Bất ngờ bệnh lao tăng sau đại dịch COVID-19

(PLVN) - Sau đại dịch COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số người mắc bệnh lao phổi trên toàn cầu đã tăng lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ. Ở Việt Nam, con số này cũng tăng bất ngờ sau đại dịch…
SCDI phối hợp cùng CSET, Bệnh viện Phổi Nghệ An và Trung tâm Y tế Nam Đàn trao 46 gói hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhân lao. (Ảnh: PV)

Người dân chủ quan và lo kỳ thị

Chúng tôi đến nhà anh Trần Văn Sáng, 52 tuổi - Xuân Hòa, Nam Đàn (Nghệ An) vào một sáng đầu đông. Anh là lao động chính trong gia đình, vợ anh hiện tại mắc K tử cung cũng điều trị hằng tháng ở Hà Nội. Anh kể, do nghiện thuốc lá từ thời trẻ, thỉnh thoảng anh cũng có đi kiểm tra sức khỏe theo các chương trình ở địa phương nhưng không thấy có vấn đề gì. Thế rồi, đến đầu năm vừa rồi, thỉnh thoảng anh bị mệt lả người. Anh cứ nghĩ do lao động vất vả triền miên chứ không nghĩ bản thân mắc lao, bởi nhìn bề ngoài anh khá khỏe mạnh. Thế rồi, qua đợt khám sàng lọc, anh đã được bác sỹ thông báo mắc lao. Sau 9 tháng điều trị anh đã âm tính trở lại, nhưng công việc chính là phụ hồ vẫn chưa thể đi làm lại được. Hiện mỗi tháng vợ chồng anh hết khoảng 5 triệu đồng tiền thuốc men. Mọi chi phí điều trị gia đình anh sử dụng tiền dành dụm và vay mượn thêm.

Thời gian đầu khi biết mình bị lao, anh ngại chia sẻ tình trạng bệnh với hàng xóm, bạn bè bởi ám ảnh ngày nhỏ, nhà nào có lao là bị xóm làng xa lánh. Tuy nhiên, hàng xóm nay đều đã hiểu và thông cảm với anh, thường xuyên thăm hỏi và giúp đỡ.

Anh Sáng khám và phát hiện lao tại sàng lọc lao lưu động. Anh được Hệ thống Cộng đồng Chấm dứt bệnh lao (CSET) kết nối và điều trị sớm trong tháng 7/2023. Sau khi điều trị 5 ngày, anh bị dị ứng nặng và nhập Bệnh viện (BV) Phổi điều trị 1 tháng. Sau đó được thay đổi phác đồ, hiện tại anh đang trực tiếp nhận thuốc và theo dõi điều trị và phải đi lại nhận thuốc hằng tháng ngoài BV Phổi Nghệ An.

Tiếp đó, chúng tôi tới nhà ông Nguyễn Văn Tư 69 tuổi - Nam Xuân, Nam Đàn. Hiện ông vẫn đang trong quá trình điều trị. Ông phát hiện bản thân bị lao sau khi được CSET tư vấn, hỗ trợ chuyển gửi khám được chẩn đoán lao phổi. Điều trị được 1 tuần thì ông gặp phản ứng phụ (ngứa toàn thân). Sau đó CSET hỗ trợ tư vấn chuyển gửi ông ra BV Phổi Trung ương, điều trị song song thuốc dị ứng và sử dụng thuốc đơn thay thuốc phối hợp. Hiện tại ông được chuyển về điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn, dị ứng đã thuyên giảm. Ông dùng khẩu trang hằng ngày và không bị kỳ thị bởi xóm giềng…

Bà Vũ Ngọc Hoa, cán bộ SCDI thăm hỏi và trao quà cho bệnh nhân Trần Văn Sáng. Ảnh: PV

Bác sỹ Hồ Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế Nam Đàn cho biết, thời gian qua, tổng số ca riêng huyện Nam Đàn là 3.094 ca. Số người mắc lao tăng khá bất ngờ. Sau khi hết COVID người ta không coi trọng nhiều vấn đề về sức khỏe. Thêm nữa, việc chuyển về bảo hiểm y tế khó khăn hơn nên không ít bệnh nhân bỏ trị. Chưa kể họ thấy bị kỳ thị nên càng không mặn mà. Hiện Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn đã cho phép người nhà nhận thuốc thay bệnh nhân. Một số bệnh nhân không chỉ vì thiếu thốn, mà họ nghĩ do già rồi không thiết điều trị nữa. Theo bác sỹ Sơn, hiện nay xã hội phát triển nên người dân lơ là, chủ quan hơn với bệnh lao. Do đó, nếu có kinh phí cho phòng, chống bệnh lao thì ngay từ tuyến y tế xóm, sẽ có sàng lọc thì hiệu quả hơn. Theo bác sỹ Sơn, nếu không có những đợt khám sàng lọc với thiết bị tốt như chương trình của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), lao tiềm ẩn còn nguy cơ cao.

Mặc dù hàng năm người dân vẫn khám nhưng không hiệu quả. Thông thường, người dân chỉ đi khám sàng lọc khi có dấu hiệu về sức khỏe. Còn khám đại trà phải có dự án. Thực tế, từ khi Chương trình Phòng, chống Lao Quốc gia cắt giảm thì nhân lực cơ sở thường xuyên thay đổi, các chương trình giám sát cũng hạn chế. Trong khi lao kháng thuốc cần giám sát hỗ trợ tâm lý. Trước đây, theo phác đồ điều trị cũ là 20 tháng nên nhiều bệnh nhân nản. Bệnh nhân sau vài tháng thấy hết ho là họ tự dừng thuốc. Trong khi, vấn đề khó khăn là bệnh nhân cần được động viên tâm lý. Bởi điều trị khó khăn nhất là ba tháng đầu, bệnh nhân dễ bỏ thuốc trong giai đoạn này.

Tại Nam Đàn, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hà và chị Nguyễn Thị Hiền (Nam Đàn) - CSET Nghệ An. Theo đó, công việc của các chị là tham gia chuyển gửi các khách hàng có phim tổn thương nghi lao sau sàng lọc X-quang lưu động Nam Đàn. Hỗ trợ tiếp cận và chuyển gửi, kết nối bệnh nhân lao sớm vào điều trị. Tầm soát và chuyển gửi người tiếp xúc với bệnh nhân lao đi khám sàng lọc.

66.500 người có nguy cơ mắc lao cao được sàng lọc

Bác sỹ Lương Văn Phùng, Phó Giám đốc BV Phổi Nghệ An đang hướng dẫn sử dụng thuốc tại nhà cho anh Trần Văn Sáng. (Ảnh: PV)

Theo các chuyên gia y tế, lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với khả năng lây lan trong cộng đồng cao. Do đó, việc phòng, chống lao dựa vào cộng đồng được xem là yếu tố bền vững để tiến đến đích trong việc thanh toán bệnh. Nhiều năm qua, người dân không mấy bận tâm đến bệnh lao, thậm chí nhiều người bị mắc lao không biết mình mắc lao. Vì vậy, việc sàng lọc lao tại cộng đồng có ý nghĩa rất lớn.

Bác sỹ Lương Văn Phùng, Phó Giám đốc BV Phổi Nghệ An cho rằng, việc chủ động phát hiện sớm bệnh lao trong cộng đồng kết hợp với điều trị sớm là giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát bệnh lao. Với quy mô 480 giường, điều trị cho 750 - 800 bệnh nhân, BV Lao Nghệ An tiếp nhận lượng bệnh nhân khá đông. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc cao, hiện có khoảng 30 bệnh nhân…

Theo bác sỹ Phùng, hiện việc thực hiện xét nghiệm Truenat phát hiện nhanh lao và lao kháng thuốc trong vòng 2 giờ đồng hồ. Cùng với đó, việc duy trì và triển khai mở rộng các hoạt động thuộc khuôn khổ dự án FHI cũng như triển khai khám phát hiện bệnh lao, lao tiềm ẩn, kết hợp sàng lọc các bệnh lý hô hấp khác tại cộng đồng của dự án SCDI (Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng) đã và đang đạt hiệu quả.

Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) bắt đầu thực hiện các hoạt động phòng, chống lao từ năm 2017 với dự án đầu tiên tại tỉnh Hải Dương do Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV, Lao và Sốt rét tài trợ (thông qua Chương trình Chống Lao Quốc gia Việt Nam). Các hoạt động phòng, chống lao do SCDI thực hiện nhằm đóng góp vào mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, với hai mục tiêu cụ thể: Chủ động phát hiện các trường hợp mắc lao ở trong những nhóm dân cư dễ bị tổn thương bởi bệnh lao và khó tiếp cận với các dịch vụ điều trị về lao như người nghèo, người sinh sống tại các địa bàn xa xôi, người không có giấy tờ tùy thân, người sử dụng ma túy… thông qua hai hình thức là sàng lọc lao cộng đồng và phát hiện ca bệnh lẻ.

Xây dựng hệ thống cộng đồng CSET - Hệ thống Cộng đồng Chấm dứt bệnh lao bao gồm các tổ chức cộng đồng và cá nhân nhằm thúc đẩy ứng phó bệnh lao một cách bền vững tại Việt Nam, trong đó lấy bệnh nhân lao và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi bệnh lao làm trung tâm. Hệ thống cộng đồng phòng, chống lao có vai trò tăng cường hiệu quả phát hiện ca bệnh, hỗ trợ tuân thủ điều trị và gỡ bỏ các rào cản tiếp cận dịch vụ về lao như việc không có giấy tờ tùy thân, không có bảo hiểm y tế, các vấn đề về giới có tác động đến phòng, chống lao… Từ những bệnh nhân lao được phát hiện, CSET đưa những người tiếp xúc gần với họ đi sàng lọc lao và hỗ trợ điều trị để bảo đảm kiểm soát nguồn lây trong cộng đồng. Trong năm 2023, hệ thống CSET đã có hơn 428 thành viên.

Từ năm 2021, các hoạt động phòng, chống lao do SCDI triển khai đã có mặt tại tại hơn 10 tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nghệ An, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh. Trong năm 2023, SCDI tập trung tại 7 tỉnh, thành phố là Hải Dương, Thái Bình, Nghệ An, Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai và TP Hồ Chí Minh.

Tính đến 30/10/2023, SCDI phối hợp cùng các BV lao, các trung tâm y tế và hệ thống cộng đồng CSET đã tổ chức sàng lọc lao cho hơn 66.500 người thuộc các nhóm nguy cơ mắc lao cao. Trong đó giúp phát hiện 639 trường hợp mắc lao hoạt động và 1.199 trường hợp nhiễm lao tiềm ẩn. 544 bệnh nhân lao (85%) đã bắt đầu điều trị và được CSET hỗ trợ, số bệnh nhân còn lại tiếp tục được hỗ trợ để kết nối vào điều trị trong thời gian sớm nhất.

Tính đến 30/10/2023, SCDI Nghệ An đã tổ chức sàng lọc lao cho 18.980 người (thông qua các cuộc sàng lọc cộng đồng: 17.200 người, sàng lọc ca lẻ: 1.780 người), phát hiện 211 người có lao hoạt động (mắc lao) và đã kết nối và hỗ trợ tuân thủ điều trị cho 174 người (đạt 83%).

Riêng tại huyện Nam Đàn, trong năm 2023, đã có 3.094 người đọc sàng lọc lao và chụp X-quang miễn phí thông qua 7 cuộc sàng lọc trên địa bàn 19 xã. Các cuộc sàng lọc này đã giúp phát hiện 44 người có lao hoạt động và 53 người có lao tiềm ẩn.

Song song với hoạt động phát hiện và kết nối điều trị cho bệnh nhân lao, SCDI phối hợp cùng CSET, BV Phổi Nghệ An và Trung tâm Y tế Nam Đàn trao 46 gói hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhân lao hoạt động và lao tiềm ẩn trong vào ngày 21/11/2023. Mỗi gói hỗ trợ cho bệnh nhân lao hoạt động bao gồm 01 hộp quà dinh dưỡng và 1.500.000 đồng tiền mặt; với bệnh nhân lao tiềm ẩn là 01 hộp quà dinh dưỡng và 500.000 đồng tiền mặt.

Ông Vương Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: Nam Đàn đang trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung phát triển du lịch. Bác Hồ nói, “một người dân khỏe cả nước khỏe”. Do đó, mỗi người dân khỏe để góp phần làm giàu cho quê hương tươi đẹp, hoàn thành nông thôn mới vào năm 2025. Từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống lao cắt giảm, huyện đã ban hành nghị quyết nâng cao sức khỏe ban đầu cho bà con. Quan trọng là việc tuyên truyền bà con tự phòng, chống, nhân dân phải tự thường xuyên chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bản thân, ông Thái nhấn mạnh…

Không thể lơ là

Sau đại dịch COVID-19, WHO cảnh báo số người mắc bệnh lao phổi trên toàn cầu đã tăng lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ. Báo cáo của WHO nêu rõ trong tổng cộng 10,6 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh lao phổi vào năm 2021, 1,6 triệu người đã chết. Các quan chức WHO cho rằng đại dịch COVID-19 đã góp phần làm tăng đột biến số ca chết liên quan đến bệnh lao phổi, do các lệnh phong tỏa cản trở việc chẩn đoán hoặc điều trị của nhiều bệnh nhân.

Đọc thêm