Ít nhất bốn vụ quấy rối riêng biệt đã được báo cáo kể từ đầu tháng Sáu, một nhà ngoại giao nói với The Wall Street Journal, trong khi một nhà ngoại giao khác nói rằng đã có 5-7 vụ. Vụ việc gần đây nhất đã được báo cáo trong vài tuần qua. Một nhà ngoại giao nói với tờ báo này: “Những gì tôi hiểu là đã có sự đụng chạm ở những nơi khác nhau, những nơi nhạy cảm".
Một báo cáo được Mỹ lưu hành giữa các thành viên IAEA trước cuộc họp hội đồng của các quốc gia thành viên của cơ quan này trong tuần đã yêu cầu chấm dứt những hành vi quấy rối các thanh tra của IAEA vì chúng "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Đồng thời yêu cầu IAEA "có hành động thích hợp nếu các sự cố tiếp theo được báo cáo".
IAEA xác nhận với The Wall Street Journal rằng các sự cố đã xảy ra tại cơ sở này, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của IAEA cho biết, IAEA đã nêu vấn đề này với Iran và yêu cầu "những sự cố liên quan đến an ninh cho nhân viên của IAEA là không thể chấp nhận được và không được xảy ra lần nữa".
"Iran đã đưa ra lời giải thích rằng sự cố là do các thủ tục an ninh được tăng cường sau các sự kiện tại một trong những cơ sở của họ. Sau cuộc trao đổi giữa IAEA và Iran thì không có thêm sự cố nào", phát ngôn viên của IAEA thông tin.
Đây không phải là lần đầu tiên Iran phải đối mặt với cáo buộc quấy rối các thanh tra của IAEA. Vào năm 2019, một nữ thanh tra đã bị bắt giữ tại sân bay và Tehran đã lấy đi giấy thông hành. Vào thời điểm đó, Iran tuyên bố rằng tình nghi cô mang theo chất nổ, nhưng sau đó đã thả cô ra.
Theo The Wall Street Journal, có nhiều cáo buộc quấy rối trước khi các cuộc đàm phán hạt nhân bắt đầu vào năm 2013 để ký thỏa thuận hạt nhân JCPOA (năm 2015).