Đổi thay ở Dộ-Tà Vờng nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dộ-Tà Vờng là bản vùng rẻo cao, đặc biệt khó khăn của xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Toàn bản có 86 hộ dân thì đã có đến 97% hộ thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được triển khai thực hiện cho vay đến bà con nơi đây, bà con người dân tộc đã mạnh dạn vay vốn lãi suất ưu đãi để chăn nuôi, trồng rừng và phát triển kinh tế.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách huyện Minh Hóa về tận cơ sở để hướng dẫn việc sử dụng vốn vay cho bà con. (Ảnh: PV)
Cán bộ Ngân hàng Chính sách huyện Minh Hóa về tận cơ sở để hướng dẫn việc sử dụng vốn vay cho bà con. (Ảnh: PV)

Để đến được bản Dộ-Tà Vờng, từ trung tâm huyện Minh Hóa đi xe ô tô phải đi một chặng đường dài gần 100km, với khoảng 40km đường rừng núi, đèo dốc và quanh co. Bà con dân tộc nơi đây chủ yếu là người Bru-Vân Kiều, người Khùa và người Mày. Trong những năm trước đây, cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu là nhờ vào sự hỗ trợ, trợ cấp hàng tháng của Nhà nước, như: gạo ăn hàng ngày, cây con giống…

Tuy nhiên, những năm trở lại đây nhiều bà con dân tộc đã thay đổi về nhận thức, mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển chăn nuôi, trồng cây keo lai, cây tràm.

Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội là nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp và ổn định, thời gian cho vay dài, từ đó Ban Chỉ đạo giảm nghèo, chính quyền địa phương, cấp ủy Đảng xã Trọng Hóa đã chủ động chỉ đạo thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn giao cho tổ chức Hội Nông dân quản lý để thực hiện làm cầu nối chuyển tải nguồn vốn đến với các hộ đồng bào dân tộc có phương án vay vốn và thực sự có nhu cầu vay vốn để tạo cần cầu cho họ vươn lên bằng nội lực của mình.

Nguồn vốn phân giao bổ sung về được Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng với trưởng bản tổ chức họp bình xét công khai, dân chủ, có sự xem xét hộ trước, hộ sau, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay vốn thực sự của bà con.

Đến nay, toàn bản có 86 hộ dân thì đã có 40 hộ bà con có vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, chiếm 46,5% số hộ, số vốn vay là 1,4 tỷ đồng. Điều rất đặc biệt là đa số bà con vay vốn phát huy rất tốt hiệu quả, bà con rất có ý thức trong việc sử dụng nguồn vốn vay, thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước về trả nợ, trả lãi, không có trường hợp để nợ vay quá hạn.

Điển hình các hộ vay vốn phát huy tốt hiệu quả như: Hộ ông Hồ Khiên vay vốn hai chương trình tín dụng với số tiền 150 triệu đồng để chăn nuôi bò và trồng cây keo lai, hàng năm tiền thu về từ bán bò cũng đem lại thu nhập kha khá cho gia đình từ 25 - 30 triệu đồng/năm;

Hay như hộ ông Hồ Khăm vay vốn số tiền 80 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ cận nghèo đã tạo thêm sức cày kéo và tạo việc làm cho 3 lao động trong gia đình, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện gia đình ông đã có của ăn, của để, ổn định kinh tế hơn rất nhiều so với trước đây.

Bên cạnh vay vốn phát triển kinh tế cho gia đình thì hai ông Hồ Khiên và Hồ Khăm đã tích cực, nhiệt tình hỗ trợ, vận động các hộ khác có phương án vay vốn và có nhu cầu vay vốn, mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Đọc thêm