Bệnh nhân phi công người Anh: Ca bệnh nổi tiếng thế giới và kỳ tích trong cuộc chiến chống covd-19 của Việt Nam

(PLVN) - Trải qua 98 ngày điều trị, đến nay bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 91 của Việt Nam đã đủ tiêu chuẩn xuất khỏi Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy. Sự phục hồi của bệnh nhân này là một kỳ tích, khiến giới y khoa trong và ngoài nước phải ngưỡng mộ Việt Nam.
Bệnh nhân phi công người Anh: Ca bệnh nổi tiếng thế giới và kỳ tích trong cuộc chiến chống covd-19 của Việt Nam

Viên phi công người Anh - bệnh nhân nhiễm covid-19 được đánh số 91 ở Việt Nam- bị nhiễm Covid-19 tại một quán bar ở Tp Hồ Chí Minh.

Ban đầu, nhiều người cho rằng với thể lực tốt, bệnh nhân số 91 sẽ nhanh chóng bình phục. Không ai có thể nghĩ rằng bệnh nhân này đã nhanh chóng trở nặng, nhiều phen thập tử nhất sinh.

Hệ miễn dịch của bệnh nhân đã phản ứng quá mức khi bị virus tấn công, làm sản sinh ra chất cytokine chống lại chính cơ thể. Cơ chế sinh bệnh này theo chuyên môn y khoa  gọi là “cơn bão” cytokine. Chất này tấn công mạnh vào phổi, gây tổn thương phổi rất nặng nề.

Rồi bệnh nhân rối loạn đông máu, tràn khí màng phổi, cả bệnh viện thức trắng đêm theo dõi, chăm sóc. Sau đó, bệnh nhân diễn tiến bệnh nặng hơn với các biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển nhanh, vi huyết khối, xuất huyết - rối loạn đông máu nặng, suy đa tạng, nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng máu...

Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của phi công này thay đổi chóng mặt, lúc âm tính, lúc dương tính khiến các bác sĩ vô cùng lúng túng. 

Sau 65 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, bệnh nhân 91 được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tại cả hai bệnh viện, e kíp y bác sỹ đã phải tận tâm tận lực với bênh nhân 91. Phác đồ điều trị chưa có, đội ngũ y bác sĩ phải vừa điều trị, vừa mày mò tìm tòi các phương án, sử dụng, tìm mua nhiều loại thuốc từ nước ngoài, sử dụng cả thuốc không có trong phác đồ điều trị để cầm cự tính mạng cho người bệnh. 

Có thời điểm, tình trạng bệnh nhân rất nặng, suy hô hấp, chỉ số oxy hóa máu kém. Ê-kip đã phải thực hiện kỹ thuật ECMO để cứu sống bệnh nhân. Bệnh viện đã lựa chọn các bác sĩ trẻ có tay nghề cao, thực hiện được hiều kỹ thuật khác như mở khí quản, lọc máu, kỹ thuật hồi sức huyết động, hô hấp…tham gia.

Các bác sỹ đã phải tiến hành hội chẩn 3 miền, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 tính đến phương án ghép phổi khi khả năng sống còn của bệnh nhân 91 rất thấp. Đặc biệt, bệnh nhân có phần kháng thể kháng Heparin gây hội chứng giảm tiểu cầu (HIT) trên nền bệnh nhân đang dùng ECMO. Theo y văn thế giới, tỷ lệ mắc phải hội chứng này rất thấp, càng ít gặp ở bệnh nhân mắc Covid-19.

Các y, bác sỹ phải đọc rất nhiều tài liệu tham khảo để tìm kiếm thông tin về bệnh lý của bệnh nhân. Ê-kip đã quyết định chuyển qua dùng thuốc kháng đông không phải là Heparin như bình thường.

Nhiều lúc bệnh nhân phải đối diện với nguy cơ thiếu oxy máu, nguy cơ vỡ phổi, tràn khí màng phổi, có thể ngưng tim bất cứ lúc nào. Sau khoảng 7-10 ngày, dốc toàn lực của toàn bệnh viện điều trị, các bác sĩ điều chỉnh, giảm từng chút sau đó mới quyết định cai ECMO.

Sau nhiều đêm thức trắng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, các y bác sỹ vỡ òa hạnh phúc trong khoảnh khắc đầu tiên mà bệnh nhân tỉnh và nói “fantastic” – tức là tuyệt vời!

Theo thông tin trên báo NLĐ,  Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) cho biết: "Cơn bão Cytokine" là một phản ứng miễn dịch quá mức đối với các kích thích đối với cơ thể từ bên ngoài, làm cho bệnh tiến triển nhanh, tỉ lệ tử vong cao. "Cơn bão Cytokine" tử thần đã tấn công vào hầu hết các cơ quan trong cơ thể bệnh nhân nặng nhất Việt Nam. May mắn, anh đã được tiếp cận nhanh chóng với các kỹ thuật đỉnh cao, nổi trội nhất là kỹ thuật lọc máu và ECMO. Có sự chuẩn bị chu đáo, dựa trên các hiểu biết về những căn bệnh tương tự trước đó đã giúp Việt Nam thành công.

Cách Việt Nam nửa vòng trái đất, đầu tháng 5, Đại học Y khoa Georgia ở Augusta (Mỹ) mới công bố một nghiên cứu cho thấy dùng thiết bị lọc máu thay cho lọc thận thông thường sẽ giúp làm dịu "cơn bão Cytokine" ở bệnh nhân Covid-19. Còn hệ thống ôxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể ECMO, khi nhắc về bệnh nhân số 91, các báo nước ngoài luôn phải kèm theo một đoạn giải thích dài. Bởi lẽ, đó vẫn là một kỹ thuật cao, không phải bệnh viện lớn nào cũng làm được, ngay cả các nền y học được coi là tiên tiến hơn Việt Nam.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, bệnh nhân 91 còn được hưởng lợi từ hệ thống cách ly kiểm dịch chặt chẽ của Việt Nam: Hạn chế được số ca, tức hạn chế được số bệnh nhân nặng, cần chăm sóc đặc biệt. Như vậy, Việt Nam mới có thể dốc toàn lực để cố gắng cứu các bệnh nhân nặng.

Ca bệnh Covid-19 nặng nhất Việt Nam này đã được nhiều hãng tin và tờ báo quốc tế chú ý, nhất là khi Bộ Y tế quyết định dùng cả phương án ghép phổi để cứu bệnh nhân. Reuters còn nhấn mạnh việc Việt Nam đã cách ly hơn 4.000 người liên quan đến ổ dịch có bệnh nhân 91, phát hiện thêm 17 bệnh nhân khác và giúp họ hồi phục. Tổng lãnh sự Anh tại TP HCM - ông Ian Gibbons - đã viết thư cảm ơn các cơ quan y tế Việt Nam vì tận tình chăm sóc viên phi công.

Các bài viết về bệnh nhân 91 trên báo chí quốc tế nhận được khá nhiều bình luận, đa phần là những lời cảm ơn và bày tỏ sự kinh ngạc khi công dân Anh được tận tình cứu chữa ở một quốc gia xa xôi. "Câu chuyện đáng kinh ngạc về Việt Nam, một quốc gia có dân số hơn 90 triệu người, chung đường biên giới với Trung Quốc, và cách họ ngăn chặn virus thực sự gây sốc! "Zero" tử vong! Đây là bệnh nhân nguy kịch nhất của họ. Họ đã dừng nó ở biên giới" - bạn đọc có nickname m4rky4tes (thành phố Reading, Anh), bình luận. 

Đọc thêm