Bất ngờ khi người Trung Quốc "cho tiền cũng không thèm đẻ thêm"

(PLO) - Thời gian gần đây, Trung Quốc bắt đầu quay trở lại với chính sách khuyến khích đẻ con sau hàng thập kỷ hạn chế phát triển dân số.
Trung Quốc từng thực hiện chính sách “một con” trong nhiều thập kỷ liền.
Trung Quốc từng thực hiện chính sách “một con” trong nhiều thập kỷ liền.

Trong một bài viết được đăng tải trên tờ báo khá nổi tiếng của Trung Quốc, giật tít: “Sinh con là vấn đề của mỗi gia đình, mỗi quốc gia”, với nội dung khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con và kêu gọi chính phủ có hành động tạo điều kiện với những người trẻ tuổi bắt đầu lập gia đình. Đồng thời bài báo cũng lên tiếng cảnh báo “tỷ lệ sinh thấp tác động rất lớn tới nền kinh tế và cấu trúc xã hội Trung Quốc hiện nay”.

Bài viết thu hút được sự quan tâm của hàng triệu lượt bình luận trên các trang mạng xã hội. Không chỉ vậy, bài báo được đăng tải đúng lúc Bắc Kinh tung ra một mẫu tem quốc gia mới, dành cho năm Hợi sắp tới, khắc họa hình ảnh bố mẹ lợn và 3 con.  

Một số vùng tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới 

Bắc Kinh đã thực thi chính sách “một con” vô cùng nghiêm ngặt cho tới mãi năm 2016 mới chấm dứt, khi nhà chức trách nới lỏng một phần các quy định để cho phép các cặp vợ chồng đẻ hai con. Nhưng dường như trong suốt 3 năm qua, tỷ lệ sinh đẻ ở đất nước này không cải thiện lên được bao nhiêu. Nhiều gia đình tỏ ra chậm hoặc không hào hứng đón nhận sự thay đổi.

Năm 2017, tỷ lệ sinh của Trung Quốc là 1,6 con/phụ nữ, thấp hơn mức dự tính 2,1 con/phụ nữ để duy trì ổn định dân số. Điển hình như ở Liêu Ninh, một tỉnh vùng Đông Bắc Trung Quốc, số tử mỗi năm cao hơn số sinh. Tỉnh này và các vùng lân cận đang giữ kỷ lục có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, chỉ 0,55 trẻ/phụ nữ.

Trước đó, chính sách “một con” đã gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng, trong đó nhiều phụ nữ buộc phải nạo phá thai, chịu phạt nặng thậm chí bị kết án tù nếu cố tình sinh con thứ hai. Việc có ít trẻ em trong thời gian dài đã gây ra các vấn đề dân số và tình trạng này ngày càng trầm trọng. Lực lượng lao động ở Trung Quốc ngày càng thu hẹp, trong khi nhiều người trẻ phải nuôi dưỡng cha mẹ và ông bà nội - ngoại, bởi ở Trung Quốc hiện hệ thống an sinh xã hội dành cho người già vẫn còn nhiều thiếu thốn. 

Trước tình hình hiện nay, nếu chính phủ chỉ đơn thuần thay đổi chính sách mà không có các biện pháp hỗ trợ, thì sẽ không có hiệu quả, vì ở những vùng đô thị của Trung Quốc áp lực kinh tế “cơm, áo, gạo, tiền” khốc liệt. Đặc biệt ở các thành phố, chi phí sinh và nuôi con ngày càng cao nên nhiều người trẻ không muốn có con. Những người trẻ trong độ tuổi sinh đẻ không còn muốn sinh con thứ 2 còn bởi chính sách cũ đã ăn sâu vào thói quen và đời sống của người dân cộng. 

Theo chính sách mới, Trung Quốc khuyến khích người dân sinh con thứ hai
Theo chính sách mới, Trung Quốc khuyến khích người dân sinh con thứ hai

Con trai của Han Jing bắt đầu học thêm khi mới 5 tuổi. Cậu bé học thêm tiếng Anh, toán và vẽ để không tụt hậu so với bạn bè ở trường mẫu giáo. “Tôi không muốn thằng bé xấu hổ hay tự ti trong ngày đầu lên tiểu học”, cô Han nói, lo lắng con trai sẽ kém cỏi so với các bạn đã biết nói tiếng Anh, nhận biết hàng nghìn ký tự tiếng Hán, thậm chí đã biết chơi dương cầm.

Ba năm sau, áp lực của Han Jing còn lớn hơn. Vợ chồng cô có thể tốn tới hàng ngàn USD một năm cho con đi học thêm. Căn hộ của họ ở Bắc Kinh quá nhỏ, không đủ chỗ ở nếu sinh con thứ hai, còn muốn chuyển tới căn hộ lớn hơn thì họ không đủ tiền. 

Tuy nhiên, tiền không chỉ là vấn đề duy nhất ngăn họ sinh con thứ hai. Vợ chồng họ cảm thấy kiệt sức vì đang phải dành tất cả thời gian và sức lực cho con trai. “Chúng tôi rất buồn khi thấy con phải chịu nhiều áp lực, vì thế tôi không muốn một đứa con thứ hai cũng phải chịu cảnh này. Thằng bé mệt mỏi, chúng tôi cũng mệt mỏi. Bất luận là chúng tôi hay con, tôi đều cho rằng không ai có thể chịu đựng thêm nữa”, Han nói.

Hay trường hợp của anh Xi Wei, bố của một bé trai 9 tuổi, nói rằng anh và vợ sẽ không sinh thêm con. Ngoài giờ học ở trường, con trai của họ phải học thêm giờ ngoại khóa và cả ngày thứ Bảy. Cả bố mẹ và con trai đều cảm thấy kiệt sức vì áp lực xã hội buộc cậu bé “không được phép tụt hậu”.

Bản thân Xi và vợ đều là con một nên hai người cảm thấy chẳng có vấn đề gì nếu con trai cũng giống họ. “Sau ngần ấy năm, tất cả mọi người đều đã quen với việc chỉ có một con”, anh Xi cho biết. 

Cho thêm tiền cũng không màng

Chương trình kế hoạch hóa gia đình tại Trung Quốc đã nhiều lần thay đổi. Năm 1979 chính quyền yêu cầu chỉ sinh một con, và năm 2016 nới lỏng quy định này. Với chính sách mới, chính quyền kỳ vọng sẽ có thêm hàng triệu trẻ sơ sinh từ nay đến năm 2020.

Trong thời gian qua, giới chức nhiều tỉnh đã thực thi nhiều biện pháp với kỳ vọng tỷ suất sinh sẽ được nâng lên, hay chí ít Trung Quốc sẽ lại có một cơn bùng nổ sinh đẻ mới. Họ bắt đầu thực hiện mong muốn ấy bằng cách tung ra các khoản tiền mặt, trợ cấp đám cưới và tặng những kỳ nghỉ phép dưỡng thai dài ngày để khuyến khích phụ nữ sinh con nhiều hơn. Chính quyền cũng đang tập trung phúc lợi cho các cô gái thị dân, trẻ, khỏe, có học vấn, các phẩm chất được họ tóm tắt bằng mỹ từ “chất lượng cao”.

Mẫu tem quốc gia cho năm Hợi sắp tới khắc họa hình bố mẹ lợn và 3 con
Mẫu tem quốc gia cho năm Hợi sắp tới khắc họa hình bố mẹ lợn và 3 con 

Tỉnh Sơn Tây đã đưa ra hàng loạt những biện pháp khuyến khích như: trợ cấp cho những cặp kết hôn lần đầu, bao gồm chi phí trong mai mối tìm hiểu, tiền chụp ảnh cưới, tổ chức lễ cưới, du lịch trăng mật, thậm chí “bao” cả 5% tiền váy cưới cho cô dâu. 14 triệu USD đã được giới chức tỉnh này dành cho những trợ cấp như thế trong năm nay, tất cả cũng với mục tiêu khuyến khích tăng dân số.

Trong khi đó ở tỉnh Giang Tô, quy định phụ nữ được hưởng quyền nghỉ dưỡng thai bắt đầu có hiệu lực trong chương trình kế hoạch dân số quốc gia. Chỉ cần có đề nghị của bác sĩ yêu cầu thai phụ cần nghỉ dưỡng để tránh nguy cơ sảy thai, là các chị em sẽ được quyền nghỉ làm hưởng phép trong 3 tháng đầu mà vẫn được nhận tối thiểu là 80% lương, ít nhất cũng phải 250 USD/tháng. 

Còn tại tỉnh Tây Bắc, Thiểm Tây, chính quyền bãi bỏ mọi giới hạn về số con, đồng thời giới thiệu các ưu đãi tài chính để giới nữ tăng mong muốn sinh sản. Bắt chước các nước như Estonia và Úc áp dụng chính sách chi thưởng cho mỗi trẻ ra đời, thành phố Tiên Đảo cũng thưởng 1.200 nhân dân tệ (khoảng 177 USD) cho cha mẹ nào sinh con thứ hai. 

Thậm chí, chính quyền thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc còn viết thư ngỏ đề nghị cán bộ trẻ sinh con thứ hai để làm gương. Tại nhiều thôn làng, khẩu hiệu cấm sinh đẻ được thay thế bằng khẩu hiệu mới như: “Rèn luyện sức khỏe, cơ thể tráng kiện, sẵn sàng sinh con thứ hai”, “Ngủ sớm, không bài bạc, làm việc chăm chỉ để sinh con”, “Không bắt bớ, không trừng phạt, hãy sinh con thứ hai nếu muốn”… Tuy nhiên, vấn đề là không có nhiều người muốn sinh con thứ hai nữa, trong bối cảnh tư tưởng chỉ sinh một con đã ăn sâu bám rễ vào văn hóa và xã hội Trung Quốc.

Mọi nỗ lực xem ra tác động chưa đủ mạnh. Bởi mặc dù được nghỉ dưỡng thai trong thời gian dài nhưng nhiều phụ nữ không dám nghỉ vì sợ mai này đi làm lại sẽ bị phân biệt đối xử. Hơn nữa, nếu nghỉ quá nhiều, giới chủ ngần ngại thuê phụ nữ, mà chỉ thích tuyển nam giới. Chính vì thế mà chính sách khuyến sinh của Trung Quốc chưa thể nói là “xuôi chèo mát mái”.

Mới đây, khi giới chức thành phố Yichang ở tỉnh Hồ Bắc đăng thư kêu gọi “thực hiện đầy đủ chính sách hai con”, một làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội đã nổ ra. “Chúng tôi là người, không phải lợn, không phải bảo cấm là cấm, bảo đẻ là đẻ”, một người phản đối.

Đọc thêm