Cuộc chiến “mua rẻ, bán rẻ”?
Theo thống kê, Việt Nam hiện có gần 1.000 siêu thị, trung tâm thương mại nhưng những tên tuổi lớn và thuộc dạng có tiềm lực tài chính chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó có cả doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Saigon Co.op (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) với đủ các mô hình từ đại siêu thị đến cửa hàng tiện lợi đang dẫn đầu doanh thu của thị trường bán lẻ Việt Nam với hơn 30.000 tỷ đồng.
Đây là một thông tin vô cùng bất ngờ bởi tiềm lực tài chính của ông chủ người Thái đứng sau hệ thống siêu thị Big C thuộc hàng đầu thế giới và giá cả ở Big C được xem như “cạnh tranh nhất” nhưng doanh thu của Big C chỉ đứng thứ 2 (và cách khá xa so với vị trí thứ nhất khi chỉ đạt mức cao nhất khoảng hơn 10.000 tỷ đồng).
Nhưng thông tin bất ngờ này lại được lý giải rất đơn giản. Bà Vũ Thị Hậu, Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng, trong số những yếu tố quyết định sự thành bại của một nhà đầu tư trong thị trường bán lẻ Việt Nam thì yếu tố “thấu hiểu thị trường” được đặt ngang bằng với các yếu tố về tiềm lực tài chính và kinh nghiệm quản lý.
Bà Hậu khẳng định, thị trường bán lẻ ngày càng cạnh tranh khốc liệt, các nhà bán lẻ mà không có đủ tiềm lực (bao gồm tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản lý và thấu hiểu được thị trường) sẽ dần rút khỏi thị trường. Auchan mắc phải một trong số những yếu tố nêu trên. Do đó, khi kinh doanh không hiệu quả thì việc phải rút là đương nhiên, vấn đề là thời gian bao lâu, tùy thuộc vào sức chịu đựng của từng đơn vị.
Trong thông báo rút khỏi Việt Nam, Auchan cho biết, do Auchan làm ăn thua lỗ và Tập đoàn mẹ ở Pháp cũng không còn đủ khả năng cáng đáng nên buộc phải rút khỏi Việt Nam mà chưa thể đàm phán nhượng lại cho bất kỳ đơn vị nào.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái (một đơn vị chuyên phân phối bán lẻ hàng tiêu dùng) đã từng khẳng định, kinh doanh siêu thị ở Việt Nam là một cuộc chiến, đòi hỏi phải có chiến lược dài hơi và tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Ông đã từng tiết lộ, hầu hết các siêu thị đang kinh doanh đều thua lỗ do hệ thống không đủ lớn để bước vào cuộc chiến.
Theo ông Đoàn, kinh doanh siêu thị là cuộc chiến “mua rẻ, bán rẻ”, do vậy, ông chủ nào có hệ thống phân phối lớn sẽ là người thắng cuộc. Bởi lẽ, mua 1.000 sản phẩm một lúc phân phối cho 1.000 cửa hàng, siêu thị sẽ có giá khác hẳn việc mua chỉ mua từ 200-500 sản phẩm. Riêng cuộc chiến về giá này đã mang đến lợi thế cho các đơn vị có chiến lược dài hơi trong xây dựng hệ thống phân phối.
Bà Vũ Thị Hậu, trong cuộc trò chuyện với PLVN cũng khẳng định, giá cả đầu vào cũng là một yếu tố quyết định đến sự thắng thua trong cuộc chiến kinh doanh siêu thị bởi nếu không mua được sản phẩm với giá cạnh tranh nhất thì ngay lập tức sẽ bị thua trong cuộc chiến này.
Thị trường bán lẻ khốc liệt
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam khẳng định, hiện giờ thị trường bán lẻ Việt Nam đang ở giai đoạn thực sự khốc liệt với sự góp mặt của các ông chủ thực sự tiềm lực, những ông chủ đã có kinh nghiệm quản lý tối ưu, những ông chủ nắm trong tay các nhà cung cấp uy tín và đình đám nhất. Chỉ sơ sẩy một chút thôi thì có thể… ngã ngay lập tức, đặc biệt ở thị trường miền Bắc.
“Khách hàng miền Bắc thực sự khó tính và để chiều được họ không dễ dàng gì và không theo được thị hiếu này thì việc bị loại khỏi cuộc chơi chỉ là vấn đề một sớm một chiều” - bà Hậu cho hay. Đây có lẽ chính yếu tố quan trọng khiến cho một doanh nghiệp nước ngoài, trước khi chính thức đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam đã “chia quân nằm vùng” ở Việt Nam trong khoảng 1 năm để tìm hiểu thị hiếu mua sắm của người dân.
Ngoài ra, theo bà Hậu, còn một lý do nữa khiến cho những “ông lớn” nước ngoài “ngã ngựa” ở thị trường Việt Nam là có thể các ông chủ lớn nước ngoài chỉ có kinh nghiệm trong xây dựng các mô hình đại siêu thị, các trung tâm thương mại mà chưa có kinh nghiệm kinh doanh ở các thị trường ngách, trong khi thói quen mua sắm của người Việt lại rất đa dạng.
Trong đó có những phân khúc khách hàng chỉ thích đến những nơi sầm uất để mua sắm và có thể đi mua một lần nhưng lại dùng cho… cả tháng. Trong đó cũng có cả những khách hàng bận rộn với các công việc hàng ngày nên chỉ tranh thủ 5-10 phút mua sắm nên các cửa hàng tiện ích chính là đích đến của họ. Do đó, các cửa hàng tiện ích vẫn sẽ có đất sống vì phục vụ được phân khúc khách hàng riêng cộng thêm việc sắp tới chợ cóc, chợ tạm sẽ bị thu hẹp dần.
Tuy nhiên, bà Hậu cũng cho biết, thị trường ngách này chỉ dành cho các ông chủ lớn bởi đòi hỏi sự chịu đựng việc thua lỗ… dài hơi. Thậm chí các ông chủ lớn này còn chấp nhận thua lỗ khoảng… 10 năm để đón đầu cơ hội với chiến lược dài hơi và tầm nhìn xa…