Bệnh nhân số 17 và “lỗ hổng” trong khai báo y tế

(PLVN) - Sau vụ bệnh nhân Covid-19 thứ 17 Tại Hà Nội khai báo không trung thực về tình trạng sức khỏe, có thể thấy nhiều “lỗ hổng” trong việc khai báo khi nó phụ thuộc chủ yếu vào sự trung thực và tính tự giác của mỗi người.
Bệnh nhân số 17 và  “lỗ hổng” trong khai báo y tế

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế TP HCM, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, điều đó không có nghĩa là bó tay với các trường hợp che giấu này. Được biết, hiện nay nhiều cách chống gian lận khai báo y tế được áp dụng tại các cửa khẩu như đối chiếu thông tin khai báo giấy tờ cá nhân, thẻ lưu trú. 

Các nhân viên chịu trách nhiệm sàng lọc tại cửa khẩu chuẩn bị bộ câu hỏi để kiểm tra trong trường hợp nghi ngờ, ví dụ hỏi đặc điểm địa bàn sinh sống tại nước ngoài, các khu vực đã đi qua. Một số trường hợp, nhân viên kiểm dịch gọi điện thoại tại chỗ để xác minh số điện thoại, kiểm tra địa chỉ cư trú thông qua công an địa phương.

Các biện pháp được thực hiện linh hoạt kết hợp kinh nghiệm và quan sát của nhân viên kiểm dịch trong quá trình sàng lọc để phát hiện người nói dối, khai thác tối đa lịch sử di chuyển của người nhập cảnh. Mỗi người nhập cảnh phải khai báo y tế tối thiểu 2 lần tại sân bay và ở nơi cách ly tập trung. Người nhập cảnh từng đi qua hoặc đến từ các quốc gia đang có dịch Covid-19 đều phải cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung.

“Khi phát hiện người gian dối, Trung tâm sẽ phối hợp với chính quyền, đưa đi cách ly hoặc giám sát tại địa phương” - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, bác sĩ Khổng Minh Tuấn cho biết.

Về vai trò của phòng khám, bệnh viện tư nhân trong phòng chống dịch, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đây là các nơi mà khách du lịch nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại TP HCM, người có thu nhập cao thường chọn đến khám trước khi đến các cơ sở y tế công lập.

Do đó, nếu bỏ sót đối tượng này sẽ là mối nguy hiểm rất lớn. Để đảm bảo không bỏ sót, bỏ lọt người nhiễm bệnh, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các cơ sở y tế tư nhân tăng cường kiểm tra, tầm soát các dấu hiệu của bệnh để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ.

“Bài học ở Hà Nội, khi người bệnh đến Bệnh viện Hồng Ngọc là một minh chứng. Mặc dù bệnh viện đã phát hiện bệnh tốt, nhưng việc cách ly tới 17 nhân viên y tế có liên quan, tiếp xúc gần với người bệnh nhiễm Covid-19 chứng tỏ quy trình phải đi qua rất nhiều khâu.

Do đó, vấn đề đặt ra là hệ thống bệnh viện, phòng khám tư nhân phải làm sao để tạo ra một đường riêng, hoàn thiện hơn nhằm phát hiện bệnh sớm, giảm bớt số nhân viên y tế phải tiếp xúc và cách ly sớm, thông báo kịp thời để đảm bảo an toàn cho cộng đồng cũng như hạn chế lây nhiễm cho các nhân viên y tế một cách không cần thiết”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu.

Đọc thêm