Bềnh bồng chợ nổi miền Tây

(PLO) - Miền đất “Chín Rồng” mênh mang nước với hệ thống sông ngòi chằng chịt, cửa sông đan xen, ghe thuyền xuôi ngược đêm ngày. Mưu sinh, mua bán trên sông nên xuồng là phương tiện chủ yếu của người dân miền Tây đất phương Nam. 
Bềnh bồng chợ nổi miền Tây
Cảnh mua bán ấy được gọi là chợ nổi. Trên bờ người chen lấn qua lại, dưới sông ghe tàu chen chúc vào ra…
Đông vui như trẩy hội

Chợ nổi miền Tây có từ bao giờ chẳng ai nhớ. Nhưng bao đời nay đã hình thành một nền kinh tế - văn hoá sông nước mang tính cộng đồng. Việc đi lại, giao lưu văn hoá, phát triển kinh tế bằng đường thuỷ, nhóm họp buôn bán trên sông, giúp người dân dễ dàng hoà nhập cộng đồng và trở thành tập quán trên bến dưới thuyền. Và đây cũng là nét đặc sắc tạo nên tính cách phóng khoáng, cởi mở của người dân sông nước Nam bộ. 

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, hầu như địa phương nào cũng có chợ nổi: Tiền Giang có chợ nổi Cái Bè; Cần Thơ với chợ nổi Cái Răng, Phong Điền; Hậu Giang có chợ nổi Ngã Bảy; chợ nổi Ngã Năm ở Sóc Trăng; Mang Thít, Trà Ôn là hai chợ nổi của Vĩnh Long, Cà Mau… 

Chợ nổi khác với chợ trung tâm đô thị, chợ xã và càng khác xa với chợ phiên miền Bắc. Đặc biệt, chợ nổi là đầu mối giao lưu lớn nhất của khu vực, tập trung đủ loại sản vật nông nghiệp và là nơi hội tụ của nhiều dòng sông từ các nơi đổ về. Mỗi ngày, trên chợ nổi có hàng ngàn thương hồ tấp nập ngược xuôi, hàng hóa bày bán phong phú. Một lần đến với chợ nổi là mãi không thể quên cái không khí đông vui, tấp nập đó. 
Chợ nổi Cái Răng tồn tại trên 100 năm qua, là một trong những điểm tham quan đặc sắc nhất của TP Cần Thơ và cũng là một nét văn hóa đặc trưng vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cũng giống như các chợ nổi khác, Cái Răng chuyên trao đổi, mua bán nông sản, hàng hóa, thực phẩm... cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 6km đường bộ và mất 30 phút khi đi bằng thuyền từ bến Ninh Kiều. 

Tên Cái Răng cũng có nhiều điểm khá ly kỳ. Trước đây, người Khmer sống ở vùng Xà Tón (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) chuyên làm lò Cà Ràng, mang về đây bán rất nhiều (Cà Ràng là một loại bếp lò độc đáo vừa bao gồm nơi nấu với 3 ông Táo gắn với một thân đáy chịu lửa hình số 8 dùng đun củi, cời than). Các ghe thương hồ đem bán tại các chợ lớn, chợ nhỏ hoặc bán lẻ tận những vùng sâu, vùng xa khắp Đồng bằng sông Cửu Long mà Cái Răng được xem là “tổng đại lý” mặt hàng này. 

Người dân địa phương gặp, hỏi nhau: “Đi đâu?”. “Đi chợ Cà Ràng”. Dần dà từ chợ Cà Ràng người dân nói trại ra là Cái Răng. Tuy nhiên, còn có những cách lý giải khác về chợ nổi Cái Răng lưu truyền trong dân gian. Ví như, theo truyền thuyết, “tên gọi Cái Răng xuất phát từ câu chuyện thời khẩn hoang có con cá sấu rất lớn dạt vào đây, răng của nó cắm vào vùng đất này”. 

 
Từ xa xa, có thể thấy những chiếc ghe bồng bềnh và đó cũng là nơi gia đình thương hồ sinh sống với nhiều thế hệ. Nó mang đậm chất Nam bộ, ngay trong lòng Tây Đô - thủ phủ vùng sông nước miền Tây. Chợ thường nhóm họp vào khoảng 3 giờ sáng, khi mặt trời chưa rạng và kéo dài đến khoảng 9 giờ thì tan… 
Chợ nổi miền Tây vào xuân đông vui như trẩy hội. Các chủ hàng không ngừng “làm đẹp” cho sản phẩm của mình. Họ rao nào hoa mai thêm lộc, thêm tài; nào vạn thọ sống lâu lên lão, lên ông... Người miền Tây rất thích bài trí không gian gia đình bằng quà tặng mùa xuân đặc biệt này. Trước cổng và lối đi vào nhà ngày Tết luôn chứa đầy cúc vạn thọ. Bước lên thềm nhà, khách được chào đón bằng những bông mai vàng rực rỡ. Nhà có người trẻ chào đón bạn bè bằng những khóm hồng xinh xinh. Dường như mùa xuân giúp con người gần gũi với thiên nhiên hơn cả… 
“Cắm cây sào tre, bẹo hình bẹo dạng”

Đến với chợ nổi, từ xa trên các ghe thương hồ thấy một cây sào cắm cao - đó là cây bẹo. Nếu như ghe này bán dưa hấu thì trên cây bẹo sẽ treo vài quả dưa hấu, nếu ghe kia bán xoài, cam, ổi thì trên ghe bán toàn xoài, cam, ổi mà thôi. Độc đáo là thế. Thuyền bồng bềnh theo con nước, theo làn gió nhè nhẹ, miên man. 

Chúng ta có thể tận mắt thấy một màu xanh của dưa hấu căng tròn mọng nước; màu đỏ của chôm chôm, vàng ruộm của xoài… nằm trật tự trên ghe theo hàng theo lối. Trái cây, nông sản nơi đây là thế, luôn mang trong mình vị ngọt của dòng sông hiền hòa quanh năm phù sa bồi đắp. Vị đậm đà, chân chất của người thương hồ quanh năm sinh sống trên sông. Chợ nổi trở thành chợ đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây và nông sản của vùng. 

Anh Lâm Văn Tình (người chuyên buôn khóm (dứa) từ Kiên Giang) trên chợ nổi Cái Răng cho biết: Khóm mua tại ruộng 3.000 đồng, bán sỉ tại chợ 3.400 đồng/kg, chỉ trong buổi sáng ghe khóm 6 tấn của anh đã bán hết sạch, anh nán lại mua ít hàng “khô” để về quê làm bữa cơm cúng ông bà, tổ tiên ngày cuối năm.

Mấy ngày giáp tết, chợ nổi Cái Răng có một lượng lớn ghe bầu ở các tỉnh và TP Hồ Chí Minh đến neo đậu mua buôn theo kiểu thu gom để chở hàng cung cấp cho các chợ đầu mối các tỉnh và TP Hồ Chí Minh hoặc đưa sang Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc. 

Ngược lại, cũng từ chợ nổi này, những ghe bầu chuyến về chở đầy các mặt hàng nhu yếu phẩm cung cấp lại cho bà con miệt vườn trong những ngày tết, như: Vải vóc, quần áo may sẵn, giày dép, muối mắm, thuốc Tây, bánh kẹo, nước ngọt, bia... 

Còn chị Nguyễn Thị Lan, người bán bún nước lèo ở chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long) cho hay: “Năm nào tôi cũng bán từ mùng hai tết. Mấy ngày này, nam thanh nữ tú đi chơi xuân đông lắm. Chợ nổi vì thế lại rộn rịp từ mùng hai tết! “Ăn trên ghe vào những ngày năm mới là một cái thú, vừa có cảm giác bồng bềnh vừa hưởng không khí mát dịu từ sông. Bởi vậy nên người trên chợ nổi cũng “xuân” chẳng kém tí nào” - chị Lan dí dỏm. 

Đi chợ nổi Cái Răng ngày xuân, tôi thích nhất là thỉnh thoảng bắt gặp hình thức giao hàng độc đáo của dân thương hồ: Người bán đứng trên thuyền hàng gieo từng cặp khóm, cặp dưa hấu cho người mua dưới thuyền đưa hai tay bắt lấy, từng cặp nhịp nhàng, điệu nghệ và không hề sơ suất. Hình ảnh này khiến cho rất nhiều khách du lịch len lỏi vào sát thuyền hàng để ngắm, để chụp ảnh và giữ chân họ lâu hơn. Không chỉ các thuyền buôn nhóm chợ trên sông mà chợ nổi ngày xuân còn có cả các loại xuồng bán hàng rong phục vụ ăn uống, giải khát như phở, hủ tiếu, bánh mì kẹp thịt, cà phê, kem...

Thậm chí có cả những “quán nhậu nổi” trên mui thuyền lớn để các ông chủ miệt vượt ngồi giữa bốn bề hoa trái tranh thủ “lai rai” ly rượu đế, ngâm vài câu vọng cổ “Thương hồ ca” trong lúc chờ mối đến giao, nhận hàng... 

Chiếc thuyền quay ngược dùng dằng giữa đến và đi khiến lòng lữ khách xốn xang, lưu luyến đến lạ. Tôi nghe đâu đó vọng lại câu hò: “Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về...”.

Đọc thêm