Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV

(PLVN) - Chiều nay, 9/1, sau 4 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình đề ra và bế mạc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự phiên họp.
Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV

Thông qua 1 luật và 3 nghị quyết

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại kỳ họp, trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng các hồ sơ tài liệu, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, có chất lượng cao với gần 350 lượt đại biểu phát biểu qua 3 phiên thảo luận Tổ, 2 phiên thảo luận Đoàn và 7 phiên họp toàn thể.

Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các vị đại biểu.

Quốc hội đã xem xét, biểu quyết với sự nhất trí cao thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và 3 nghị quyết gồm Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024; việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Căn cứ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 2 đại biểu Quốc hội, phê chuẩn việc miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục với sự đồng thuận, thống nhất cao.

Nêu bật những kết quả phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được trong năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình nhấn mạnh, trong năm 2022, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, HĐND các cấp tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cả về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và các địa phương.

Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển, rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khơi thông các nguồn lực và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.

Quốc hội họp 2 kỳ thường lệ, 1 kỳ bất thường, thông qua 12 luật, cho ý kiến 8 dự án luật khác, ban hành nhiều nghị quyết quan trọng thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện thực hóa đồng bộ và hiệu quả các quyết sách tại Kỳ họp

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc Quốc hội xem xét, quyết định 5 vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 này cũng sẽ góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo.

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh đối mặt với nhiều thách thức, đơn hàng xuất khẩu, việc làm, lao động của nhiều doanh nghiệp…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự phiên họp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự phiên họp.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và người dân cần quán triệt, bám sát các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 68/2022/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

“Đặc biệt, cần đổi mới tư duy, có cách tiếp cận mới, phương pháp và giải pháp mới, tích cực, chủ động, sáng tạo và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; vừa tập trung khắc phục, hóa giải thành công khó khăn, thách thức, thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, nhất là giải quyết những khâu, những mặt còn trì trệ, vừa triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ có tính trung hạn, dài hạn bằng các giải pháp đồng bộ, hệ thống, căn cơ, hiệu quả”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ yêu cầu tăng cường hoàn thiện thể chế phát triển, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, kiến tạo các không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới.

Coi trọng phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là người có công, hộ nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tăng cường tiềm lực, củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh và nâng tầm quan hệ đối ngoại, nâng cao hiệu quả, chất lượng hội nhập quốc tế; đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển nhanh và bền vững. Đó chính là mục tiêu phát triển của chúng ta.

Trước mắt, để hiện thực hóa đồng bộ và hiệu quả các quyết sách tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các Luật, Nghị quyết vừa được thông qua, gắn chặt công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ nhằm bảo đảm đúng theo tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp.

Đặc biệt, các đại biểu Quốc hội bằng các hình thức phù hợp, thông tin nhanh chóng, đầy đủ đến cử tri cả nước kết quả của Kỳ họp; lắng nghe, tổng hợp và báo cáo ý kiến và nguyện vọng của cử tri; giám sát hiệu quả việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.

Đồng thời, chủ động góp phần chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Quý Mão tươi vui, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế mới ngay từ cơ sở và mỗi gia đình, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới.

Đọc thêm