Bầu Kiên bác bỏ giá trị hợp đồng của VFF và AVG

 “Chúng tôi coi AVG như các đài địa phương, nếu có như cầu, AVG cần liên hệ với VTC, VTV để được phân phối quyền phát sóng...," bầu Kiên khẳng định...

 “Chúng tôi coi AVG như các đài địa phương, nếu có như cầu, AVG cần liên hệ với VTC, VTV để được phân phối quyền phát sóng...," bầu Kiên khẳng định.

Một ngày sau khi gửi công văn mời VTV làm đơn vị chủ trì phân phối quyền phát sóng các trận đấu, bầu Kiên - Phó chủ tịch HĐQT Công ty VPF tiếp tục có thêm một động thái mới nhằm khẳng định quyền sở hữu hợp pháp của VPF đối với bản quyền phát sóng các giải đấu chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Chiều nay, trong buổi trả lời phỏng vấn Đài truyền hình kĩ thuật số VTC, bầu Kiên đã nhấn mạnh một lần nữa rằng VPF “không thừa nhận tính hợp pháp của hợp đồng mà VFF kí với AVG”. Lý giải của bầu Kiên là: “Khi Liên đoàn thể thao quốc gia, trường hợp này là VFF, ký hợp đồng với Công ty AVG về bản quyền truyền hình đã chưa được các CLB bóng đá chuyên nghiệp ủy quyền hoặc chấp thuận. Do đó, chúng tôi không thừa nhận tính hợp pháp của hợp đồng mà AVG và VFF đã ký.”

Bầu Kiên và VPF quyết không chùn bước.
Bầu Kiên và VPF quyết không chùn bước.

“Chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. VPF coi AVG giống như các đài truyền hình địa phương, nếu có như cầu, liên hệ với VTC, VTV để có thể được phân phối quyền phát sóng các trận đấu...," ông Nguyễn Đức Kiên bày tỏ quan điểm cứng rắn trước vấn đề sở hữu bản quyền truyền hình 4 giải đấu hàng đầu Việt Nam.

Động thái cứng rắn này của bầu Kiên cho thấy VPF sẽ không chịu lùi bước trong cuộc chiến bản quyền với VPF và AVG.

Cũng trong chiều nay, bầu Kiên đã đại diện cho VPF gửi công văn tố VFF làm trái quy định pháp luật Việt Nam.

Trước đó, vào tối qua, AVG đã gửi thông cáo báo chí để tố bầu Kiên và VPF vi phạm pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế về bản quyền, đồng thời khẳng định sẽ chuẩn bị hồ sơ để gửi đến cơ quan chức năng. Trưa nay, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng đã gửi công văn đến VPF để khẳng định quyền sở hữu bản quyền các giải đấu và yêu cầu VPF kế thừa, thực hiện những hợp đồng VFF đã ký trước đó, trong đó có bản hợp đồng bán bản quyền trong thời gian 20 năm với AVG.

Cả ba bên cùng căng và có cái lý của mình, không ai nhường ai nên rất có thể sẽ phải kéo nhau ra tòa để phán xử. Những diễn biến nóng hổi vẫn còn ở phía trước.

Theo GDVN

Đọc thêm