Bé trai 6 tuổi ngưng tim ở cổng cấp cứu do hóc kèn nhựa

Khi người nhà vừa đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), bé 6 tuổi bất ngờ ngưng tim ngưng thở.
Bé trai 6 tuổi ngưng tim ở cổng cấp cứu do hóc kèn nhựa

Bé Hưng quê Đồng Nai bất ngờ ho sặc sụa khi đang chơi kèn nhựa ngày 17/1. Đưa vào bệnh viện gần nhà khám, bác sĩ sau khi cho chụp X-quang đã yêu cầu chuyển viện lên tuyến trên. Gia đình không đủ tiền nên ký giấy cam kết tự túc chuyển đi. Bắt xe khách lên Sài Gòn, khi đến cổng cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 thì bé bất ngờ tím tái.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết bình thường nếu bệnh nhân tự túc đi cấp cứu thì phải được bác sĩ khám lọc bệnh. Trường hợp này vừa vào viện bé đã tím tái, thở rất mệt nên được đưa thẳng vào phòng cấp cứu ngay. 

"Khi vừa đặt lên giường cấp cứu, bé ngưng tim, không thở được", bác sĩ Phương chia sẻ. Các bác sĩ khẩn trương lao vào hồi sức giúp bé thở và nhồi tim.

Khoảng 5 phút tích cực cấp cứu, tim đập lại, bé hồng hào hơn. Tuy nhiên khoảng 1-2 phút bé lại rơi vào tím tái. Các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản, đẩy dị vật sang một bên phổi. Bé được cho hồi sức, thở máy, an thần giúp qua giai đoạn nguy hiểm và chuyển lên phòng nội soi gắp dị vật trong đêm.

Chiếc lõi kèn nhựa được gắp khỏi đường thở bé trai.

Chiếc lõi kèn nhựa được gắp khỏi đường thở bé trai. Ảnh:Lê Phương.

"Nếu bé ngừng tim trên đường, vào cấp cứu trễ chừng 5 phút, việc cứu chữa sẽ rất khó khăn, có thể để lại di chứng nặng nề do thiếu oxy não kéo dài. Nếu đến trễ trên 10 phút thì bé khó qua khỏi", bác sĩ Phương phân tích. Trước khi đặt nội khí quản, các bác sĩ tiến hành thủ thuật Heimlich cho bé mong tống dị vật ra ngoài nhưng thất bại.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, cho biết dị vật được gắp ra khỏi đường thở bé trai là chiếc lõi của kèn nhựa. Sau thủ thuật một giờ, bé tự thở được, có thể rút nội khí quản. Hiện bé hồi phục tốt, tỉnh táo.

Theo bác sĩ Như, may mắn dị vật có lõi nhựa nên bệnh nhi vẫn thở được sau khi hít sặc. Sau đó do trẻ ho, dị vật chạy lên kẹt ở thanh quản, nơi hẹp nhất ở đường thở nên diễn tiến ngưng tim, ngưng thở.

Bé trai hồi phục sau khi nội soi gắp dị vật. Ảnh: Lê Phương.

Bé trai hồi phục sau khi nội soi gắp dị vật. Ảnh:Lê Phương.

Dị vật cây kèn khá thường gặp ở trẻ nhỏ. Kèn nhựa gồm hai bộ phận thân kèn và đầu kèn, trước khi thổi ra thì trẻ thường ngậm cây kèn hít vào để lấy hơi, khiến đầu kèn lọt vào đường thở.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi trẻ, tránh ép trẻ ăn, uống. Khi phát hiện trẻ đột ngột ho sặc sụa, tím tái, khó thở, tức có hội chứng xâm nhập, cần nghĩ ngay đến dị vật trong đường thở.

Nếu trẻ còn tự thở được, nên đưa tới cơ quan y tế gần nhất. Nếu trẻ hơi tím tái, cần làm nghiệm pháp Heimlich, tăng áp lực trong lồng ngực đột ngột để tống dị vật ra. 

Khi trẻ dọa ngưng thở, tím tái nhiều quá, bắt buộc phải nhấn tim kết hợp hà hơi thổi ngạt. Trong thời gian sơ cứu cần gọi cấp cứu 115 để chuyển bé đến viện. 

Đọc thêm