn, nhất là ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid -19, nhưng các số liệu nghiên cứu vẫn cho thấy, Việt Nam được dự báo sẽ trở thành điểm thu hút vốn từ các nhà đầu tư quốc tế, bởi sự dịch chuyển các nhà máy phục vụ cho chuỗi cung ứng hàng hóa của họ.
BĐS công nghiệp vẫn là kênh hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài.
BĐS công nghiệp vẫn là kênh hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Lê Trọng Hiếu - Giám đốc phụ trách Bộ phận Tư vấn và giao dịch văn phòng cho thuê, khu công nghiệp và hậu cần CBRE Việt Nam - cho rằng, bất động sản (BĐS) công nghiệp luôn chiếm một tỷ trọng lớn trong toàn bộ thị trường BĐS Việt Nam. Vì thế, trong bối cảnh tình hình kinh tế đang có nhiều bất ổn những năm gần đây và nhất là sau EVFTA, thì xu hướng này càng trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. 

Luận điểm này được ông Lê Trọng Hiếu lý giải, số liệu nghiên cứu của CBRE trong năm 2019 cho thấy, vốn FDI giải ngân chỉ tăng 3% nhưng số lượng các công ty tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam tăng 30%.

Sự biến động này đến từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Vì vậy, các nhà đầu tư FDI có nhu cầu chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các đối tác tiềm năng này chủ yếu đến từ các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong và Singapore, cùng một số ít nhà đầu tư đến từ Mỹ và một số nước thuộc khu vực Châu Âu.

Một số liệu khác từ Tổng cục thống kê cũng cho thấy, mặc dù tình hình thế giới có vẻ đang bất ổn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ổn định với 6,76% đến những tháng cuối năm 2019. Về đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư cũng cam kết vào Việt Nam đạt gần 18,47 tỷ USD chỉ trong sáu tháng đầu năm, tương đương 90,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, việc Việt Nam nỗ lực mở rộng khu vực thương mại tự do, trong đó mới nhất là Hiệp định thương mại tự do Châu Âu – Việt Nam (EVFTA) vừa được ký kết vào cuối tháng 6/2019, cũng được kỳ vọng sẽ tăng cường sức hấp dẫn của thị trường công nghiệp Việt Nam. Điều này góp phần thúc đẩy nhu cầu đối với BĐS công nghiệp, nhất là tại các khu vực kinh tế năng động như TP HCM.

Ông Lê Trọng Hiếu cho rằng, EVFTA là một hiệp định có tính cột mốc, thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu tại Việt Nam thông qua việc gỡ bỏ 99% thuế quan với hàng hóa. Các cụm và khu công nghiệp của Việt Nam từ đó đang ngày càng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong cả nước và tất nhiên, nhà đầu tư FDI cũng sẽ không đứng ngoài cuộc chơi dành thị phần, để mở rộng thị trường hay dịch chuyển nhà máy.

Trong một báo cáo mới đây về triển vọng thị trường năm 2020 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho thấy, ngoài những lợi thế trên thì môi trường kinh doanh tại Việt Nam được đánh giá là nhiều tiềm năng và hấp dẫn. Bởi chi phí lao động của Việt Nam thấp hơn 52% mức trung bình của Trung Quốc và 23% các nước trong khu vực ASEAN. Việt Nam xếp thứ 69 vào năm 2018 về môi trường kinh doanh, sau Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc.

"Nếu khảo sát, chúng ta cũng dễ nhận ra rằng, những công ty đa quốc gia không phải bây giờ mới đến, mà họ đã có chiến lược vào thị trường Việt Nam từ trước đó như Massan, Unilever… Ngay cả như các doanh nghiệp trong nước như Vinamilk cũng đang mở rộng quy mô và nhà xưởng của mình" - ông Stephen – Giám đốc nghiên cứu của JLL Việt Nam - cho hay.

Tuy nhiên, Stephen cũng cho biết, mặc dù các nhà đầu tư quốc tế không ngừng tìm kiếm các tài sản công nghiệp và hậu cần, nhưng ngành này cũng đối mặt với các rủi ro, như dòng vốn nước ngoài chậm lại do tình trạng bất ổn toàn cầu, sự tụt giảm về kinh tế do dịch bệnh... Cùng với đó là chất lượng tài sản, tốc độ gia tăng của giá thuê, quy mô giao dịch và thời hạn còn lại của quyền sử dụng đất là những yếu tố mấu chốt cho quyết định của nhà đầu tư. 

Đọc thêm