Một mỏ đất san lấp được đấu giá tăng gần 60 lần

(PLVN) - Trải qua 10 vòng đấu giá, mỏ đất mang ký hiệu ĐLBS-02 ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) có giá khởi điểm 1,25 tỷ đồng được doanh nghiệp đấu giá lên gần 67,8 tỷ đồng, tăng gần 60 lần.

Ngày 20/11, trao đổi với PV báo Pháp luật Việt Nam, ông Lê Văn Tuân, Phó Trưởng Phòng TN&MT huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết, đơn vị đang hoàn thành hồ sơ để trình UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt kết quả đấu giá mỏ đất san lấp tại điểm mỏ ĐLBS-02 thôn An Lợi Tây (xã Đại Nghĩa) cho đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Một thành viên Tiến An Đạt.

Trước đó, ngày 15/11, Công ty CP đấu giá hợp danh Hòa Thuận (đơn vị được thuê thực hiện đấu giá) đã tổ chức cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đất san lấp tại điểm mỏ ký hiệu ĐLBS-02.

Phiên đấu giá với sự tham gia của 11 doanh nghiệp, kéo dài gần 3 giờ đồng hồ và trải qua 10 vòng đấu giá.

Kết quả, mỏ đất được chốt giá gần 67,8 tỷ đồng, cao gần 60 lần so với giá khởi điểm là 1,25 tỷ đồng. Doanh nghiệp trúng đấu giá là Công ty TNHH Một thành viên Tiến Anh Đạt (địa chỉ tại số 40 đường Trần Phú, thị trấn Plei Kần Ngọc Hồi, Kon Tum).

Khu vực điểm mỏ ĐLBS-02 tại thôn An Lợi Tây (xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc). (Ảnh: Công Huy).

Để tiến hành đấu giá công khai, Công ty CP đấu giá hợp danh Hòa Thuận đã công bố thông tin mời thầu đấu giá quyền khai thác đất tại điểm mỏ ĐLBS-02. Điểm mỏ ĐLBS-02 là đất san lấp có diện tích 11,99 ha, trữ lượng theo kế hoạch phê duyệt khoảng 600.000 m3. Doanh nghiệp tham gia phải đặt trước 250,7 triệu đồng.

Trước việc doanh nghiệp đấu giá quyền khai thác điểm mỏ ĐLBS-02 tăng gấp nhiều lần, dự luận nghi ngại rằng liệu doanh nghiệp này cố tình phá giá rồi “bỏ cọc”.

Về vấn đề này, Phó Trưởng Phòng TN&MT huyện Đại Lộc Lê Văn Tuân thừa nhận việc doanh nghiệp chốt mức giá cho điểm mỏ này có cao hơn một chút so với mặt bằng chung ở các mỏ đất tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng như giá thị trường hiện nay. Tuy nhiên, ông Tuân nhận định, quá trình tổ chức đấu giá đều diễn ra bình thường, trật tự, nghiêm túc và không có gì bất thường.

“Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Do đó, bám sát vào công văn này, trước khi đấu giá chúng tôi cũng tổ chức quán triệt, hướng dẫn kỹ các doanh nghiệp. Ngoài ra, nêu rõ những thuận lợi khó khăn đối với mỏ đất này để doanh nghiệp khi trúng đấu giá quyền khai thác làm sao đó để có lãi”, ông Tuân nói.

Mỏ đất mang ký hiệu ĐLBS-02 được chốt giá gần 67,8 tỷ đồng, cao gần 60 lần so với giá khởi điểm là 1,25 tỷ đồng. (Ảnh: Công Huy).

Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Lê Văn Quang thông tin, ông đã nắm được thông tin về về đấu giá mỏ đất san lấp tại điểm mỏ ĐLBS-02. Ông cho biết: Đối với trữ lượng đã phê duyệt cùng với số tiền đã chốt đấu giá thì quy ra khoảng 113.000 đồng/m3.

Người đứng đầu chính quyền huyện Đại Lộc nhận định rằng, mức giá này so với thị trường hiện nay thì có cao hơn một chút, nhưng với mức giá đã đưa ra cho khối lượng đã phê duyệt là khả thi, không có gì bất thường đến mức để doanh nghiệp phải bỏ cọc cả.

“Có thể doanh nghiệp cũng đã tính toán đến việc đón đầu thị trường vật liệu xây dựng đang khan hiếm như hiện nay nên sẽ nộp tiền trúng đấu giá để khai thác”, ông Quang nói.

Ông Lê Văn Quang cũng khẳng định: quá trình đấu giá diễn ra bình thường, theo đúng quy định của pháp luật.

Lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc nhận định không có chuyện doanh nghiệp đấu giá cao để "phá" rồi "bỏ cọc". (Ảnh: Công Huy).

Như báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin, dư luận tỉnh Quảng Nam và địa phương lân cận vừa qua đã được một phen xôn xao khi mỏ cát ký hiệu ĐB2B, xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn) được Công ty CP MT Quảng Đà có địa chỉ tại Q.Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đấu giá trúng với mức giá cao “không tưởng”.

Cụ thể, kết quả, mỏ cát được chốt giá 370 tỷ đồng, cao hơn 308 lần so với giá khởi điểm là 1,2 tỷ đồng. Đây là điểm mỏ có diện tích 6,04 ha, trữ lượng theo kế hoạch phê duyệt là 159.000 m3.

Liên quan đến vụ đấu giá mỏ cát này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công an tỉnh tiếp tục điều tra. Trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phối hợp với Viện KSND tỉnh đưa ra truy tố, xử lý để răn đe, giáo dục; kiên quyết ngăn chặn, lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng có văn bản gửi các đơn vị liên quan yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Mỏ cát ký hiệu ĐB2B ở thị xã Điện Bàn được đấu giá 370 tỷ đồng, cao hơn 308 lần so với giá khởi điểm là 1,2 tỷ đồng. (Ảnh: H.X)

Các địa phương khi tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải chú trọng khâu lập hồ sơ mời tham gia đấu giá, xét chọn hồ sơ chặt chẽ để lựa chọn những doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia đấu giá. Trước khi tiến hành phiên đấu giá, cần phổ biến thông tin cho tổ chức, cá nhân tham gia hiểu rõ số tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản chỉ là một phần nghĩa vụ của doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách nhà nước (để được quyền khai thác khoáng sản).

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu trong quá trình thực hiện đấu giá, trường hợp có yếu tố bất thường với giá trả cao hơn nhiều lần so với giá bán ra thị trường nhằm mục đích “phá” đấu giá và gây nhiễu loạn thị trường thì thông báo ngay cho các cơ quan chức năng để kiểm tra, xác minh, xử lý.

Đọc thêm