Tưởng “mẹ mìn” là tác giả của vụ buôn bán trẻ em đang xôn xao Hà Nội phải là người phụ nữ ghê gớm, thế nên khi đến nơi đối tượng Trần Thị Tám (SN 1968, ngụ tổ 1, phường Thạch Cầu, quận Long Biên, Hà Nội) sinh sống thì người ta mới giật mình. Không thể hiểu được vì sao Tám vốn là một người vợ ngoan hiền, “không dám cãi chồng nửa câu” mà lại phạm vào cái tội buôn người?.
|
Nhân viên Bệnh viện phụ sản TW đã phát hiện ra vụ mua bán trẻ em |
Quá khứ hiền ngoan
Trần Thị Tám xuất thân trong một gia đình làm nông nghiệp, vốn là người khỏe mạnh với nước da bánh mật, dù không phải là cô gái xinh đẹp nhưng lại là người chịu khó hay làm nhất nhà. Thế nên hồi còn thanh niên Tám đã được rất nhiều bậc phụ huynh có con đến tuổi cập kê và những chàng trai có tính thực tế “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” theo đuổi.
Trong số đó có anh trai làng Thạch Cầu năng đi lại và quyết tâm theo đuổi “tấm vàng đen”, cho dù gia đình anh cũng không thực sự đồng ý, bởi nghĩ con trai mình phải lấy người tương xứng, chí ít cũng phải có nghề nghiệp ổn định. Đáp lại tình cảm chân thành của người thanh niên ấy, Tám nhanh chóng đồng ý và hai bên gia đình sau khi đi lại đã đi đến thống nhất lo chuyện đại sự cho hai đứa.
Năm 1989, Tám thành vợ anh trai làng bên hiền lành, chịu khó. Khi về làm dâu Tám cũng không để chồng và gia đình chồng phải thất vọng. Cùng với sức khỏe và bản tính hay làm, Tám nhanh chóng thể hiện là người “dâu hiền, vợ thảo” làm anh em nhà chồng mát mặt. Sáng tinh mơ hai vợ chồng đã ngoài đồng bãi, đến lúc tối mịt mới về. Lúc nông nhàn hai vợ chồng còn chở nhau đi kiếm việc, làm thêm tăng thu nhập. “Nó khỏe mạnh, chẳng nề hà và ngại bất cứ việc gì”, một người cô họ tiếc nuối về đứa cháu dâu.
Hạnh phúc hơn khi vợ chồng Tám lần lượt sinh con đẻ cái có nếp, có tẻ gồm hai gái, một trai. Cuộc sống gia đình khi con nhỏ dù khó khăn nhưng hai vợ chồng cũng xoay đủ nghề để đảm bảo cuộc sống, lo cho các con như mở bán hàng tạp hóa tại nhà, bán ngô luộc, ngô nướng ở chân cầu Long Biên, chở bia, nước ngọt đi rao khắp các cửa hàng trong vùng. Anh chồng cũng thương vợ con, chịu khó làm ăn, ngoài việc phụ giúp vợ còn đi học lái xe rồi nhận chở hàng nên kinh tế gia đình cũng tương đối ổn định.
Những bất hạnh trong gia đình kéo đến kể từ sau khi vợ chồng làm ngôi nhà mới. Trước đó với suy nghĩ con cái ngày càng lớn, ngôi nhà cũ chật chội nên cũng phải làm để con cái, vợ chồng tiện cho việc sinh hoạt hàng ngày. Sau nhiều năm tích cóp, vợ chồng Tám cũng dành dụm được một khoản tiền kha khá cùng với việc vay mượn thêm anh em, bạn bè làm ngôi nhà 3 tầng khang trang. “Nếu trời cho khỏe mạnh thì hai vợ chồng tính cũng chỉ mất mấy năm là trả hết nợ”, người chồng cho biết.
Thế nhưng “người tính cũng không bằng trời tính”, anh chồng đang chạy xe làm hái ra tiền thì bị bệnh gút, đã không thể lái xe lại phải ngồi nhà, cùng với những khoản tiền khám chữa bệnh, thuốc thang không nhỏ hàng tháng. Đã nợ nần tiền xây nhà, nay lại cộng thêm tiền thuốc men, 3 đứa con cũng dần phải bỏ học đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cũng chỉ cách đây vài tháng chính Tám cũng mắc phải bệnh sỏi mật và u sơ tử cung phải phẫu thuật tốn hàng chục triệu đồng làm cho kinh tế gia đình càng thêm quẫn bách.
Hành trình thành kẻ buôn người
Từ việc kinh tế gia đình ngày càng sa sút, đã gần một năm nay Tám gần như bỏ hẳn việc buôn bán hàng tạp hóa ở nhà, mọi người cũng chẳng biết Tám xin được việc gì và làm ở đâu bên trung tâm thành phố, chỉ thấy đi làm từ buổi sáng đến tối mới về. Tuy nhiên theo một người hàng xóm thì: “Kể từ khi cô ấy đi làm, cô ấy cũng có nhiều thay đổi như tóc tai uốn ép, môi son phấn, quần là áo lượt, chứ không chân quê như trước đây”.
Qua tìm hiểu được biết thực ra Tám chẳng phải làm ở công ty, xí nghiệp nào mà là làm môi giới từ nhà đất đến giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, nhiều người trong khu phố đã mắc lừa Tám khi thị hứa xin việc cho con cháu như bảo vệ ngân hàng hay làm trong các công ty nước ngoài với mức lương hàng chục triệu đồng một tháng. Tất nhiên khoản tiền lót tay cho Tám cũng không nhỏ, nhưng những người được Tám xin việc hầu hết cũng chỉ làm được một thời gian ngắn là phải bỏ việc hoặc bị nơi làm cho nghỉ với lý do không đáp ứng được công việc hoặc sức ép quá lớn.
Có người cho rằng đây là “bài” của Tám nhằm thu lợi trên nhu cầu mong muốn tìm việc làm của mọi người, thế nhưng chẳng có chứng cứ gì nên cũng đành chịu. Có những nạn nhân tiếc tiền đến gặp Tám nhưng cũng đành quay về trước lời hứa quanh của Tám “sẽ tìm việc khác cho cháu”.
“Trước việc nợ nần đến thời kỳ phải trả và tiền thuốc thang, bệnh tật có lẽ Tám đã làm liều khi tham gia vào việc buôn bán trẻ em trái phép”, một người hàng xóm nói. Tuy nhiên, theo mọi người thì: “Chắc phải có đường dây nào đó, chứ một mình Tám thì có lẽ chẳng dám làm chuyện động trời đó”.
Mọi người cũng tỏ ra thương hại gia đình Tám khi chồng bệnh tật, con cái cũng đang tuổi ăn, tuổi lớn khi thiếu vắng sự chăm sóc của người mẹ. “Rồi đây cuộc sống gia đình Tám sẽ bị đảo lộn khi hàng ngày chồng con vẫn cần bàn tay lo toan, chăm sóc của người vợ, người mẹ”, một người hàng xóm chép miệng.
Ông Hoàng Văn Thử tổ trưởng tổ dân phố nơi “mẹ mình” sinh sống cho biết: “Khi nhận được thông tin Tám bị bắt về tội buôn bán trẻ em trái phép, ai trong khu phố cũng không khỏi giật mình. Bởi hàng ngày Tám vẫn là người vợ biết nghe lời chồng và là người mẹ biết chăm lo cho các con. Có thể trong thời gian vừa qua do kinh tế gia đình quá quẫn bách, hai vợ chồng đều bệnh tật lại tiền nợ nần làm nhà chưa trả được nên Tám nghĩ quẩn làm liều.
Tuy nhiên, cho dù bất kỳ lý do gì đi nữa cũng không thể biện hộ cho hành động vi phạm pháp luật của Tám, đặc biệt là tham gia vào việc mua bán trẻ trái phép em. Đây cũng là bài học cho những gia đình đang rơi vào cảnh kinh tế khó khăn. Các thành viên trong gia đình cần có sự sẻ chia, quan tâm lẫn nhau, không nên vì đồng tiền mà bất chấp tất cả”
Ngày 16/4, nhận được tin tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương có một phụ nữ đến xin cấp lại giấy chứng sinh cho một đứa trẻ mới sinh, thấy nghi ngờ nên công an đã vào cuộc. Tại cơ quan công an, danh tính người phụ nữ được làm rõ là Phạm Thị Huệ (SN 1975, ngụ tổ 6, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai). Năm 2011, vì nhiều lần bị hỏng thai nên Huệ thường đến các phòng khám và bệnh viện để tìm con nuôi. Ngày 18/2, Huệ được một người lái xe ôm ngay tại cổng bệnh viện giới thiệu có trường hợp muốn cho con nuôi. Người đàn ông này đã đưa Huệ đến gặp Trần Thị Tám, trả số tiền là 50 triệu đồng là tiền chi phí cho việc sinh nở, chăm sóc mẹ và em bé sơ sinh và hai ngày sau nhận một đứa trẻ. Công an đã bắt khẩn cấp đối tượng Trần Thị Tám trú tại tổ 1, Thạch Cầu, quận Long Biên về tội mua bán trái phép trẻ em để điều tra làm rõ. Tại cơ quan điều tra, Tám đã khai nhận toàn bộ sự việc. Vào đầu tháng 2/2012, Tám có quen biết một cô gái 26 tuổi quê ở Hưng Yên đang có thai chuẩn bị đẻ. Cô gái này nói với Tám không có khả năng nuôi con, nhờ Tám tìm người nhận nuôi con nuôi. Sau đó, cô gái sinh tại bệnh viện đa khoa Đức Giang và trao đứa trẻ cho Tám nhờ tìm người nhận nuôi hộ, Tám đã bán đứa trẻ cho Huệ. |
Doãn Kiên