Cần sớm quy hoạch 1/500 các khu dân cư khu vực bãi sông địa bàn Tp Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội diễn ra mới đây, các đại biểu chất vấn lãnh đạo một số sở, ngành và địa phương của TP về một số vi phạm kéo dài liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn TP Hà Nội.
 Đoàn giám sát khảo sát tại địa bàn phường Phúc Xá, quận Ba Đình. (Ảnh: Thùy Chi)
Đoàn giám sát khảo sát tại địa bàn phường Phúc Xá, quận Ba Đình. (Ảnh: Thùy Chi)

Theo Thường trực HĐND TP, thời gian qua, trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng khu vực bãi bồi ven sông, Thành ủy đã ban hành 2 Chỉ thị, 2 Chương trình nhằm tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo, chỉ đạo. HĐND TP ban hành 3 Nghị quyết. UBND TP có nhiều văn bản về quản lý, sử dụng bãi sông, tăng cường thực hiện quản lý nhà nước bảo đảm tuân thủ các quy định của Quy hoạch phòng, chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Đuống.

UBND TP đã chỉ đạo lập và hoàn thành phê duyệt 9 Quy hoạch chung xây dựng huyện, thị xã, thị trấn, đô thị vệ tinh liên quan đến khu vực hai bên sông Hồng, sông Đuống.

UBND TP phê duyệt 2 đồ án Quy hoạch phân khu đô thị trong khu vực phát triển đô thị trung tâm: Quy hoạch phân khu phân khu đô thị Sông Hồng tỉ lệ 1/5000 (Quyết định 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 của UBND TP) và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống tỉ lệ 1/5000 (Quyết định 1046/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 của UBND TP), gồm 13 quận, huyện.

Trong tổng số 32/32 quy hoạch chung đô thị và quy hoạch chung xây dựng huyện đã được TP phê duyệt thì có 9 Quy hoạch chung xây dựng huyện, TX, thị trấn, đô thị vệ tinh liên quan khu vực hai bên sông Hồng, sông Đuống.

Tại phiên giải trình, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP, ông Đàm Văn Huân cho biết, qua thực tế giám sát cho thấy, việc thực hiện lập một số quy hoạch như Quy hoạch chung Thủ đô, Quy hoạch phân khu, Quy hoạch ngành và Quy hoạch chi tiết còn chậm tiến độ.

Việc lập Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, lập bản vẽ ranh giới tỉ lệ 1/500 các khu dân cư của 13 quận, huyện (Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm) chưa hoàn thành dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, cấp sổ đỏ, cấp phép xây dựng. Qua công tác giám sát, về cơ bản các quận, huyện đều chưa hoàn thành kế hoạch được UBND TP giao tại Quyết định 837/QĐ-UBND ngày 4/3/2022.

Cũng tại Quyết định 1045 và 1046/QĐ-UBND, giao UBND 13 quận, huyện có nhiệm vụ tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đối với các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ, xác định cụ thể pháp lý về sử dụng đất với từng lô đất trong khu dân cư hiện có, làm cơ sở cấp sổ đỏ và cấp phép xây dựng theo quy định. Kiểm tra quản lý, giám sát xây dựng theo quy hoạch, xử lý các trường hợp sai quy hoạch.

Đến nay quyết định đã ban hành được gần 3 năm, nhưng qua công tác giám sát, nhận thấy cơ bản các quận, huyện đều chưa hoàn thành nội dung này.

Số lượng vi phạm thuộc lĩnh vực đất đai (đất nông nghiệp và đất công ích, đất công trên địa bàn các quận, huyện) qua công tác thanh, kiểm tra của Sở TN&MT còn nhiều.

Kết quả xử lý, khắc phục từ 1/1 - 31/12/2023 được 2.596 trường hợp với diện tích 74,2579ha; nâng kết quả xử lý được 38.524 trường hợp với diện tích đất vi phạm đã khắc phục là 1.294,24ha (đạt 61,52% số trường hợp vi phạm phải được xử lý, khắc phục theo Kết luận thanh tra).

Ngoài ra, qua khảo sát thực tế của Thường trực HĐND TP, hiện nay có một số khu vực đất xâm canh bị lấn chiếm, sử dụng không phép, các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, phối hợp quản lý.

Kết quả giám sát cũng cho thấy số vi phạm về trật tự xây dựng xảy ra tại khu vực bãi sông, ngoài đê còn nhiều; việc xử lý chưa dứt điểm, cụ thể. Tổng số liệu vi phạm của các quận, huyện theo báo cáo là 390 trường hợp (gồm cả vi phạm quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đê điều, hành lang thoát lũ); đã xử lý được 252 trường hợp, còn tồn 148 trường hợp.

Từ những tồn tại, vướng mắc nêu trên, Thường trực HĐND TP đề nghị các cơ quan chức năng TP tập trung giải trình các công tác lãnh đạo chỉ đạo, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý; công tác triển khai thực hiện quy hoạch, công tác quản lý đầu tư xây dựng; công tác quản lý đất đai, chống lấn chiếm, các hoạt động xây dựng khu vực ngoài đê; công tác quản lý trật tự xây dựng; công tác cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; công tác quản lý đê điều, hành lang thoát lũ.

Từ đó tìm ra những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm, các kiến nghị và giải pháp để nâng cao hiệu quả trong công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống trên địa bàn TP.

Trước đó, báo cáo Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP về vấn đề, đại diện UBND quận Ba Đình cho biết, địa phương có phường Phúc Xá có khoảng 51,13ha là đất khu dân cư hiện có đang tồn tại; diện tích còn lại là sông Hồng và bãi giữa sông Hồng (khoảng 38,23ha).

Khu đất bãi bồi (bãi giữa) nằm gần giữa lòng sông Hồng, trải qua các thời kỳ, một số hộ dân đã ra canh tác từ trước những năm 1995. Khoảng thời gian sử dụng của các hộ dân không ổn định, không mang tính liên tục sử dụng cả năm do ảnh hưởng mực nước mùa lũ.

Quá trình thực hiện công tác quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng bồi ven sông gặp một số khó khăn do đặc thù khu đất nằm giữa sông Hồng, thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ. Qua các thời kỳ, tồn tại việc một số người dân sinh kế khó khăn, mưu sinh thông qua việc trồng hoa, rau ngắn ngày để duy trì cuộc sống. Quận đã vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân hạn chế canh tác, đề phòng sạt lở khi mưa lũ để bảo đảm an toàn nhưng chưa dứt điểm.

Tại quận Tây Hồ, thông tin về những khó khăn trong xử lý vi phạm về đê điều, UBND quận cho biết, một số trường hợp người dân không còn chỗ ở khác nên quận gặp khó khăn trong việc giải tỏa các vi phạm. Tài liệu hồ sơ pháp lý về đất đai qua nhiều thời kỳ không cập nhật đầy đủ, thường xuyên, kết hợp với tập quán sinh sống mang tính chất làng xã ven đô cũng là nguyên nhân tạo nên việc sử dụng đất phức tạp, gây khó khăn cho việc xác nhận nguồn gốc đất và áp dụng chính sách bồi thường hỗ trợ.

Cũng theo UBND quận, một số trường hợp xây dựng vi phạm chưa được quyết liệt xử lý ngay từ khi phát sinh nên khó khăn trong việc xử lý sau này. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao, đặc biệt là có 8 trường hợp cố tình vi phạm các quy định về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đê điều...

Đọc thêm