Bất thường vụ 3 cây sưa “đột tử”, bị đốn hạ trong đêm

Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận thông tin từ bạn đọc: Tối 16/12, tại Trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ Thông tin miền núi (địa chỉ: 238/1 đường Bắc Kạn, TP.Thái Nguyên), sẽ có 3 cây sưa bị lén lút đốn hạ...

Chiều 16/12/2011, Đường dây nóng 0982559911 Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận thông tin từ bạn đọc: Tối cùng ngày, tại Trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ Thông tin miền núi (địa chỉ: 238/1 đường Bắc Kạn, TP.Thái Nguyên), sẽ có 3 cây sưa bị lén lút đốn hạ.

3 cây sưa bị “làm thịt” trong đêm

21h ngày 16/12, chúng tôi có mặt tại cổng ngôi trường nêu trên. Trong khuôn viên nhà trường, dưới ánh đèn điện, có một nhóm 6-7 người đang cùng nhau dùng cưa tay cưa các cây sưa.

Vụ cưa cây sưa cứ âm thầm diễn ra. Đến khoảng 23h, cả 3 cây sưa đã bị nhóm người này đốn hạ, cưa ra thành các khúc, cành và đào cả gốc, rễ.

Trong 3 cây sưa đó, cây to nhất cao chừng 6m, đường kính gốc chừng 35cm, đường kính ngọn 23cm. Hai cây còn lại cao gần 4m, đường kính gốc chừng 20cm.

Ngay sau đó, có một nhóm người mặc đồng phục kiểm lâm xuất hiện tại nơi đốn hạ cây sưa. Và cũng chỉ trong chốc lát, các bộ phận của 3 cây sưa bị đốn hạ lập tức được đưa đi khỏi hiện trường.
 

Nơi các cây sưa bị đốn hạ.
Nơi các cây sưa bị đốn hạ.

Đốn hạ cây vẫn còn sống?

Sau khi quan sát quá trình trên, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Hoài Nam - Đội trưởng Đội Kiểm lâm Cơ động (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên).

Ông Nam xác nhận: Nhóm người mặc đồng phục kiểm lâm vào Trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ Thông tin miền núi (gọi tắt là Trường BCVT) đích thị là lực lượng Kiểm lâm, có mặt ở đó theo sự chỉ đạo của ông Nam.

Ông Nam cũng xác nhận rằng các cây gỗ bị đốn hạ trong khuôn viên Trường BCVT là cây gỗ sưa, được trồng từ nguồn vốn của nhà trường.

Liên quan đến câu chuyện này, chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Xuân Hải - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên.

Ông Hải cho biết: Trước đó, ngành Kiểm lâm Thái Nguyên có nhận được đơn của Trường BCVT xin xác nhận 3 cây sưa trồng trong khuôn viên trường này đã chết. Sau đó, ngành Kiểm lâm Thái Nguyên đã cấp giấy chứng nhận theo đúng yêu cầu của Trường BCVT. “Tuy nhiên, chúng tôi chưa hề cấp giấy vận chuyển đối với 3 cây sưa này” - ông Hải cho hay.

“Cây sưa là loại cây đặc biệt quý hiếm nên theo quy định thì chỉ được chặt, khai thác, vận chuyển những cây này khi chúng đã chết. Trong trường hợp cây còn sống thì không ai được phép chặt, khai thác và vận chuyển. Trường hợp cây sưa đã chết, nếu muốn chặt hạ, khai thác, vận chuyển vẫn phải xin phép chính quyền địa phương và kiểm lâm trên địa bàn” - ông Hải nói thêm.

Trong khi đó, theo quan sát của phóng viên, trong 3 cây sưa bị đốn hạ, chỉ có cây to nhất là có dấu hiệu héo hẳn, hai cây còn lại vỏ vẫn còn tươi, có nhiều lá còn xanh. Thông tin này được một cán bộ kiểm lâm trong đoàn kiểm tra xác nhận.

3 cây gỗ, 460 triệu đồng

Về phía Trường BCVT, trao đổi với PLVN, một đại diện Ban Giám hiệu nhà trường cho biết: “Sau khi mời lực lượng Kiểm lâm xác nhận 3 cây gỗ sưa đã chết, chúng tôi đã tiến hành lập một Hội đồng đấu giá và tổ chức bán hồ sơ đấu thầu. Đến hồi 14h ngày 16/12, chúng tôi đã tiến hành đấu giá theo đúng những thủ tục và quy định của pháp luật. 3 cây gỗ sưa được bán với giá 460 triệu đồng”.

Có gì bất thường trong việc cả 3 cây sưa đột nhiên cùng lúc “lăn đùng ra chết”?. Phiên đấu giá 3 cây sưa có diễn ra đúng theo trình tự pháp luật như lời phía Trường BCVT nói?. Các cây sưa đã được bán theo đúng giá thị trường hay chưa?. Tiền đổ vào túi ai, dùng vào việc gì?...

Mời bạn đọc theo dõi Báo PLVN số sau.

Bùi Thọ Phước
 

Đọc thêm