Bất hợp lý trong KLĐT bổ sung vụ cựu Bí thư Bến Cát: Hồ sơ có chữ ký giả, nhưng… “không ảnh hưởng vụ án”

(PLVN) - LS Đào Kim Lân (Đoàn LS TP HCM), nói: “Chữ ký giả tức là hợp đồng vay, thế chấp tài sản vô hiệu. CQĐT không thể lập luận đồ ăn cắp, ăn trộm rồi đi bán lại là người thứ 3 ngay tình được. Vì vô hiệu ngay từ đầu thì đáng lý ra phải giải quyết vụ án cho vay, thế chấp trước hoặc cùng một lúc. Không thể xử lý cái hậu quả trước, còn nguyên nhân để lại sau”.

Sau 1 tháng điều tra các vấn đề mà tòa trả hồ sơ, CQĐT Công an tỉnh Bình Dương vừa có kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung vụ án liên quan ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, nguyên Bí thư Bến Cát), cho rằng ông Khanh vẫn “phạm tội đồng phạm giúp sức”. Các LS tiếp tục chỉ ra những bất thường trong KLĐT này.  

Vụ án có tình tiết mới, vẫn giữ nguyên cáo buộc

Như PLVN phản ánh trong loạt bài viết trước, nhiều năm sau khi ông Khanh mua đất của cụ Hồ Thị Hiệp (SN 1947, ngụ Bến Cát), sau khi cụ Hiệp chết thì ông Khanh bị khởi tố, truy tố là “đồng phạm giúp sức cho” ông Nguyễn Huy Hùng (SN 1968) và Nguyễn Quang Lộc (SN 1970, cùng là cán bộ BIDV Tây Sài Gòn) “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Cuối năm 2019, TAND sau hai tuần xử sơ thẩm đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều vấn đề. Trong đó có trưng cầu giám định chữ ký bà Nguyễn Hiệp Hảo (con gái cụ Hiệp, hiện đang sống tại nước ngoài) tại Giấy ủy quyền ngày 25/1/2008 để xác định bà Hảo có ủy quyền cho cụ Hiệp hay không? Đây là giấy ủy quyền cụ Hiệp sử dụng để lấy 9,7ha đất bà Hảo đưa vào BIDV bảo đảm cho các khoản vay. 

Tòa cũng yêu cầu điều tra việc ông Khanh đã đầu tư trên đất như thế nào, giá trị bao nhiêu?

Ngày 21/1/2020 Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an có kết luận giám định cho thấy chữ ký trên giấy ủy quyền năm 2008 và chữ ký của bà Hảo không phải do một người ký ra. Nói cách khác, chữ ký trên giấy ủy quyền là chữ ký giả.

Thế nhưng CQĐT cho rằng hành vi cụ Hiệp sử dụng chữ ký giả để thế chấp đất bà Hảo vào BIDV thuộc giai đoạn vay vốn, thế chấp tài sản và “nội dung này đang được điều tra trong vụ án “Vi phạm về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng” đã được khởi tố tách riêng”.

CQĐT cho rằng bà Hảo “biết rõ toàn bộ tài sản của bà bị thế chấp cho ngân hàng nhưng không khiếu nại, tranh chấp”, nên sự việc chữ ký giả này “không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án”.

 Bản kết luận điều tra bổ sung vụ án.

Vấn đề đầu tư trên đất của ông Khanh, tổng số tiền theo lời khai từ san lấp mặt bằng, cải tạo, trồng cây là khoảng 4,5 tỷ. Tuy nhiên CQĐT cho rằng gia đình ông Khanh chỉ đầu tư trên đất (san lấp, cải tạo mặt bằng) 400-500 triệu đồng. Với việc xác định giá trị cao su trồng trên đất, thì “sẽ được giải quyết ở vụ án khác”.

Từ đó, CQĐT vẫn giữ nguyên cáo buộc với các bị cáo.

Luật sư: “Những yêu cầu của tòa, gần như CQĐT không thực hiện”  

LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP HCM) đánh giá: “Toàn bộ những yêu cầu của tòa án, gần như CQĐT không thực hiện. Tôi nghĩ, nếu không đúng yêu cầu thì tòa buộc phải trả hồ sơ thêm lần nữa. Chữ ký trong giấy ủy quyền năm 2008 không phải của bà Hảo nhưng CQĐT vẫn cho rằng hồ sơ thế chấp là hợp pháp; thì nói như vậy là trái luật”.

LS Nghĩa phân tích: “CQĐT cho rằng bà Hảo biết tài sản của mình có thế chấp và có ủy quyền để xử lý mua bán, giải chấp… thì đương nhiên hợp đồng thế chấp có hiệu lực dù chữ ký là giả; cách hiểu này của CQĐT là sai. Không có bất cứ tài liệu nào trong hồ sơ nói rằng bà Hảo biết bị giả chữ ký, kể cả tới thời điểm có ủy thác tư pháp”.

“Về đầu tư trên đất, CQĐT xác định vợ chồng ông Khanh có trồng cao su nhưng lại không tiến hành định giá và giải quyết ở vụ án này là sai. Thứ nhất, vụ án về cho vay, thế chấp tại BIDV không liên quan đến vợ chồng ông Khanh và các bị cáo đang bị truy tố thì làm sao giải quyết được? Thứ hai, CQĐT và VKS đang đề nghị tòa tuyên hợp đồng mua bán giữa cụ Hiệp và gia đình ông Khanh là vô hiệu; nhưng hướng của tòa án là phải xác định phần dân sự để có cơ sở giải quyết cho các đương sự.

Hủy hợp đồng mua bán thì phải giải quyết quyền lợi cho các đương sự như thế nào? Tôi cho rằng trong vụ án này, CQĐT đang cố buộc tội ông Khanh; còn những hậu quả pháp lý khác như về tài sản thì không nói đến mà cứ đòi tách ra. Theo luật, không thể tách phần dân sự khỏi phần hình sự, trừ trường hợp không điều tra được”.

 Các luật sư cho rằng bản KLĐT bổ sung có nhiều điểm bất hợp lý. 

“Về kết luận định giá, tại tòa, LS đã phân tích thành phần Hội đồng định giá thành  lập sai quy định. Có nhiều nhân chứng, chứng cứ cho thấy việc định giá có gian dối, sai lệch, làm giả. Trong vụ án này, CQĐT phải cho định giá lại chứ không thể “giải quyết khiếu nại”.

LS Đào Kim Lân (Đoàn LS TP HCM) thì cho hay: “Chữ ký giả tức là hợp đồng vay, thế chấp tài sản vô hiệu. CQĐT không thể lập luận đồ ăn cắp rồi đi bán lại là người thứ 3 ngay tình được. Vì vô hiệu ngay từ đầu thì đáng lý ra phải giải quyết vụ án cho vay, thế chấp trước hoặc cùng một lúc. Không thể xử lý cái hậu quả trước, còn nguyên nhân để lại sau”.

LS Trần Minh Hải (Đoàn LS TP Hà Nội) nêu: “Trong vụ án này, mỗi một đồng xu thiệt hại là một nấc quy buộc thêm trách nhiệm của cán bộ ngân hàng, của ông Khanh. Nhưng kết luận định giá lại không dựa trên cơ sở nào để xác định và CQĐT vẫn cho là đúng mà không giám định lại”.

“Nguyên tắc suy đoán vô tội là nguyên tắc cao nhất trong Bộ luật TTHS. Khi bị cáo, LS đưa ra những lập luận về vô tội thì CQĐT phải chứng minh lập luận đó sai, phản bác được. Còn nếu không thì việc kết tội có vấn đề, chưa vững vàng”.

“Ngoài những yêu cầu của tòa, CQĐT cũng phải làm rõ vấn đề mà LS đưa ra chưa được giải đáp ở phiên sơ thẩm. Tôi có 10 vấn đề và LS khác cũng có nhiều vấn đề nhưng VKS không thể phản hồi được. VKS không chỉ ra đâu là tài sản nhà nước bị thất thoát”. 

Các LS đánh giá, KLĐT bổ sung đã không đáp ứng được các vấn đề mà tòa trả hồ sơ, không làm rõ được những vấn đề các LS đối đáp tại tòa. Các LS cho biết sẽ khiếu nại KLĐT bổ sung, đồng thời kiến nghị đình chỉ vụ án. 

Đọc thêm