Hơn 53% doanh nghiệp phải trì hoãn kinh doanh vì vướng thủ tục đất đai

(PLVN) - Theo kết quả khảo sát PCI, những phiền hà liên quan đến thủ tục đất đai là nguyên nhân khiến 53,8% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2021.
Những vấn đề doanh nghiệp gặp phải khi tiếp cận đất đai và thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.

Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, mặt bằng kinh doanh là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Chính quyền các địa phương có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai và ổn định mặt bằng kinh doanh thông qua nhiều biện pháp khác nhau: từ xây dựng quy hoạch đất đai hợp lý; chuẩn bị sẵn sàng các quỹ đất sạch cho nhà đầu tư; minh bạch và chủ động cung cấp thông tin về quy hoạch tới các doanh nghiệp; cho đến giải quyết thông thoáng các thủ tục thuê, mua đất; nhanh chóng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ tích cực giải phóng mặt bằng...

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), cho biết dù dấu hiệu tích cực là tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo không gặp khó khăn với các thủ tục hành chính về đất đai tăng lên nhưng cảm nhận của doanh nghiệp về rủi ro bị thu hồi đất cũng đã tăng trở lại trong năm qua sau chuỗi giảm và ổn định từ năm 2016.

Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “doanh nghiệp sẽ được bồi thường thỏa đáng nếu bị thu hồi đất” khá thấp, chỉ khoảng 29% và thấp hơn đáng kể so với mức 40% của năm 2013. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết họ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng ở mức thấp nhất kể từ năm 2006.

"Việc nắm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giúp đảm bảo quyền tài sản và tạo sự an tâm cho nhà đầu tư về triển vọng đầu tư dài hạn. Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc “an cư” của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được đảm bảo để nghĩ tới việc đầu tư thêm hay mở rộng quy mô", ông Tuấn cho biết.

Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới những vấn đề này, nhóm nghiên cứu PCI đã đặt những câu hỏi về các khó khăn chủ yếu của doanh nghiệp khi tiếp cận, mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh. Kết quả vấn đề lớn nhất nằm ở sự phức tạp của các thủ tục hành chính thuê, mua đất (42,5% doanh nghiệp gặp phải). Nguyên nhân phổ biến thứ hai đó là quy hoạch đất đai của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp (39,3%).

Điều này có thể đến từ việc các địa điểm sản xuất được bố trí xa các cơ sở hạ tầng cần thiết cho hoạt động giao nhận, vận tải hàng hóa hoặc quá gần các khu dân cư sinh sống khiến nguy cơ ô nhiễm môi trường gia tăng.

Khoảng 30,5% doanh nghiệp phản ánh “Việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng”; và hơn 1/5 doanh nghiệp cho biết địa phương có tình trạng “thiếu quỹ đất sạch”.

Thêm vào đó, các vấn đề khác cũng nằm trong mối quan ngại của doanh nghiệp có thể kể đến như giá đất Nhà nước cao, giá đất theo quy định của Nhà nước tăng quá nhanh, công tác giải phóng mặt bằng chậm chạp, việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi và việc xử lý hồ sơ về đất đai lâu hơn quy định.

Theo kết quả khảo sát PCI, những phiền hà liên quan đến thủ tục đất đai là nguyên nhân khiến 53,8% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2021.

"Có thể thấy rằng, nhiều vấn đề nêu trên liên quan trực tiếp đến các bất cập của Luật Đất đai hiện hành (Luật Đất đai 2013). Việc tổ chức thực hiện các quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai còn hạn chế", ông Tuấn nhấn mạnh một trong những nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do “chính sách, pháp luật còn hạn chế, bất cập, cần thiết phải được sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Chính vì thế Luật Đất đai đang được dự thảo sửa đổi được kỳ vọng sẽ góp phần gỡ bỏ những cản trở hiện có, thu hút thêm nguồn lực, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đọc thêm