Bến Tre: Thành tựu "đáng nể" từ ứng dụng công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau gần 6 tháng đẩy mạnh triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp đến nay ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã có thành tựu nổi bật trên nhiều phương diện.
Bến Tre: Thành tựu "đáng nể" từ ứng dụng công nghệ cao

Ứng dụng các phần mềm vào nông nghiệp

Ngày 2/8/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ra mắt Fanpage “Nông nghiệp Bến Tre” trên mạng xã hội và “Không gian tri thức xanh” nhằm giới thiệu không gian đọc trực tuyến, vận động người dân quan tâm, hưởng ứng và ủng hộ các chương trình, hoạt động của ngành nông nghiệp. Từ đó, tạo sự kết nối, lan tỏa mạnh mẽ kết quả, hình ảnh hoạt động của ngành nông nghiệp trong toàn hệ thống và Nhân dân.

Tại các buổi đối thoại với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều cán bộ, công chức, viên chức trẻ quan tâm về các vấn đề thương mại điện tử đối với lĩnh vực phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Nhất là việc kiểm tra, kiểm định chất lượng hàng hóa, chi phí áp dụng cho hợp tác xã, tổ hợp tác khi vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc trong một mã số vùng trồng canh tác cây ăn trái từ 10 - 20 ha.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn khi người trẻ lại không làm nông và người già lại không đủ điều kiện tiếp cận ứng dụng chuyển đổi số, trong khi nền nông nghiệp ở Bến Tre đang ở trạng thái manh mún...

Tiếp thu các vấn đề đặt ra, các sở, ngành đưa ra nhiều giải pháp thực hiện nhằm giúp phát triển nông nghiệp của tỉnh bền vững theo hướng chuyển đổi số toàn diện. Đồng thời, xây dựng và khai thác dữ liệu số ngành nông nghiệp cũng như ứng dụng các phần mềm trong lĩnh vực nông nghiệp; Và những định hướng, các giải pháp trong việc ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Bến Tre…

Từ lý luận khoa học đến thực tiễn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện 07 đề tài bao gồm: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý chuỗi giá trị cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Nghiên cứu xây dựng mô hình chuyển đổi số trong quản lý Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Xây dựng hệ thống thu thập số liệu tự động và hỗ trợ ra quyết định trong công tác quản lý và khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bến Tre trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Nghiên cứu chế tạo đầu dò đo độ mặn bằng vật liệu nano và tích hợp thành hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn tự động ứng dụng tại tỉnh Bến Tre và vùng phụ cận; Nghiên cứu xây dựng hệ thống xử lý nước nhiễm mặn có ứng dụng IoT để cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng bị xâm nhập mặn tỉnh Bến Tre và một số tỉnh lân cận; Nghiên cứu chế tạo hệ thống quan trắc độ mặn và đóng mở tự động các cống ngăn mặn sử dụng cảm biến nano; Và Ứng dụng Map4D GIS Platform cho việc số hóa, quản lý nuôi tôm công nghệ cao (4000 ha) tại tỉnh Bến Tre.

Theo đó, các đề tài là cơ sở lý luận vững chắc, có giá trị định hướng trong việc áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp hiệu quả, tránh lãng phí.

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

Trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, tại hợp tác xã bưởi da xanh Giồng Trôm thí điểm triển khai hệ thống giám sát và theo dõi sâu bệnh hại thông minh trên cây ăn trái tích hợp camera điện toán biên. Cũng như hệ thống quan trắc chất lượng nước thông minh và hệ thống bơm nước thông minh đầu tư vùng. Có 25 hộ nông dân đầu tư hệ thống tưới thông minh và phân bón thông minh. Mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 và thiết bị thông minh vào quản lý, canh tác và truy xuất nguồn gốc chuỗi giá trị bưởi da xanh Bến Tre cũng được triển khai. Nhật ký điện tử được áp dụng. Ngoài ra còn ứng dụng công nghệ tưới tự động, phun thuốc tự động đối với cây trồng.

Đối với chăn nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre tiến hành quản lý sản phẩm nuôi cấy mô trong phòng nuôi cấy tế bào thực vật, máy cho tôm ăn tự động, ứng dụng tế bào quang điện (Solar cells) đối với thủy sản. Kế đó là tế bào quang điện giúp sử dụng hiệu quả không gian (phía trên lắp pin năng lượng, phía dưới nuôi tôm). Qua đó, giúp giảm chi phí năng lượng các thiết bị trong doanh nghiệp nuôi tôm được cấp điện mặt trời và các bộ pin điện mặt trời, góp phần giảm chí phí đáng kể trong ngành tôm. Đã có 14 trại chăn nuôi heo áp dụng chuồng lạnh, 20 trại chăn nuôi gà áp dụng mạch điều chỉnh ánh sáng tự động.

Chuyển đổi số nông nghiệp. Ảnh minh hoạ.

Chuyển đổi số nông nghiệp. Ảnh minh hoạ.

Trong lĩnh vực thủy sản, tỉnh Bến Tre ứng dụng xử lý số liệu thống kê sản lượng thủy sản khai thác, hệ thống giám sát hành trình tàu cá thực hiện giám sát tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển; chống đánh bắt bất hợp pháp. Cạnh đó tỉnh Bến Tre ứng dụng kiểm soát tàu cá cập/rời cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác qua cảng. Đồng thời, tỉnh đầu tư lắp đặt 8 trạm quan trắc để tiếp cận theo dõi, chủ động trong công tác phòng ngừa, dự báo trong sản xuất (trong thời gian tới triển khai thêm 6 trạm quan trắc tự động môi trường nước cho vùng nuôi tôm trên địa bàn huyện Thạnh Phú)...

Đến nay, tỉnh Bến Tre đã hoàn thành nhiệm vụ được giao gồm: Hoàn thành và đưa vào vận hành Phần mềm quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản, 23 phần mềm/cơ sở dữ liệu đang được sử dụng.

Chưa hết, các phần mềm/cơ sở dữ liệu do các đơn vị thuộc trung ương triển khai có 16 phần mềm/cơ sở dữ liệu và 7 phần mềm/cơ sở dữ liệu khác trên các lĩnh vực ngành nông nghiệp. Tổ chức triển khai thử nghiệm Hệ thống nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với mục tiêu hình thành một hệ thống quản lý thông tin dùng chung, toàn diện.

Áp dụng nông nghiệp công nghệ cao

Tối ngày 13/10, trong số 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023, được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh có tới hơn 40 nông dân đạt lợi nhuận trên 3 tỷ đồng/năm. Trong đó, ông Lê Văn Sấm xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) có “lợi nhuận khủng” nhất. Với 40ha nuôi tôm, trong 8 tháng đầu năm 2023, ông Sấm đã thu hoạch được hơn 1.000 tấn tôm, bán được 110 tỷ đồng, lợi nhuận đã đạt 45 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2023, doanh thu từ bán tôm của ông Sấm sẽ đạt hơn 140 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 50 - 60 tỷ đồng.

Nông dân ông Lê Văn Sấm có lợi nhuận "khủng" từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao huyện Thạnh Phú.

Nông dân ông Lê Văn Sấm có lợi nhuận "khủng" từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao huyện Thạnh Phú.

Có thể nói, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) chứng kiến ​​một cuộc cách mạng trong ngành nuôi trồng thủy sản. Nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trở thành một xu hướng và tăng trưởng mạnh mẽ. Sự kết hợp giữa công nghệ và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của huyện đã tạo nên một mô hình nuôi tôm biển hiệu quả và bền vững.

Sau 6 năm đàm phán, ngày 28/11, lô bưởi da xanh đầu tiên của Việt Nam chính thức được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ. Theo đó, bưởi được xuất khẩu là giống bưởi da xanh trồng tại Bến Tre. Nhiều năm qua, Sở NN&PTNT Bến Tre đã phối hợp với các ban ngành có liên quan hướng dẫn, tuyên truyền và vận động người dân canh tác bưởi theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ nhằm xây dựng ngành nông nghiệp với vùng sản xuất tập trung theo hướng chuỗi giá trị.

Lô bưởi da xanh đầu tiên của Việt Nam tại Bến Tre chính thức được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ.

Lô bưởi da xanh đầu tiên của Việt Nam tại Bến Tre chính thức được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ.

Đến nay, toàn tỉnh có 32 tổ hợp tác, 12 hợp tác xã, hình thành 19 liên kết với doanh nghiệp, có 330ha diện tích bưởi da xanh đạt chứng nhận VietGAP và đã cấp 25 mã số vùng trồng bưởi với diện tích 346ha. Đặc biệt, hiện Bến Tre có 3 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu. Bên cạnh đó, cây bưởi da xanh Bến Tre đạt chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu bưởi da xanh sang thị trường Hoa Kỳ.

Đọc thêm