Theo AFP, trên khắp 17.000 hòn đảo lớn nhỏ của Indonesia, ngày 17/4, khoảng 190 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu bầu đồng thời các chức danh tổng thống, phó tổng thống và các đại biểu của các cơ quan lập pháp từ trung ương tới địa phương. Cuộc bầu cử lần này tại Indonesia chứng kiến con số kỷ lục 245.000 ứng cử viên tham gia chạy đua giành các vị trí trong bộ máy công quyền. Đây là lần đầu tiên tất cả các vị trí này được tiến hành bỏ phiếu bầu trong cùng một ngày.
Vào lúc 7h00 sáng 17/4 (giờ địa phương, 22h00 GMT ngày 16/4), các cử tri đã bắt đầu làm thủ tục bỏ phiếu. Cuộc bỏ phiếu kết thúc vào lúc 13h00 chiều cùng ngày (06h00 GMT) tại đảo Sumatra. Khoảng 800.000 điểm bỏ phiếu đã được lập ra trên khắp cả nước để người dân Indonesia đi thực hiện quyền công dân của họ. Khoảng 2 triệu thành viên lực lượng bảo vệ dân sự và quân sự được triển khai để đảm bảo việc bỏ phiếu diễn ra suôn sẻ.
Theo các kết quả thăm dò nhanh sau bầu cử, đương kim Tổng thống Indonesia Widodo nắm giữ vị trí dẫn đầu ở cuộc đua để có thể tái đắc cử. Trong đó, theo thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – một trong số hơn 40 nhóm được hội đồng bầu cử Indonesia cho phép tiến hành kiểm đếm nhanh không chính thức sau bầu cử, Tổng thống đương nhiệm đã giành được 56,7% phiếu bầu, nhiều hơn so với tỉ lệ hơn 43,3% đối thủ của ông là cựu tướng quân đội Bohowo.
Các đơn vị thăm dò khác, bao gồm các Trung tâm nghiên cứu Saiful Mujani, Indo Barometer và Indikator Politik Indonesia cũng cho thấy ông Widodo giữ vị trí dẫn đầu. Theo thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Saiful Mujani, ông Widodo đã nhận được 54,92% phiếu bầu so với 45,08% của đối thủ. Còn theo Indo Barometer, số phiếu bầu của đương kim Tổng thống Indonesia là 53,55% còn đối thủ của ông nhận được 46,45% phiếu. Tỉ lệ phiếu bầu dành cho 2 ứng viên theo thăm dò của Indikator Politik Indonesia lần lượt là 54,38% và 45,62% theo hướng nghiêng về Tổng thống đương nhiệm.
Cuộc bầu cử tại Indonesia diễn ra sau một chiến dịch vận động tranh cử bị chi phối bởi các vấn đề kinh tế nhưng cũng như ảnh hưởng ngày càng tăng của chủ nghĩa Hồi giáo bảo thủ. Ông Widodo - một doanh nhân chuyển sang tham gia chính trị cách đây 14 năm với tư cách là một thị trưởng thành phố nhỏ - đã đánh bại đối thủ Prabowo bằng tỉ lệ chênh lệch vô cùng sít sao tại cuộc bầu cử gần đây nhất diễn ra vào năm 2014. Ông Subianto, 67 tuổi, thời gian qua tích cực kêu gọi sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa Hồi giáo cứng rắn và hứa sẽ tăng cường chi tiêu quân sự, quốc phòng. Ông này cũng tuyên bố sẽ áp dụng chính sách “Indonesia trên hết” theo chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Indonesia Widodo tại một cuộc họp báo nói rằng ông sẽ đợi cho đến khi có kết quả chính thức. “Chúng tôi đã nhận được thông tin về các cuộc thăm dò nhưng chúng tôi sẽ kiên nhẫn và chờ đợi số liệu chính thức của Ủy ban bầu cử”, ông Widodo nói và kêu gọi người dân đoàn kết sau bầu cử. Kết quả chính thức của cuộc bầu cử sẽ được công bố trong tháng 5 tới. Sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, nếu có tranh cãi về kết quả, Tòa án Hiến pháp Indonesia bao gồm 9 thẩm phán sẽ có 14 ngày để ra phán quyết cuối cùng về tranh cãi đó.