Những mảnh đời trôi dạt
Theo Reuters, vào hồi tháng 4 tại một bệnh viện ở thành phố Maracaibo phía tây Venezuela, anh William Lopez, 45 tuổi, chỉ vừa mới kết nối với máy chạy thận để tiến hành lọc máu, nhưng điện bỗng sập xuống.
Đối với một người bị suy thận như Lopez, vì không thể lọc máu và loại bỏ độc tố tích tụ trong máu anh luôn cảm thấy chóng mặt và buồn nôn. Và cũng giống như bất kỳ bệnh nhân thận mãn tính, anh có thể chết bất kỳ lúc nào nếu không kịp thời điều trị.
Bất lực khi không thể chữa bệnh, Lopez bật khóc vì quá bế tắc. Anh là một trong 11.000 người Venezuela đang điều trị chạy thận nhưng vì tình trạng mất điện kéo dài mà rơi vào hoảng loạn. “Một số người không được điều trị vùi mình vào giấc ngủ. Nhưng tôi thì không, tôi sợ rằng nếu ngủ tôi sẽ không bao giờ thức dậy được nữa”, Lopez nói trong sự lo lắng.
Cũng giống như anh Lopez, bà Lesbia Avila, 53 tuổi, hiện đang sống tại một khu phố lao động Maracaibo, cũng rơi vào hoàn cảnh éo le tương tự. Trong một buổi sáng gần đây khi vừa thức dậy, bà cảm thấy mệt mỏi khi chỉ được điều trị chạy thận trong gần 2 tiếng đồng hồ từ ngày hôm trước, do không có điện và thiết bị lọc máu. Lesbia Avila cảm thấy khó thở vì không được chạy thận đủ thời gian cần thiết. Bởi tại trung tâm lọc máu thuộc sở hữu tư nhân nơi bà điều trị chỉ có 18 trong 35 máy lọc máu còn hoạt động được. “Tôi chỉ cầu xin Chúa rằng nếu tôi chết, thì đừng chết do bị nghẹt thở”, bà Avila nói với giọng thều thào, khuôn mặt tái nhợt.
Trong khi đó, ông Carlos Marquez, Chủ tịch Hiệp hội Thận học Venezuela cũng cho biết, tình hình cũng không khá hơn tại 136 bệnh viện công cung cấp dịch vụ chạy thận trên cả nước. Nhiều máy trong tổng cộng 1.600 máy chạy thận ở các bệnh viện công không hoạt động nhưng Bộ Y tế Venezuela không công bố số liệu cụ thể. Vì bệnh viện công thiếu thiết bị chạy thận, ở Maracaibo bắt đầu mọc lên nhiều trung tâm lọc máu tư nhân với chi phí lên tới 70USD/buổi điều trị kéo dài 3 giờ đồng hồ. Số tiền này tương đương với một năm tiền lương tối thiểu của người lao động Venezuela.
“Giá như tôi được sinh ra trong một gia đình giàu có, thay vì chạy thận tôi sẽ mua cho mình một quả thận mới. Tôi đã không được chạy thận trong hai ngày qua vì mất điện. Thực sự tôi đang rất sợ hãi!”, anh Aidalis Guanipa, 25 tuổi, đang sống với bà nội 83 tuổi ở Maracaibo. Hai người sống bằng tiền trợ cấp của bà và kiếm thêm từ nghề bán bánh.
Chưa biết khi nào có điện hoàn toàn
Trong nhiều năm trở lại đây, nhờ vào nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ nên Chính phủ chi tiêu hào phóng cho việc chăm sóc sức khỏe của người dân. Tại các bệnh viện công của Venezuela đã tiến hành điều trị lọc máu miễn phí, nhưng kể từ khi nền kinh tế của Venezuela lao dốc cùng với giá dầu vào năm 2014, máy lọc máu mới hiếm khi được trang bị, các máy móc hiện tại lại không được bảo trì.
Tổng thống Nicolas Maduro nói rằng, vấn đề chăm sóc sức khỏe ở Venezuela ngày càng trở nên tồi tệ bắt nguồn từ những lệnh trừng phạt từ Mỹ. Tài chính từ các ngân hàng nước ngoài bị phong tỏa nên không thể thanh toán các thiết bị nhập khẩu và thuốc men. Ông cũng cáo buộc Mỹ đứng sau những hoạt động phá hoại hệ thống điện, gây ra khủng hoảng mất điện trên toàn quốc.
Khủng hoảng mất điện càng khiến tình hình đất nước trở nên trầm trọng. Mặc dù điện phần lớn đã được khôi phục ở Caracas, thủ đô Venezuela, sau hai lần mất trên toàn quốc hồi tháng 3 và tháng 4. Nhưng ở nhiều khu vực khác, điện chỉ được cung cấp trong vài giờ mỗi ngày theo kế hoạch phân phối có định mức của Tổng thống Nicolas Maduro. Ít có khu vực nào bị ảnh hưởng nặng nề như Maracaibo, thành phố lớn thứ hai của đất nước. Nơi đây đang bị cắt điện 10 giờ hoặc hơn mỗi ngày. Điều đó dẫn đến tình trạng thiếu nước, gây khó khăn cho việc cung cấp tối thiểu 120 lít nước mà theo các bác sĩ là cần thiết cho một buổi điều trị lọc máu đầy đủ. Trong khi đó, điều trị lọc máu đòi hỏi phải có nguồn điện và nước ổn định. Một buổi điều trị được khuyến nghị kéo dài ba đến 4 giờ và ba buổi mỗi tuần.