Bầu Kiên: "Lời nói của chúng tôi bằng hàng ngàn chữ ký”.

(PLO) - Ngày 24/5, phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi. Trả lời luật sư, bầu Kiên một lần nữa khẳng định: “Tôi với anh Long là bạn bè, chúng tôi là 2 Chủ tịch của 2 tập đoàn rất lớn. Uy tín của chúng tôi không nằm ở 264 tỉ đồng. Lời nói của chúng tôi bằng hàng ngàn chữ ký”.
Bầu Kiên: "Lời nói của chúng tôi bằng hàng ngàn chữ ký”.
Bầu Kiên yêu cầu trả một số tài liệu
Mở đầu phiên xét xử, HĐXX tập trung làm rõ mối quan hệ giữa ACB và KienLongbank.
Người đại diện của ngân hàng này cho biết: KienLongbank và ACB là đối tác, việc cho vay liên ngân hàng là bình thường.
Năm 2010, từ việc phát hành cổ phiếu, các ông Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang và một số người của ACB là cổ đông của KienLongbank.
Đại diện ngân hàng Vietbank cũng cho rằng việc giao dịch liên ngân hàng là bình thường. Vietbank cũng mua trái phiếu của ACBS. Tiền mua trái phiếu có từ nhiều nguồn vốn. Ngân hàng ACB có tham gia góp vốn vào Vietbank.
HĐXX đã công bố các lời khai thể hiện việc ACB có nguồn vốn góp trong tài sản của Vietbank và đề cập đến việc giải ngân tiền để mua cổ phiếu của ACBS.
Trả lời câu hỏi Viện Kiểm sát, đại diện ngân hàng Vietbank cho biết, không nắm được việc Ngân hàng này có vay tiền của ACB để mua trái phiếu hay không.
Viện Kiểm sát buộc phải dẫn lại cáo trạng việc giao dịch tiền giữa hai ngân hàng trong việc mua trái phiếu.
HĐXX gọi hỏi ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng GĐ ACBS. Ông Đỗ Minh Toàn cho biết là người cuối cùng ký vào Nghị quyết cho phép ACBS hợp tác với Công ty ACI. Trước đó, Nguyễn Đức Kiên, Lê Vũ Kỳ, Nguyễn Ngọc Chung đã ký.
Trong phiên xét xử sáng nay, Nguyễn Đức Kiên cho biết, cơ quan điều tra đã kê biên 3 ngôi nhà của mình, thu nhiều tài liệu. Nguyễn Đức Kiên đề nghị được trả lại một số tài liệu không liên quan đến vụ án này.
Truy vấn trách nhiệm Vietinbank
Phiên tòa trở nên nóng hơn khi luật sư Vũ Xuân Nam – bảo vệ quyền lợi cho Nguyễn Đức Kiên đưa ra hàng loạt câu hỏi với đại diệnNHNN và phía Vietinbank: Người dân đi gửi tiền cho Ngân hàng có phải là lĩnh vực liên quan đến ngân hàng không?; Người dân đi gửi có phải được Ngân hàng cho phép không, cấp giấy phép cho người dân đi gửi tiền không? Khi người dân đem tiền đi gửi, ngân hàng có xác định là nguồn tiền của ai không? Người dân đi gửi tiền, nộp tiền vào tài khoản, đối với người dân có phải là hoạt động của ngân hàng không?
LS cũng hỏi đại diện Vietinbank về việc trách nhiệm quản lý tài khoản với tài sản người dân gửi tại Vietinbank.
Đại diện Vietinbank khẳng định, số dư trên tài khoản của cá nhân là tài sản và thuộc quyền quản lý của chủ tài khoản - cá nhân gửi tiền.
Đại diện Vietinbank khẳng định thẻ tiết kiệm mà các nhân viên gửi tiền là thẻ thật.
- Theo quy định 1284, khi chủ tài khoản giao một khoản tiền, Vietinbank có trách nhiệm nào?-Luật sư Nam hỏi.
“Ngân hàng có trách nhiệm làm nhiệm vụ của một người trung gian” - Đại diện Ngân hàng Vietinbank trả lời.
- Nếu giả chủ tài khoản, trách nhiệm của Vietinbank như thế nào? - luật sư tiếp tục hỏi.
“Ai làm giả, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” - Đại diện Ngân hàng Vietinbank đối đáp.
- Trách nhiệm dân sự của Vietinbank với chủ tài khoản như thế nào?
“Vấn đề này đã được quy định trong các văn bản liên quan” - phía Vietinbank trả lời.
LS bào chữa cho Nguyễn Đức Kiên tiếp tục hỏi về trách nhiệm của Vietinbank và vị đại diện một lần nữa bảo lưu quan điểm trách nhiệm để xảy ra mất mát tiền là do thủ đoạn, hành vi chiếm đoạt của Huyền Như.
Huyền Như cũng bảo lưu các lời khai của mình tại cơ quan điều tra và tại tòa, không nhớ những quy định của Vietinbank về huy động vốn thời điểm xảy ra vụ việc, không nhớ trình tự xử lý hồ sơ cụ thể.
Luật sư đặt vấn đề về việc khi số tiền không được chủ tài khoản rút, chuyển tiền mà do nhân viên Ngân hàng Vietinbank thực hiện, vậy ai là người sử dụng tài khoản?
Vấn đề này, đại diện Ngân hàng Vietinbank đáp lại rằng: “Theo đúng cáo trạng, vấn đề gì liên quan đến vụ án khác thì không nên đưa vào vụ án này”.
Theo đại diện Ngân hàng Vietinbank, với tư cách là trưởng phòng giao dịch, Huyền Như được ký hạn mức đã được phê duyệt, tối đa 50 tỷ đồng.
Đối với việc không phát hiện gian dối, đại diện Ngân hàng Vietinbank cho rằng, do các bên thỏa thuận ngầm với nhau. Các bên tự thực hiện các hành vi trái pháp luật. Nhân viên ngân hàng ACB đã nhận tiền túi của Huyền Như.
Đại diện Ngân hàng Vietinbank cũng xác nhận, người huy động là Huyền Như, việc ký hợp đồng theo quan hệ phân cấp là Giám đốc và Phó Giám đốc chi nhánh.
Trả lời luật sư, bầu Kiên nói, về việc chuyển tiền của nhân viên Ngân hàng ACB thông qua giao dịch điện tử sang thẳng Ngân hàng Vietinbank, do hiện nay NHNN đang áp dụng hệ thống công nghệ để ngân hàng giao dịch trực tiếp, việc giao dịch này vẫn lưu trên hệ thống quản lý công nghệ của NHNN.
Kết thúc phần truy vấn trách nhiệm đối với ngân hàng Vietinbank, luật sư Bùi Quang Nghiêm đặt câu hỏi với ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát và bầu Kiên.
Tại tòa, ông Long cho biết, lời khai của bị cáo Kiên tại tòa là đúng. Nhắc lại sự việc, ông Long nói, bên Tập đoàn Hòa Phát muốn thoái vốn nên muốn mua lại cổ phần tại Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát mà bị cáo Kiên sở hữu nên Kiên đồng ý bán.
Trả lời luật sư, bầu Kiên một lần nữa khẳng định: “Tôi với anh Long là bạn bè, chúng tôi là 2 Chủ tịch của 2 tập đoàn rất lớn. Uy tín của chúng tôi không nằm ở 264 tỉ đồng. Lời nói của chúng tôi bằng hàng ngàn chữ ký”.
Ngày mai, tòa nghỉ. Thứ 2, phiên xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm sẽ được tiếp tục./.

Đọc thêm