Chuyện nhà mồ và lễ Pơ Thi ở Tây Nguyên

(PLVN) - Đối với các dân tộc Tây Nguyên như Jrai, Ê Đê, Bahnar chết không phải là hết mà là sự tiếp tục cuộc sống khác để rồi sẽ trở lại làm người. Cho nên, nhà mồ và lễ bỏ mả của người Tây Nguyên là biểu tượng đề cao sự bất diệt của cuộc sống con người và là nét văn hóa độc đáo nơi đại ngàn.
Ảnh minh họa.

Tượng gỗ độc đáo ở nhà mồ

Người Jrai cũng giống như nhiều cư dân bản địa khác ở Bắc Tây Nguyên chịu nhiều ảnh hưởng của tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Họ tin rằng xung quanh con người luôn có nhiều vị thần (Yang), các Yang này bên họ, che chở, chi phối cuộc sống của họ từ lúc sinh ra cho đến khi chết. Hệ thống thần linh của người Jrai gồm nhiều thần như: Yang hma (thần ruộng nương), Yang ktăn (thần sét), Yang chứ (thần rừng núi), Yang pên ia (thần bến nước), Yang hri (thần lúa), Yang pơ tao (vua), Yang sang (thân nhà), Yang ala bôn (thần làng)…

Chị Thu Hoài - hướng dẫn viên mảnh đất bazan cho hay, người Jrai tin rằng con người khi sống có linh hồn (bơngắt), khi chết linh hồn biến thành ma (atâu). Atâu cũng có buôn làng, nhà cửa, cũng cần được ăn uống, sinh hoạt như trên trần gian, nên người sống phải chia của cho người chết. Với niềm tin đó, người chết sẽ được chia của cải, gồm nhiều thứ như: Đồ dùng cá nhân, gia súc, gia cầm, ché ghè, tượng gỗ… người sống tin người chết sẽ mang theo những đồ đạc, của cải được chia đó về làng ma. Số của cải này tùy thuộc vào sự giàu nghèo của mỗi gia đình mà người chết được chia khác nhau.

Tượng gỗ là sản phẩm không thể thiếu trong những lễ bỏ mả lớn của người Jrai. Nghệ nhân Ưu tú Ksor Hnao, bậc thầy tạc tượng nhà mồ cho hay, tượng nhà mồ được tạc và dùng cho lễ bỏ mả, thể hiện tình cảm quyến luyến, tưởng nhớ của người sống với người thân đã mất. Tượng đóng vai trò như vị thần bảo vệ, che chở cho linh hồn người chết không bị ma quỷ quấy phá.

Hiện nay tại làng Kép (xã Ia Phí, huyện Chư Pah, Gia Lai) vẫn còn một số ngôi mộ chung có trang trí nhiều tượng gỗ. Dưới những gốc cây cổ thụ rêu phong cuối làng, những bức tượng hình người, vật với đủ hình thù kì dị đứng yên lặng trong bóng chiều u tịch.

Xung quanh nhà mồ là một hệ thống tượng gỗ với đủ hình: Đàn ông, đàn bà, tượng mẹ bồng con, địu con, bà cháu, tượng khỏa thân, ân ái… Người chết già thì tạc hình nhân ngồi chống cằm ngụ ý già yếu, hay ngồi hút thuốc hàm ý suy tư, cũng có khi ngồi gảy đàn T’ninh. Còn trẻ em thì tạc hai đứa bé ôm nhau đùa giỡn, thanh niên thì tạc tượng đứng... Một số tượng người ôm mặt khóc thể hiện sự hoài niệm về cuộc sống; tượng người đánh trống, đánh chiêng thể hiện không khí hồ hởi, âm vang trong sinh hoạt cộng đồng hay tượng thể hiện hình những con vật trung thành, gần gũi được gửi theo để phục vụ người chết…

Với những nét biểu cảm buồn thương, vui nhộn, khắc khổ, tư lự, xa xăm… hệ thống tượng gỗ dân gian trang trí khu vực nhà mồ đã để lại nhiều cảm xúc, suy nghĩ cho người xem về kiếp nhân sinh. Những biểu cảm ấy không chỉ có ở người sống mà vẫn lưu lạc, tiếp diễn ở thế giới bên kia.

Tại những nhà mồ ở làng Kép, trước đây, mái của nhà mồ thường được đóng bằng gỗ. Cuộc sống hiện đại, dân làng thay thế gỗ, tre, tranh, rơm rạ, bằng mái tôn xanh, khung sắt. Những cột gỗ nhà mồ cũng được người dân thay thế bằng cột bê tông, sàn gỗ thay thế bằng gạch hoa để cho thuận lợi, tiết kiệm chi phí. Tuy vậy, việc bê tông hóa này khiến không ít nhà nghiên cứu văn hóa, kiến trúc dân gian cũng như du khách không khỏi hụt hẫng, xót xa, tiếc nuối.

Lễ Pơ Thi - lễ bỏ mả linh thiêng

Lễ bỏ mả của người Tây Nguyên hay còn gọi là Lễ Pơ Thi nhằm tiễn đưa những linh hồn đã khuất về với cội nguồn. Đây là tế lễ linh thiêng trong nghi lễ cuối cùng, quan trọng trong đời người Jrai.

Người Jrai có tục chôn chung nên tang lễ khá phức tạp. Khi ngôi mộ chung đã đầy, cao thành mô đất lớn, dòng họ mới làm lễ bỏ mả. Đây là cuộc chia ly cuối cùng giữa người sống và người chết, bởi sau khi lễ hội này kết thúc thì từ đó trở đi người thân của người chết sẽ chấm dứt thời gian ra thăm mộ, chấm dứt hàng ngày phải “tiếp tế” cơm mới, nước mát cho người chết, chấm dứt mỗi tháng phải đến uống rượu cùng hồn ma… Người quá cố có thể với cội nguồn, bắt đầu vòng luân hồi và đầu thai trở lại làm người vào một thời điểm nào đó.

Lễ bỏ mả thường được tổ chức vào từ tháng 11 đến hết tháng 4 dương lịch hàng năm – khi mùa màng đã thu hoạch xong và dân làng đang thư nhàn. Người Jrai thường chọn những ngày trăng sáng nhất để bắt đầu làm Lễ Pơ Thi và thường kéo dài trong 3 ngày: ngày đầu tiên gọi là ngày vào nhà mả, ngày thứ hai là ngày vỡ hay ngày ăn lớn, ngày cuối cùng tổ chức tại gia đình được gọi là ngày rửa nồi - giải phóng linh hồn.

Với niềm tin ở làng ma, hồn ma cũng sinh hoạt như trên cõi trần gian nên trước lễ bỏ mả gia đình, dòng họ người chết đã tập trung huy động sức người, sức của để làm nhà mồ đẹp, tạc nhiều tượng đẹp, trang trí các cột kút, klao dựng ở hai đầu nóc nhà mồ thật sinh động, làm những rối gỗ, mặt nạ, cột giàn cúng tế, giết trâu, bò cúng hồn ma, khấn và đánh cồng chiêng, múa bài tiễn hồn ma (điệu múa dungdai)…

Gia đình người đã khuất có thể tạo ra những khung dệt thu nhỏ bằng cây tre, làm bẩy bắt thú, ống điếu, gùi, nồi, chén… rồi sắp xếp gọn gàng trên nấm mồ cùng với cơm mới, thịt nóng, nước mát, đặc biệt một con gà mới nở là sự sống duy nhất trong số đồ dâng cúng, hàm ý báo cho hồn ma biết mọi sự đã viên mãn và kết thúc, như trứng đã nở thành gà với đủ khả năng tự mưu sinh… Ngoài ra nơi hàng rào nhà mồ cũng được đặt những cột tượng biểu trưng cho sự chia ly.

Lễ bỏ mả của Gia Rai được xem là lễ lớn nhất trong năm, nên rất tốn kém. Ngoài các đồ cúng trong ba ngày lễ thì nhất thiết phải mổ trâu, mổ bò. Nếu nghèo thì phải có heo, gà, rượu cần. Gia chủ đứng trước ngôi mả có cắm cây nêu thường làm bằng cây gạo treo nhiều lá bùa xanh đỏ bay phấp phới theo chiều gió và đưa tay lên trời lầm rầm khấn vái.

Sau lễ bỏ mả, toàn bộ nhà mả cùng đồ tế lễ, chia của bị bỏ không chăm sóc, dần bị quên lãng theo thời gian mưa nắng. Người sống tin rằng linh hồn người chết sẽ sử dụng toàn bộ những nhà mồ, tượng gỗ và mọi của cải được chia ở thế giới bên kia một cách bằng lòng, vui vẻ.

Lễ bỏ mả ở Gia Lai được diễn ra với lễ dựng lại nhà mồ, lễ bỏ mả và lễ giải phóng. Và những nghi thức này thường diễn ra vào buổi chiều, được bắt đầu bằng một cuộc trình diễn lớn quanh nhà mồ, sau đó già làng sẽ đại diện làm lễ cúng, trong lúc này những người thân trong nhà sẽ khóc than lần cuối với người đã khuất.

Tiếng trống, tiếng chiêng tiếp tục nổi lên, đoàn rước đi bao gồm những người đánh trống, đánh khiên, rồi tiếng cồng chiêng, rồi người đeo mặt nạ, những phụ nữ sẽ múa xung quanh, đoàn người đi quanh nhà mồ làm nhiều động tác theo tiếng nhạc.

Gia đình người đã khuất mặc những bộ váy áo đẹp, đeo những trang sức quý nhất và giữ cho mình sự thanh sạch từ tinh thần đến thể chất để đến với lễ hội. Những bộ chiêng quý nhất được mang ra cho mùa lễ hội. Những chiếc dùi được bọc lại thật sặc sỡ, để tấu lên những khúc nhạc chiêng trầm hùng nhất đủ đánh thức, lay động cả sông suối, núi đồi.

Sau khi lễ bỏ mả hoàn thành, người sống sẽ không còn ràng buộc với người chết. Người sống lúc này nếu muốn đi lấy chồng, lấy vợ đều được chấp thuận và họ cũng có thể đi dự nhiều cuộc vui của dân làng. Lúc này nhà mồ cũng sẽ bị bỏ, lễ bỏ mả kết thúc.

Lễ bỏ mả của người Jrai là một hình thức đoạn tang hay mãn tang, hội tụ các giá trị tâm linh, tín ngưỡng và là một cuộc trình diễn lớn, đỉnh cao của văn hóa dân gian truyền thống, đậm tính nhân văn ở Tây Nguyên đại ngàn.