Bến Tre hiện thực hóa chiến lược phát triển về hướng biển

(PLVN) -  Bến Tre có chiều dài bờ biển trên 65km nên tập trung phát triển kinh tế biển về hướng Đông có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện thành công tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bến Tre đến 2030, tầm nhìn 2045. PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre về vấn đề này.
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre phát biểu tại Hội thảo phát triển Bến Tre về hướng Đông.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre phát biểu tại Hội thảo phát triển Bến Tre về hướng Đông.

Dồn sức phát triển, tạo sự đột phá cùng đất “chín rồng”

Theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Bến Tre ngày 29/01/2021 phát triển Bến Tre về hướng Đông, đã đưa ra 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong năm đầu tiên triển khai Nghị quyết này, Bến Tre sẽ ưu tiên tập trung nhiệm vụ trọng tâm nào?

- Với quyết tâm cao nhất, tỉnh đã thực hiện đột phá một số ngành kinh tế biển chủ lực, chú trọng phát triển 4.000ha tôm ứng dụng công nghệ cao, phát triển các dự án điện gió, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp… Song song, Bến Tre tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tạo nền tảng để phát triển tỉnh về hướng Đông. Tỉnh đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ xin chủ trương nghiên cứu lập Đề án quy hoạch phát triển Khu kinh tế ven biển tỉnh Bến Tre nhằm mở ra không gian phát triển mới, tạo động lực đột phá.

Tập trung phát triển năng lượng sạch là một trong những trọng tâm. Tỉnh đã thực hiện các dự án năng lượng sạch đến đâu để đến 2025 phát triển ít nhất 1.500MW, năm 2030 3.000MW như mục tiêu đề ra?

- Tỉnh đang có 19 dự án điện gió được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 với quy mô 1.007MW. Tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện các công đoạn nghiệm thu 8 dự án, phấn đấu kịp vận hành cuối 2021. Với 11 dự án còn lại đã cơ bản hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công vào cuối năm nay, dự kiến hoàn thành cuối 2022.

Tỉnh đã trình Bộ Công Thương đề xuất đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021-2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện VIII) các dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất hơn 6.000MW.

Bến Tre xác định ngành du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn. Vậy tỉnh đã có những chính sách gì để thu hút đầu tư, nhất là phát triển du lịch 3 huyện ven biển (Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú)?

- Bến Tre quan tâm đầu tư nhiều công trình hạ tầng du lịch từ giao thông, bến bãi, nước sạch... trong đó có hạ tầng du lịch các huyện ven biển như khu Cồn Bửng, tuyến đê quốc phòng ven biển Cồn Ngoài huyện Ba Tri, hệ thống kết cấu hạ tầng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển. Tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế chính sách có tác động gián tiếp trong việc thu hút đầu tư; từ đó hỗ trợ, tạo động lực, đòn bẩy kêu gọi thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia... Tỉnh củng cố hệ thống hạ tầng phương tiện, bến bãi, cơ sở vật chất để vừa thu hút vừa đảm bảo an toàn cho du khách; tổ chức bàn tròn cà phê doanh nghiệp du lịch để kịp thời nắm bắt, giải đáp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng phát triển du lịch, đặc biệt sẽ các dự án nghỉ dưỡng cao cấp ven biển…

Tỉnh đã chuẩn bị những gì để đề xuất lập đề án thành lập Khu kinh tế ven biển Bến Tre?

- Tỉnh đã phối hợp lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương nghiên cứu lập Đề án trình Thủ tướng để xin chủ trương. Đồng thời, tỉnh đang triển khai xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh đã có văn bản kiến nghị các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung vào quy hoạch cấp vùng. Phối hợp Tiền Giang, Trà Vinh chuẩn bị hồ sơ thực hiện tuyến đường ven biển. Từng bước hoàn thiện hạ tầng và phát triển công nghiệp của Khu kinh tế biển, quy hoạch 5 khu công nghiệp theo hướng di dời về các huyện vùng biển gắn với việc phát triển khu kinh tế ven biển.

Tỉnh cũng triển khai thực hiện dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận, huyện Bình Đại diện tích 231,78ha. Xúc tiến quy trình thực hiện dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp An Nhơn, huyện Thạnh Phú quy mô khoảng 490ha và kêu gọi đầu từ các dự án Khu công nghiệp còn lại theo quy hoạch…

Nhân lực - yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững

Yếu tố con người đóng vai trò như thế nào trong việc phát triển Bến Tre về hướng Đông? Hiện Bến Tre có những chính sách gì để thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển?

- Phát triển Bến Tre về hướng Đông là chủ trương lớn, có tính đột phá, chiến lược, sự tích hợp nhiều nội dung, phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, nhằm tạo sức bật chung trong phát triển toàn diện khu vực ven biển của tỉnh, nên đòi hỏi nguồn lực rất lớn về tài chính, nhân sự. Để thực hiện thành công, phải tập trung huy động mọi nguồn lực, trong đó nguồn nhân lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng, mà trước hết là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, nhất là chú trọng bố trí nhân sự có tầm nhìn sâu rộng, có khả năng hoạch định chiến lược để giữ vai trò lãnh đạo ở các ngành và các địa phương có biển. Đồng thời, quan tâm tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn, có tâm huyết, trách nhiệm cao, có tinh thần đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ để bố trí công tác theo đúng vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh, nhất là chú trọng các ngành phục vụ phát triển kinh tế biển của địa phương.

Tỉnh cũng quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xã hội nói chung và nhân lực phục vụ phát triển các huyện biển nói riêng. Tỉnh đã ban hành Đề án và Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 để tổ chức thực hiện đồng bộ trong toàn tỉnh. Xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp đột phá là đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tận dụng cơ hội đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ các tổ chức trong nước và quốc tế.

Triển khai chiến lược phát triển Trường Cao đẳng Bến Tre giai đoạn 2021 - 2030, hoàn thành thủ tục, triển khai cơ sở vật chất và đưa vào hoạt động Trường Đại học Bến Tre là thành viên của Đại học Quốc gia TP HCM để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Trong tiểu vùng ven biển phía Đông, Bến Tre có vị trí quan trọng kết nối Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh.

Trong tiểu vùng ven biển phía Đông, Bến Tre có vị trí quan trọng kết nối Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh.

Đẩy mạnh liên kết vùng, mở ra không gian phát triển mới

Tạo sự liên kết với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là một yếu tố quan trọng. Vậy hiện tại hạ tầng giao thông – logistic của tỉnh đã được đầu tư như thế nào?

- Về hạ tầng giao thông – logistics, dự án cầu Rạch Miễu 2 dự kiến khởi công vào năm 2022; đường gom cầu rạch Miễu 2 đang lập dự án đầu tư, tỉnh nỗ lực cao nhất để khởi công vào đầu năm 2022.

Bên cạnh đó, tuyến đường ven biển (điểm đầu là ranh giới tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre; điểm cuối là ranh giới tỉnh Bến Tre và tỉnh Trà Vinh, tổng chiều dài 53km) đã được cập nhật vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030. Trong dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án trọng điểm, dự án có tính liên kết vùng, đường ven biển, Bến Tre có dự án cầu Bình Thới 2 (là điểm đầu của tuyến đường ven biển kết nối QL50 của tỉnh Tiền Giang) với kinh phí 1.500 tỷ đồng. Đồng thời, Bến Tre đang triển khai thực hiện một số dự án Đường đê bao ngăn mặn kết hợp giao thông qua 03 huyện Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú, liên huyện Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú…

Về cảng biển, Bến Tre có 4 khu bến, gồm: Giao Long, Hàm Luông, Thạnh Phú, Bình Đại và các bến vệ tinh đã được Thủ tướng phê duyệt trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, mỗi cụm công nghiệp đều có đầu tư bến cảng hàng hóa để phục vụ vận chuyển hàng hóa.

Nhìn chung, Bến Tre phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics. Phù hợp với đặc điểm tự nhiên, với quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển Bến Tre về hướng Đông và liên kết Đồng bằng sông Cửu Long, phù hợp với quy hoạch ngành và lĩnh vực liên quan. Góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kết nối với khu vực cũng như các vùng trong cả nước.

Những phương án, kế hoạch đẩy mạnh quá trình xây dựng Bến Tre đã bị ảnh hưởng như thế nào từ tác động của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua?

- Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, có những lúc tỉnh phải tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, việc thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế việc di chuyển giữa các địa phương là một trong nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ triển khai các phương án, chương trình, kế hoạch và các công trình, dự án. Hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không thể triển khai các nội dung liên kết, xúc tiến du lịch theo kế hoạch. Các dự án phát triển đô thị tại 3 huyện biển bị đình trệ. Việc phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng Đề án Khu kinh tế biển, phối hợp với đơn vị tài trợ mời các nhà đầu tư chiến lược, tiềm năng để trao đổi, thống nhất và ký kết biên bản ghi nhớ làm cơ sở triển khai thực hiện cũng chưa thực hiện được.

Trong công tác lập Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, đơn vị tư vấn bị hạn chế trong đi thực tế địa phương, nắm tình hình, tham vấn ý kiến, thảo luận, làm việc trực tiếp về mục tiêu, định hướng phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương… Điều này đã ảnh hưởng nhất định đến tiến độ, thời gian và chất lượng lập quy hoạch tỉnh.

Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh sẽ khẩn trương khôi phục các hoạt động để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công việc theo chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm