Bé trai 13 tuổi nhập viện do ăn gạo trộn thuốc diệt chuột

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Bé trai 13 tuổi ở Kiên Giang nguy kịch phải nhập viện do bạn bè thách thức ăn gạo trộn thuốc diệt chuột.

Bệnh nhi ngộ độc đang điều trị tại bệnh viện.
Bệnh nhi ngộ độc đang điều trị tại bệnh viện.

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố TP HCM vừa tiếp nhận trường hợp trẻ V.V.H (13 tuổi, ở Kiên Giang) được chuyển đến với chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột.

Khai thác bệnh sử ghi nhận, khi đang chơi cùng bạn thì cháu H tìm thấy một nắm gạo màu hồng được trộn thuốc diệt chuột chứa hoạt chất Brodifacoum. Mặc dù biết là thuốc chuột độc hại nhưng sau khi nghe bạn bè thách thức, cháu H đã ăn nắm gạo này.

Khoảng 1 giờ sau ăn, trẻ H có biểu hiện đau bụng tăng dần, nôn ói nhiều được nhập bệnh viện địa phương điều trị cấp cứu rửa dạ dày, thải độc, điều trị rối loạn đông máu và nuôi ăn tĩnh mạch toàn phần.

Sau 2 ngày điều trị, tình trạng trẻ diễn tiến nặng, nôn ra dịch nâu đỏ, tổn thương gan, men gan tăng cao > 2000 đv/L (bình thường < 40 đv/L), được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Tại bệnh viện, trẻ được hỗ trợ hô hấp, tiếp tục rửa dạ dày, kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ H bị rối loạn đông máu nặng. Sau điều trị 3 tuần tình trạng trẻ ổn định dần, không có biểu hiện xuất huyết trên lâm sàng, xét nghiệm chức năng gan và đông máu về gần bình thường.

Thời gian vừa qua liên tiếp ghi nhận các ca bệnh trẻ em ngộ độc do thuốc diệt chuột. Mới đây nhất vào đầu tháng 11/2024, 20 trẻ mầm non nhập viện ở Lai Châu nhập viện nghi do ngộ độc thuốc diệt chuột Thái Lan gây xôn xao dư luận. Kết quả xét nghiệm sau đó ghi nhận 6/20 trẻ có hàm lượng Warfarin (thuốc diệt chuột) trong máu, hàm lượng thấp.

Tháng 8/2024, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận bé trai 2 tuổi bị ngộ độc nặng do ăn nhầm phải thuốc diệt chuột vì tưởng là kẹo. Nguyên nhân là do thuốc diệt chuột được người nhà mua về và sơ ý để trong tầm tay của trẻ.

Khuyến cáo phòng ngộ độc hóa chất ở trẻ em

Theo bác sĩ Ngô Thị Thanh Thuỷ - Phó khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhi đồng 2), ngộ độc là nguyên nhân đứng hàng thứ ba gây tử vong ở trẻ trong nhóm tai nạn thương tích, xếp sau đuối nước và tai nạn giao thông. Các tình huống ngộ độc phần lớn qua đường tiêu hoá, ít gặp hơn là ngộ độc qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc qua da.

Về tình huống ngộ độc qua đường tiêu hoá, tác nhân hàng đầu là do các loại hoá chất như dược - mỹ phẩm; tiếp đến là nhóm hoá chất tẩy rửa; sau cùng là nhóm hoá chất như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật,…

Ngộ độc hoá chất có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó nhóm trẻ dưới 6 tuổi thường chiếm nhiều nhất do uống nhầm hoá chất, và không thường xuyên gặp ở nhóm trẻ lớn hoặc trẻ vị thành niên.

Bác sĩ Thuỷ lưu ý, phụ huynh cần nghĩ ngay đến khả năng trẻ bị ngộ độc khi phát hiện trẻ đã tiếp xúc hoặc ăn, uống nhầm hoá chất, kèm theo đó còn có các dấu hiệu bất thường về hô hấp và thần kinh. Khi phát hiện trẻ ngộ độc cần bình tĩnh và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được y bác sĩ kiểm tra, can thiệp. Tuyệt đối không gây nôn cho trẻ khi sơ cứu tại nhà vì thao tác sai có thể khiến trẻ trở nặng. Lưu ý thời gian vàng có thể loại bỏ các hoá chất là từ một đến ba giờ sau khi trẻ dung nạp.

"Các bậc phụ huynh nên sử dụng các chai lọ chuyên dụng để lưu trữ hoá chất; Tránh chiết hay để hoá chất vào các vật dụng bắt mắt hoặc có dán nhãn thông thường như nước, sữa,… Cần để các hoá chất ở xa tầm tay của trẻ, nhất là nhóm trẻ dưới 6 tuổi, bởi đây là nhóm tuổi thích khám phá", bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng khuyến cáo thêm.

Đọc thêm