Huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum): Tìm cách gỡ vướng cho khu tái định cư Pa Cheng

(PLVN) - Khu tái định cư (TĐC) Pa Cheng (xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) được đầu tư hàng trăm tỉ đồng từ nhiều năm nay, tuy nhiên, sau khi hoàn thành vẫn chưa đạt được mục tiêu.
Khu tái định cư Pa Cheng.

Nhà nhỏ, không bếp, không khu vệ sinh

Khu TĐC Pa Cheng được bố trí làm nơi ở cho những người dân bị ảnh hưởng bởi hai dự án thủy điện và một dự án khác tại hai huyện Đăk Hà, Kon Plông. Dự án do UBND huyện Đăk Hà làm chủ đầu tư, mục tiêu hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất cho 300 hộ với 1.500 nhân khẩu. Khu TĐC Pa Cheng rộng 690ha, tổng mức đầu tư 149 tỉ đồng. Trong đó, đất dân cư 110ha, đất sản xuất 580ha. Mỗi hộ sẽ được cấp 800m2 đất ở và 20.000m2 đất nông nghiệp.

Đến nay đã triển khai gần 15 năm nhưng khu TĐC Pa Cheng mới có 126 hộ, đạt khoảng 42% mục tiêu. Trong đó, 86 hộ ở cố định, còn 40 hộ chưa ở cố định, chỉ lên canh tác hoặc ở tạm vào mùa mưa lũ rồi sau đó lại quay về làng cũ.

Nguyên nhân chính khiến người dân không mặn mà vì họ không có đất sản xuất, nên cuộc sống không được bảo đảm. Được biết, quỹ đất sản xuất cho các hộ TĐC không đáp ứng theo mục tiêu dự án phê duyệt. Đến nay, bình quân mỗi hộ mới nhận được khoảng 6.700m2 đất sản xuất (bằng khoảng 1/3 diện tích như dự kiến).

Chị Y Lăk (từ thôn Đăk Mút, xã Đăk Mar chuyển lên) cho biết: “Những năm gần đây, nước sạch sinh hoạt đã được chính quyền địa phương cấp đủ dùng. Nhưng thiếu đất sản xuất nông nghiệp nên bà con không muốn ở cố định tại đây mà về các làng cũ gần rẫy, gần nguồn nước, thuận tiện sản xuất”.

Ngoài ra, nhà ở tại khu TĐC quá nhỏ, lại không có khu nhà bếp, nhà vệ sinh, trong khi hầu hết các hộ dân đều đông người, kinh tế khó khăn, không có tiền để làm nhà rộng thêm hay xây thêm nhà bếp, khu vệ sinh.

Phó thôn A Điu: “Đất sản xuất được cấp quá ít, không đủ để nuôi sống gia đình”.

Người dân còn phản ánh, với những hộ được bố trí TĐC đợt 2, số tiền được cấp để xây nhà bị khấu trừ nhiều khoản như mua máy tưới cà phê, ống dẫn nước tưới cà phê… nên tiền đến tay người dân còn rất ít, có gia đình chỉ cầm về chưa tới 20 triệu đồng, không đủ để xây nhà.

Ông A Điu (35 tuổi, phó thôn Pa Cheng) cho hay, nhiều hộ chưa lên, chưa ở cố định tại khu TĐC vì ở làng cũ họ vẫn còn đất sản xuất, hoặc có công việc ở đó: “Chỉ những gia đình không có đất, hoặc gia đình đông con nheo nhóc, mới cố gắng bám trụ tại đây. Đất sản xuất được cấp quá ít, không đủ để nuôi sống gia đình”, ông A Điu nói.

Bản thân gia đình phó thôn A Điu, sau khi nhận đất tại khu TĐC, trừ diện tích xây nhà xong, chỉ còn khoảng 300 cây cà phê, không đủ làm kế sinh nhai cuộc sống 7 người. “Nói chung, để duy trì cuộc sống ở đây, các hộ dân phải “oằn mình” gồng gánh đủ việc”, phó thôn nói.

“Cái khó bó cái khôn”

Ông Hoàng Công Ái, Chủ tịch UBND xã Đăk Long cho biết, để bảo đảm đời sống cho người dân tại khu TĐC, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Xã triển khai nhiều chính sách thiết thực như: Khoan thêm nhiều giếng nước nhằm đáp ứng đủ nước sinh hoạt cho Nhân dân vào mùa khô; huy động các tổ chức xã hội, đơn vị đỡ đầu giúp đỡ người dân về cây giống, con giống trong sản xuất…

Xã cũng phân công các cán bộ, đảng viên gương mẫu đến tận nơi để hướng dẫn bà con cách áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất.

Ông Nguyễn Đình Mười, Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng huyện Đăk Hà thông tin: “Nguồn vốn hỗ trợ nhà ở TĐC của Nhà nước hiện còn chưa cao nên công trình nhà TĐC tương đối nhỏ, không có nhà bếp, khu vệ sinh… dẫn đến việc một số hộ được TĐC không muốn ở. Thời gian tới, UBND huyện sẽ cố gắng tìm kiếm các nguồn xã hội hoá giúp đỡ các gia đình khó khăn xây dựng nhà bếp, nhà vệ sinh, ổn định cuộc sống”.

Ông Mười cho hay, với những căn nhà đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng vì bỏ hoang lâu ngày, UBND huyện sẽ có các phương án kêu gọi các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, DN trên địa bàn nhằm sửa chữa, nâng cấp, xây thêm công trình phụ… vận động, thu hút người dân quay lại khu TĐC.

Nhiều căn nhà dang dở, bỏ hoang. (Ảnh trong bài: NL)

Về việc người dân phản ánh BQLDA huyện hứa sẽ cấp thêm đất sản xuất, ông Mười giải thích: “Tại khu TĐC còn khoảng hơn 10ha đất trống, huyện từng có chủ trương chia theo bình quân đầu người, nhưng nếu chia vậy mỗi hộ sẽ được rất ít, không đáp ứng sản xuất. Qua năm 2025, huyện sẽ làm việc với người dân xin ý kiến là sẽ chia đất theo nhóm hộ, diện tích đất tập trung hơn, người dân sản xuất cũng thuận tiện hơn. Năm 2025, UBND huyện sẽ tìm các nguồn vốn, nguồn đầu tư để thuê đơn vị đo đạc nhằm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo yêu cầu của bà con”, ông Mười nói.

Cũng tại tỉnh Kon Tum, năm 2009, dự án thủy điện Đăk Đrinh tại huyện Kon Plông được triển khai, 192 hộ với 843 khẩu ở xã Đăk Nên nhường đất để thực hiện dự án. Khu TĐC phục vụ dự án này đã được thực hiện, đã hoàn thành xây nhà cho 165 hộ; còn lại 11 hộ tại thôn Xô Luông chưa chịu nhận nhà tại khu TĐC; 27 hộ thôn Đăk Tiêu có nguyện vọng tự làm nhà.

Ông Phạm Thanh Nam, Chủ tịch UBND xã Đăk Nên cho biết, vì còn nhiều vướng mắc liên quan tiền bồi thường, hỗ trợ mà chủ đầu tư chưa hoàn thành như đã hứa; dẫn đến việc người dân chưa thể ổn định cuộc sống vì thiếu đất sản xuất, thiếu vốn… Điều này dẫn đến việc nhiều hộ dân tuy đã nhận nhà tại khu TĐC nhưng không ở mà bỏ đến nơi khác tìm đất sản xuất. Theo số liệu mới nhất, tại dự án TĐC này, còn 68 hộ chưa nhận đất nương rẫy; 119 hộ chưa nhận đất tái định canh lúa nước.

Ngoài ra, vì chủ đầu tư chưa chi trả hết tiền đền bù cho người dân; tuyến đường tránh ngập lòng hồ nhánh 2 bị xuống cấp nghiêm trọng nên người dân đi lại rất khó khăn, nguy hiểm.

Theo ông Nam, để giải quyết những tồn tại trên, các cấp chính quyền xã đến tỉnh đã nhiều lần báo cáo lên Bộ Công Thương đề nghị chủ đầu tư phải có trách nhiệm chi trả các khoản tiền còn nợ.

Đọc thêm