Chiếc máy bay của hãng hàng không Ryanair chở 171 hành khách có hành trình ban đầu là từ Hy Lạp đến Litva. Khi đi qua không phận Belarus, chính quyền Belarus đã huy động máy bay chiến đấu MiG-29 và yêu cầu máy bay Ryanair hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay của Minsk-2. Phía Belarus cho biết lý do là họ đã nhận được đe dọa đánh bom.
Sau khi sơ tán và lục soát, không có quả bom nào được tìm thấy. Nhưng Belarus đã bắt giữ Roman Protasevich, một hành khách trên chuyến bay này. Đây là người sáng lập một kênh trên Telegram mà Belarus coi là đối tượng cực đoan.
Ngay khi máy bay hạ cánh, lực lượng an ninh của Belarus lập tức bắt giữ nhà hoạt động Roman Protasevich, 26 tuổi, là một hành khách trên chuyến bay, Reuters đưa tin.
Hành động này vấp phải sự lên án của lãnh đạo nhiều nước châu Âu với lý do vi phạm các quy tắc của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.
Lãnh đạo của Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu cùng Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nhiều nước châu Âu đã lên án hành động này của Belarus. Bộ Ngoại giao Ba Lan đã triệu Đại sứ Belarus tại Warszawa về vụ việc trên.
Ông Gabrielius Landsbergis - Bộ trưởng Ngoại giao Litva - nói: "Không phận Belarus giờ không an toàn với bất kỳ chuyến bay thương mại nào, cả chuyến bay của EU lẫn quốc tế. Châu Âu đang xem xét gói trừng phạt thứ tư và sẽ cân nhắc xem bổ sung các công ty như Belavia - hãng hàng không quốc gia Belarus vào gói trừng phạt này".
Vấn đề trừng phạt khẩn cấp Belarus dự kiến sẽ được bổ sung vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra hôm nay - 24/5.
Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) kêu gọi điều tra về sự cố hi hữu liên quan tình huống này. "ICAO rất lo ngại trước việc một máy bay của Hãng Ryanair và hành khách bị buộc hạ cánh, điều này đã vi phạm Công ước Chicago" - cơ quan của Liên Hiệp Quốc cho biết.
ICAO ngày 23/5 cho biết sự cố đã vi phạm Công ước về hàng không dân dụng quốc tế, hay còn gọi là Công ước Chicago, đã được các nước ký kết tại thành phố Chicago (Mỹ) năm 1944. Công ước có những quy định về không phận, đăng ký máy bay và an toàn, và chi tiết về những quyền của các bên ký kết liên quan trong hoạt động giao thông đường không.
Mặc dù không có quyền quản lý, song ICAO đóng vai trò trung tâm trong hệ thống các tiêu chuẩn an ninh, an toàn, giúp hầu hết các tuyến đường không hoạt động bình thường, không bị gây khó vì các rào cản chính trị. "Chúng tôi chờ đợi có thêm thông tin chính thức được các nước và các bên liên quan xác nhận" - ICAO cho biết.
Theo Công ước Chicago, mỗi quốc gia có chủ quyền với vùng trời của nước họ. Tuy nhiên công ước nghiêm cấm mọi hành vi có thể gây nguy hiểm với an toàn bay.
Về phần mình, chính quyền Belarus vẫn khẳng định hành động của mình là hợp pháp và sẽ mở cuộc điều tra việc một chiếc máy bay dân sự phải đáp khẩn cấp xuống nước này, dẫn đến vụ bắt giữ nhân vật đối lập có mặt trên chuyến bay.
"Rõ ràng là các hành động của những cơ quan có thẩm quyền của chúng tôi hoàn toàn đúng với các quy định quốc tế. Họ đang đưa ra những cáo buộc vô căn cứ", người phát ngôn Anatoly Glaz của Bộ Ngoại giao Belarus nói chiều 24/5, chỉ trích ngược lại các nước phương Tây đã "chính trị hóa" vấn đề.
Phía Belarus giải thích rằng trong quá trình kiểm tra máy bay đã phát hiện trong danh sách hành khách có nhân vật đối lập Roman Protasevich và bắt giữ người này.
Các hành khách khác tiếp tục lên đường đến Vilnius sau khi quá trình kiểm tra không phát hiện thiết bị nổ nào. Chiếc máy bay ban đầu đang trên đường bay từ Athens (Hi Lạp) đến Vilnius (Lithuania).
Belarus xác nhận các nhân viên kiểm soát không lưu đề nghị máy bay chuyển hướng nhưng không buộc nó phải hạ cánh. Nước này cho biết sẽ mở cuộc điều tra minh bạch về báo động giả.
|
Roman Protasevich. |
Roman Protasevich (26 tuổi), hành khách trong chuyến bay trên, đồng sáng lập kênh truyền hình Nexta và đã công bố nhiều hình ảnh về các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hồi năm ngoái.
Ông Protasevich bị chính quyền Belarus truy nã với các tội danh bị cáo buộc như tổ chức bạo loạn, kích động thù hận...