Chỉ mới cách đây vài tháng, người dân Pháp vẫn còn nghĩ rằng bầu cử tổng thống năm 2017 sẽ là cuộc đối đầu giống như năm 2012, tức là giữa cựu Tổng thống cánh hữu Nicolas Sarkozy với Tổng thống Francois Hollande của đảng Xã hội (PS) cánh tả.
Tâm điểm rắc rối
Nhưng thật bất ngờ, trong cuộc bầu cử sơ bộ bên cánh hữu, cựu Thủ tướng Francois Fillon không chỉ giành chiến thắng trước ông Sarkozy, mà còn đánh bại cả Thị trưởng Bordeaux Alain Juppe, nhân vật mà các cuộc thăm dò trước đó đều dự báo sẽ giành chiến thắng; còn bên đảng Xã hội, Tổng thống Hollande cũng bất ngờ quyết định không ra tranh cử nhiệm kỳ hai. Sau đó, do nội bộ cánh tả vừa suy yếu lại vừa bị chia rẽ, khó mà vượt qua được vòng một của cuộc bầu cử nên cho tới gần đây, theo nhiều dự báo, lọt vào vòng hai và tranh cử tổng thống Pháp năm 2017 sẽ là cuộc đua song mã giữa ứng cử viên cánh hữu Fillon và đại diện của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen.
Tuy nhiên, cơ hội đắc cử của ứng viên sáng giá đại diện cho cánh hữu ra tranh cử Tổng thống Pháp Fillon đang bị đe dọa nghiêm trọng sau những tiết lộ mới đây của báo chí Pháp về việc ông Fillon đã “sử dụng sai mục đích tài chính công” khi tạo ra một vị trí việc làm giả mạo cho vợ, bà Penelope Fillon và con của mình trong nhiều năm và trả cho họ mức lương lên tới gần 1 triệu euro.
Tuần báo châm biếm Le Canard Enchaine đã cáo buộc bà Penelope Fillon được trả 830.000 euro cho vị trí trợ lý của chồng trong Quốc hội và sau đó trợ lý cho người thay ông ở Quốc hội là Marc Joulaud. Tờ báo cũng cho biết bà Penelope Fillon được trả 100.000 euro thông qua một tạp chí văn học, có chủ sở hữu là bạn của chồng bà. Theo Báo Le Canard Enchaine, vợ của ông Fillon đã nhận số tiền trên trong cương vị trợ lý nghị sĩ và cộng tác viên cho một tạp chí văn học trong khi thực tế bà không làm việc, đó là chưa kể khoản hơn 84.000 euro mà hai người con của cựu Thủ tướng Pháp cũng nhận với tư cách trợ lý nghị sĩ trong khi họ còn là sinh viên. Cho tới nay, ông Fillon vẫn bác bỏ cáo buộc của Báo Le Canard Enchaîné cho rằng vợ của ông làm việc giả, tức là lĩnh lương nhưng trên thực tế không làm gì cả và khẳng định vợ ông đã từng làm việc cho ông.
Diễn biến sự việc ngày càng trầm trọng hơn và đi theo hướng bất lợi cho ứng cử viên cánh hữu khi các nhà điều tra đã khám xét văn phòng của ông Fillon ở Hạ viện. Đây là một việc làm hiếm khi xảy ra vì từ năm 1958 đến nay, chỉ có 6 lần các nhà điều tra khám xét các văn phòng ở Quốc hội Pháp. Trong khi đó, ngành Tư pháp nước Pháp cũng đã mở cuộc điều tra về thực hư công việc của bà Penelope Fillon. Điều này khiến uy tín của cựu Thủ tướng Pháp Fillon sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận do Tuần báo Le Canard thực hiện và công bố ngày 5/1 cho thấy, 69% người dân Pháp muốn ứng cử viên sáng giá của phe cánh hữu từ bỏ cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống. Hiện ứng cử viên Fillon đã bị mất 5 điểm, chỉ còn 20% số phiếu ủng hộ, xếp sau ứng cử viên cánh hữu Marine Le Pen (27%) và ứng cử viên trung dung là cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron (23%).
Ngay trong đảng Những người cộng hòa (LR) cũng ngày càng có nhiều người yêu cầu phải sử dụng kế hoạch B, ám chỉ việc thay thế ứng cử viên Fillon ngay lập tức, bất kể kết quả điều tra chính thức của nhà chức trách Pháp sẽ kết thúc ra sao.
Khó đoán định
Ngoài những rắc rối mà ứng cử viên cánh hữu Fillon đang phải đối mặt, bên phía đảng Xã hội (PS) cũng đã có bất ngờ khi cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon, một nhân vật thiên tả, giành quyền đại diện ra tranh cử tổng thống sau khi đánh bại Thủ tướng Manuel Valls, nhân vật được xem là có triển vọng nhất. Có thể thấy, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sơ bộ vào tháng 1 vừa qua đã khoét sâu thêm sự chia rẽ trong đảng Xã hội, biểu hiện qua việc một số dân biểu đảng này từ chối ủng hộ ông Hamon, một số khác thì ngả theo phe của cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron, 39 tuổi, nhân vật đã tự ra ứng cử và nay thu hút ngày càng nhiều cử tri không chỉ bên cánh tả, mà cả bên cánh trung và cánh hữu.
Vào lúc cựu Thủ tướng Fillon gặp rắc rối với pháp luật, cơ may đối với cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron càng gia tăng. Thậm chí theo kết quả một cuộc thăm dò vừa được công bố, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng hai sẽ là “trận so găng” giữa ông Macron và ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen. Tuy nhiên, hiện bản thân bà Marine Le Pen cũng đang bị cáo buộc về việc làm giả ở Nghị viện châu Âu (EP), nơi bà là nghị sĩ. Cơ quan này đã yêu cầu lãnh đạo Mặt trận Quốc gia trả lại số tiền hơn 300.000 euro mà bà Marine Le Pen được cấp và sử dụng để trả lương cho hai trợ lý, trong khi thực tế hai người này không làm việc cho Nghị viện châu Âu mà cho đảng của bà.
Trước những diễn biến trên, các nhà phân tích cho rằng, “cánh cửa” tưởng chừng đã khép lại với cánh tả lại trở nên rộng mở và ngược lại lợi thế dường như đã nghiêng hoàn toàn về phía cánh hữu lại gặp trở ngại vào thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống Pháp chỉ còn hơn hai tháng. Chặng đua nước rút sắp tới được dự báo sẽ là một cuộc cạnh tranh vô cùng gay cấn khi các đảng dồn mọi nỗ lực nhằm vực dậy uy tín, thu hút sự ủng hộ của các cử tri ở đất nước hình lục lăng.