“Tôi nhiều lần yêu cầu họ cho chồng tôi thở ô xy vì thấy tại Việt Đức, dù vào phòng chụp, chiếu, chồng tôi vẫn được thở bằng ô xy nhưng các y tá vẫn một mực yêu cầu phải làm xong thủ tục nhập viện. Chính sự chủ quan của họ đã khiến chồng tôi chết oan ức", chị Lâm, vợ bệnh nhân xấu số Vũ Thanh Bình (31 tuổi, ở phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội), nói.
Chết bất thường
Theo chị Phạm Thị Lâm (vợ bệnh nhân Bình), bệnh nhân Bình bị bệnh lao, được người nhà đưa vào Bệnh viện hữu nghị Việt - Đức từ ngày 29/3. Sau khi khám tại đây, anh Bình được các bác sĩ của Bệnh viện Việt - Đức chẩn đoán bị bán tắc ruột do lao và tư vấn nên chuyển sang Bệnh viện lao phổi Trung ương điều trị cho đúng chuyên ngành.
Sáng 1/4, bệnh nhân Bình được người nhà làm thủ tục xuất viện và được xe cấp cứu của bệnh viện Việt Đức cùng một y tá đi cùng để chuyển viện sang Bệnh viện lao phổi Trung ương vào hồi 12h cùng ngày.
Theo người nhà bệnh nhân Bình, khi chuyển viện, thể trạng anh Bình vẫn hoàn toàn bình thường, có thể trò chuyện với người nhà, không hề có dấu hiệu nguy kịch nhưng vẫn phải thở bằng bình ô xy. Khi đến Bệnh viện lao phổi Trung ương, xe của Bệnh viện Việt - Đức chở thẳng anh Bình tới phòng cấp cứu.
Ít phút sau, có một y tá của Bệnh viện lao phổi Trung ương đến yêu cầu người thân của bệnh nhân đẩy bệnh nhân ra phía cổng bệnh viện cách đó khoảng hơn 100m để làm thủ tục nhập viện.
Tuy nhiên, y tá này không cho bệnh nhân tiếp tục thở ô xy và cũng không có y tá nào đi kèm dù người nhà bệnh nhân Bình có yêu cầu cho thở ô xy.
Khi thấy anh Bình thở yếu, chị Lâm yêu cầu bệnh viện cho bệnh nhân thở bình ô xy thì nhân viên của bệnh viện nói, phải chờ làm xong thủ tục nhập viện.
|
Người nhà bệnh nhân tập trung đề nghị bệnh viện làm rõ vụ việc. |
Trong lúc chờ người nhà làm thủ tục, một y tá khác yêu cầu người nhà đẩy bệnh nhân Bình về phía phòng hồi sức cấp cứu nhưng chưa đến nơi thì anh Bình đã có biểu hiện tím tái, co giật, sùi bọt mép.
Thấy vậy, nhân viên của Bệnh viện lao phổi Trung ương đã đưa bệnh nhân vào phòng cấp cứu nhưng không có người nhà đi kèm. Khoảng 1 giờ sau, không thấy phía bệnh viện thông báo về tình trạng bệnh nhân nhưng lại thấy có người ra nói là có người chết trong phòng cấp cứu. Thấy vậy, gia đình bệnh nhân liền đập cửa xông vào thì thấy anh Bình đã tử vong.
Theo người nhà bệnh nhân Bình, nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Bình là do sự chủ quan, tắc trách của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện lao phổi Trung ương.
“Tôi nhiều lần yêu cầu họ cho chồng tôi thở ô xy vì thấy tại Việt Đức, dù vào phòng chụp, chiếu, chồng tôi vẫn được thở bằng ô xy nhưng các y tá vẫn một mực yêu cầu phải làm xong thủ tục nhập viện. Chính sự chủ quan của họ đã khiến chồng tôi chết oan ức", chị Lâm nói.
Lỗi chính do cả kíp trực hay y tá năng lực yếu?
Trao đổi với báo chí về vụ việc trên, PGS - TS Đinh Ngọc Sỹ, GĐ Bệnh viện Phổi Trung ương thừa nhận, bệnh nhân Bình đã bị tháo bình ô xy ra ngoài là việc có thật.
|
Ông Đinh Ngọc Sỹ, giám đốc bệnh viện Phổi TW trao đổi với báo chí. |
Theo ông Đinh Ngọc Sỹ, khi anh Bình đến viện, bệnh viện đã cho bệnh nhân thở oxy ngay. Nhưng ông Sỹ cũng cho biết, bệnh viện không có bình ô xy lưu động cho bệnh nhân. Đôi khi, việc di chuyển bệnh nhân từ phòng này sang phòng khác vẫn phải tháo bình ô xy ra.
Do vậy, theo ông Sỹ, nguyên nhân cái chết của anh Bình, bệnh viện vẫn chưa thể trả lời. Chỉ khi nào gia đình có yêu cầu giám định nguyên nhân cái chết, bệnh viện mới thực hiện. Mặt khác, để xác định nguyên nhân, sẽ phải lập hội đồng chuyên môn của Bệnh viện, của Bộ Y tế và thực hiện thủ tục pháp y.
Ông Sỹ cho hay, khi làm việc với Bệnh viện người nhà bệnh nhân lại từ chối cho mổ tử thi. Gia đình chỉ đòi hỏi làm rõ trách nhiệm của kíp trực hôm qua.
Giám đốc Bệnh viện Phổi TW khẳng định sẽ làm rõ những người thực hiện kíp trực có hành vi vi phạm pháp luật hay không, hay do lỗi của y tá hôm đó năng lực yếu kém.
Thái Sơn - Hoàng Phan