Cảnh báo bệnh lao phổi lứa tuổi học sinh, sinh viên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khoa Lao – Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương đang điều trị cho 6 bệnh nhân lao phổi trong lứa tuổi học sinh, sinh viên... Hầu hết đều không rõ nguồn lây, không rõ triệu chứng.
Bác sĩ Thủy thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Ngọc Nga
Bác sĩ Thủy thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Ngọc Nga

Mắc lao phổi không rõ nguồn lây, không rõ triệu chứng

Điển hình là bệnh nhân T.L (20 tuổi, sinh viên HVCS&PT). T.L có biểu hiện ho kéo dài từ khoảng đầu tháng 2/2023.

Bệnh nhân có uống thuốc 1 thời gian và hết ho, nhưng khi ngưng sử dụng thuốc thì ho trở lại. Khoảng hơn 3 tháng sau đó, bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phát hiện bệnh liên quan đến phổi nên được chuyển đến Bệnh viện Phổi Trung ương điều trị.

Bệnh nhân L. tâm sự: “Khoảng từ tháng 2 đầu năm nay tôi bắt đầu có biểu hiện ho, cũng chỉ nghĩ đơn thuần là ho thì uống thuốc điều trị. Sau đó đi khám, tôi phát hiện bị lao phổi. Tôi cũng không biết rõ tôi lây nguồn bệnh từ đâu”.

Tại bệnh viện, sau khi được làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc lao phổi, triệu chứng hô hấp không nhiều, tổn thương 1 chút trên đỉnh phổi phải. Trong thời gian bệnh nhân L. điều trị có gặp tác dụng phụ của thuốc lao trên gan khiến men gan tăng nhẹ. Tuy nhiên, sau 1 thời gian điều trị thuốc trợ gan, bệnh nhân tiến triển tốt, men gan về gần mức bình thường và bắt đầu dùng lại thuốc lao.

Bác sĩ Lê Thị Lệ Sim (Khoa Lao – Hô hấp) người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết: “Bệnh nhân may mắn có tiên lượng tốt do tổn thương phổi ít, chức năng gan đã về gần mức bình thường. Phác đồ điều trị 6 tháng có thể khỏi đến 90%, tuy nhiên sẽ để lại một số di chứng như tổn thương phổi không thể hết hoàn toàn, vẫn để lại những dải xơ phổi”.

Cũng được chẩn đoán lao phổi nhưng bệnh nhân N.A (21 tuổi, sinh viên Trường ĐHYDHP) lại có những triệu chứng khác hoàn toàn. Bệnh nhân A không ho mà chỉ có biểu hiện chán ăn, mệt mỏi, cân nặng thay đổi thất thường.

Vài tháng sau đó, bệnh nhân đi cấp cứu vì đau bụng thì được chẩn đoán viêm bể thận, điều trị được khoảng 8 ngày lại phát hiện tràn dịch màng phổi nên được chuyển đến Bệnh viện Phổi Trung ương. Bác sĩ tiên lượng bệnh nhân sau mắc và điều trị có di chứng dày dính màng phổi, lao màng phổi.

Bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn

Theo BSCKII Nguyễn Thu Thủy (Khoa Lao – Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương), nguyên nhân gây ra bệnh lao là vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis, đây là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp. Những người bình thường khi hít phải vi khuẩn lao từ người bệnh sẽ có tình trạng nhiễm lao, tuy nhiên không phải ai nhiễm lao cũng phát triển thành bệnh lao. Vi khuẩn lao khi ở trong cơ thể sẽ không sinh trưởng được vì hệ miễn dịch đã bảo vệ cơ thể. Thực tế có những người nhiễm lao suốt đời nhưng không thành bệnh lao.

Tất cả mọi độ tuổi đều có nguy cơ mắc lao. Theo thống kê, tỷ lệ mắc lao cao nhất là trong độ tuổi lao động (từ khoảng 41-50 tuổi) chiếm gần 40%, với những người từ 21-30 và 31-40 tuổi chiếm khoảng 16% ở mỗi độ tuổi.

Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh nhân lao có cả những bệnh nhi vài tháng tuổi đến những người cao tuổi nhất từ 90 – 95 tuổi.

Bác sĩ chụp Xquang sàng lọc phát hiện bệnh nhân mắc lao phổi. Ảnh: Ngọc Nga

Bác sĩ chụp Xquang sàng lọc phát hiện bệnh nhân mắc lao phổi. Ảnh: Ngọc Nga

“Có 2 yếu tố nguy cơ khiến nhiễm lao thành bệnh lao đó là số lượng vi khuẩn và sức đề kháng của mỗi người. Khi số lượng vi khuẩn nhiều, hệ miễn dịch của cơ thể người không thể chống đỡ được thì sẽ từ nhiễm thành bệnh. Do đó những người có nguy cơ cao mắc lao do hệ miễn dịch kém bao gồm: người suy dinh dưỡng, người hút thuốc nhiều, mắc bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV, trẻ em.... Nếu trong gia đình có nguồn lây lao phổi dương tính thì đây cũng là một trong những yếu tố chuyển hóa lao cho trẻ em”, bác sĩ Thủy nói.

Tùy thuộc vào sức khỏe và để kháng của từng người mà bệnh lao ở phổi có thời gian ủ bệnh dài ngắn khác nhau. Trong giai đoạn ủ bệnh, bệnh nhân lao không có hoặc có ít biểu hiện các triệu chứng bệnh, do đó rất khó phát hiện được bệnh nhân mắc bệnh trong giai đoạn này.

Với những trường hợp đã biểu hiện bệnh, có triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất là ho kéo dài trên 2 tuần, sốt về chiều, gầy sút cân, đổ mồ hôi, về lâu dài có thêm các triệu chứng đau ngực, ho ra máu... Tuy nhiên, bệnh lao sẽ bao gồm nhiều triệu chứng kết hợp với nhau chứ không có triệu chứng nào đặc hiệu.

Hiện nay, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Bệnh nhân tử vong chủ yếu là do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao và giảm gánh nặng tác hại của bệnh lao gây ra cho gia đình và xã hội.

Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, đại dịch COVID-19 đã có tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán và điều trị lao trong những năm vừa qua. Toàn bộ những tiến độ đã đạt được tính đến năm 2019 đã bị chậm lại, đình trệ. Mục tiêu thanh toán bệnh lao toàn cầu đã bị chệch hướng, lùi lại tới năm 2035 thay vì năm 2030 như trước.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng, số lượng và tỷ lệ tử vong do lao trong hai năm 2020-2021 tăng trở lại so với giai đoạn trước đây

Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo.

Đọc thêm